Giờ ra chơi của học sinh Trường tiểu học Lý Thường Kiệt
Trường tiểu học Phú Mỹ 2 (Phú Vang) đang triển khai thực hiện triển khai phương pháp giáo dục STEM. Thầy giáo Hiệu trưởng Trương Công Vinh chia sẻ: Khi tiếp cận với “Quy trình tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở cấp tiểu học”, “Quy trình xác định chủ đề giáo dục STEM” và “Bài học STEM”, tôi nhận thấy các bài học STEM đã làm rõ hơn ưu điểm của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đó là học sinh được làm, trải nghiệm qua chính bài học. Các bài học trong sách vở thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ hội để các em tích hợp kiến thức, kỹ năng ở các môn học, từ đó vận dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong từng chủ đề.
STEM là mô hình giáo dục hiện đại, tích hợp nhiều môn học và kỹ năng cần thiết giúp học sinh phát triển theo hướng khoa học. Các hoạt động giáo dục STEM thường dựa vào/tạo ra một tình huống thực tiễn để học sinh giải quyết sáng tạo bằng cách sử dụng kiến thức của hai hay nhiều môn học thuộc các lĩnh vực STEM. Giáo dục STEM tạo điều kiện để học sinh rèn luyện khả năng ứng dụng toàn diện kiến thức vào việc khám phá thế giới thực và giải quyết các vấn đề dưới sự định dạng của tư duy liên ngành...
Đã qua nhiều năm triển khai, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Huế) vẫn chưa thực sự áp dụng STEM vào giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, mà mới chủ yếu xây dựng các hoạt động ngoài giờ lên lớp với hình thức trải nghiệm và nghiên cứu khoa học. Hiệu trưởng Dương Tuấn Anh cho biết: Các thiết bị danh mục đồ dùng học tập tối thiểu trong Chương trình GDPT 2018 đảm bảo thuận tiện, triển khai thực hiện tốt giáo dục STEM. Vấn đề cốt lõi là lãnh đạo nhà trường phải đồng tình tham gia nghiên cứu. Giáo viên tham gia phải năng động, chịu khó bồi dưỡng kiến thức và kiến tạo phương pháp tổ chức giảng dạy cho phù hợp.
Giáo dục STEM chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, trong đó, dạy học dự án và dạy học giải quyết vấn đề là hai phương pháp dạy học được sử dụng phổ biến trong triển khai các hoạt động giáo dục STEM. Kinh nghiệm bước đầu triển khai ở các trường tiểu học trong tỉnh cho thấy, năng lực giảng dạy theo giáo dục STEM của nhiều giáo viên còn là thách thức. Họ cần tự học, bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn.
Một vấn đề đặt ra là, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở vật chất, trang, thiết bị triển khai Chương trình GDPT mới. Các địa phương, nhà trường cần xây dựng kế hoạch, đề án, có sự tham mưu cùng UBND tỉnh để có cơ chế, chính sách hỗ trợ; có cơ chế pháp lý thực hiện xã hội hóa… đảm bảo yêu cầu triển khai. Được biết, các trường tiểu học sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến giáo viên để hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của giáo dục STEM; tổ chức các hoạt động chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện song song với Chương trình GDPT 2018... Thiết nghĩ, triển khai thành công phương pháp STEM là cách để giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học Thừa Thiên Huế hội nhập và phát triển.
Bài, ảnh: Huế Thu