ClockThứ Ba, 29/03/2022 07:00

Gắn kết đại học với trường phổ thông trong giáo dục STEM

TTH - Các trường đại học (ĐH) đang gắn kết với các trường trung học phổ thông (THPT) nhằm giải quyết những thách thức trong giáo dục STEM (chương trình giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), cũng như tạo điều kiện cho học sinh phát triển tư duy ban đầu về công nghệ, kích thích sự sáng tạo để thích ứng nhanh khi tiếp cận các lĩnh vực chuyên sâu sau này.

Đổi mới chương trình môn Công nghệ THPT và giáo dục STEMỨng dụng mô hình STEM vào giáo dục THPTĐẩy mạnh giáo dục STEM trong trường phổ thông

Học sinh các trường THPT trải nghiệm tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế

Gắn kết giữa hai bậc học

Mới đây, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên phụ trách môn công nghệ - công nghiệp của 37 trường THPT trên địa bàn tỉnh đã cùng ngồi lại trao đổi về chủ đề đổi mới chương trình môn công nghệ THPT và giáo dục STEM. Nhiều nội dung sẽ được đơn vị đào tạo ĐH và các trường THPT tiếp tục đẩy mạnh, nhất là hợp tác cùng tạo ra sân chơi bổ ích trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ dành cho học sinh THPT thông qua các cuộc thi và hoạt động sinh hoạt thiết thực (trải nghiệm, câu lạc bộ STEM, lập trình…).

Năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (gọi tắt là STEM) trên cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, trong chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018), giáo dục STEM một mặt mang ý nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, mặt khác đây là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh phát huy được năng lực và phẩm chất một cách toàn diện hơn, đồng thời áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Thực tế triển khai cho thấy, giáo dục STEM mang lại rất nhiều hiệu quả, song, trong quá trình triển khai giáo dục STEM vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đại diện các trường THPT, một số giáo viên vẫn gặp khó khăn trong việc tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho vừa bảo đảm yêu cầu của khung chương trình, vừa phát huy sức sáng tạo của học sinh. Cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng. Thêm vào đó, lâu nay chưa có sự phối hợp thường xuyên, liên tục giữa hệ thống trường phổ thông với các trường ĐH, viện nghiên cứu và các tổ chức, doanh nghiệp… “Các trường ĐH đã xây dựng chương trình giáo dục STEM hoàn chỉnh. Việc gắn kết giữa các trường THPT với ĐH không chỉ giải quyết được những khó khăn từ bậc phổ thông, mà còn đảm bảo được tính liên thông và định hướng nghề nghiệp, khi học sinh tiếp cận và hiểu được khả năng, đam mê của mình để lựa chọn ngành nghề, con đường cho tương lai”, thầy giáo Hồ Đắc Thái Sơn, Tổ trưởng tổ Công nghệ - Công nghiệp, Trường THPT Cao Thắng chia sẻ.

Các trường ĐH, tùy theo tính chất, đặc trưng ngành nghề, chuyên môn hoàn toàn có thể hỗ trợ các trường THPT, tạo được sự liên kết rộng bền vững. TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế phân tích, điển hình như với tiềm lực sẵn có trong công tác GD&ĐT các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, Khoa có thể đồng hành cùng các trường THPT trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ thông qua các hoạt động xây dựng nội dung chương trình giáo dục STEM, tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM, tổ chức các cuộc thi nghiên cứu kỹ thuật công nghệ, đồng thời hỗ trợ tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.

Ngay tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, thời gian qua đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan và mời chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm cho giảng viên, giáo viên. Với tính chất của giáo dục STEM có nhiều hoạt động, môn học, Trường ĐH Sư phạm cũng tạo ra chuyên đề để chia sẻ, hỗ trợ tập huấn cho các Sở GD&ĐT, giáo viên các tỉnh miền Trung. TS. Hồ Hữu Nhật, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Phát triển năng lực sư phạm, Trường ĐH Sư phạm cho biết, việc gắn kết giữa nhà trường với các trường bậc phổ thông rất tốt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trao đổi học thuật… tạo ra hiệu quả trong giáo dục STEM.

Tạo ra nhiều hơn các trải nghiệm

Gắn kết bậc ĐH và phổ thông trong giáo dục STEM một mặt hỗ trợ các trường THPT để tạo ra hiệu quả trong các hoạt động đào tạo, mặt khác, học sinh phổ thông tiếp cận sớm với môi trường ĐH là điều kiện tốt giúp các em hình thành, phát triển tư duy ban đầu về công nghệ, kích thích khả năng sáng tạo, thích ứng nhanh khi tiếp cận với các lĩnh vực chuyên sâu, qua đó cũng là cách để định hướng nghề nghiệp.

Các trường ĐH cũng tập trung nhiều cho công tác quảng bá tuyển sinh và bắt đầu tập trung nhiều cho các hoạt động trải nghiệm. Với đặc trưng mỗi trường có lĩnh vực khác nhau và cơ sở vật chất, công nghệ đáp ứng, việc lồng ghép tạo ra các hoạt động trải nghiệm sẽ tạo được hứng thú cho học sinh, vừa đáp ứng chương trình vừa định hướng nghề nghiệp sớm cho các em trước ngưỡng cửa ĐH.

Điều đáng lưu ý là, các hoạt động trải nghiệm tránh làm hình thức mà nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường ĐH với các trường THPT, đặc biệt là hỗ trợ giải quyết những nội dung mà các trường THPT chưa có điều kiện cơ sở vật chất để làm tốt như trải nghiệm phòng thực hành, nghiên cứu, thí nghiệm; các nội dung học tập chuyên sâu hơn như khoa học máy tính, robot, lập trình…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Học bằng... trải nghiệm

Nhiều năm nay, Trường mầm non Vĩnh Ninh là một điểm sáng giáo dục của thành phố Huế, với các hoạt động trải nghiệm được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Học bằng  trải nghiệm

TIN MỚI

Return to top