ClockThứ Bảy, 08/08/2020 06:30

Tạo điều kiện cho thí sinh vùng dịch

TTH - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến một số địa phương chưa thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 trong đợt 1, Đại học (ĐH) Huế đưa ra phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thí sinh vùng dịch.

An toàn cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thôngNhiều điểm mới ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020Xét tuyển đại học 2020: Thí sinh không nên quá lo lắng về chọn ngành

Công tác đào tạo cho sinh viên được xét tuyển đợt 2 phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 (Ảnh minh họa)

Dành chỉ tiêu cho thí sinh vùng dịch

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, trong đợt 1 (ngày 8 – 10/8), các thí sinh tại TP. Đà Nẵng và một số địa phương đang thực hiện cách ly xã hội chưa thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và sẽ lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi. “Việc lùi thời gian kỳ thi dẫn đến những lo ngại của thí sinh về xét tuyển ĐH và nhập học. Ngày 6/8, ĐH Huế đã đưa ra phương án và thông báo đến thí sinh về việc dành chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho thí sinh các tỉnh đang giãn cách xã hội thi vào đợt 2. Đây cũng phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH”, ông Hào khẳng định.

Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, ĐH Huế và các cơ sở đào tạo sẽ xem xét phân bổ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi trong ngày 8 – 10/8 do dịch COVID-19 dựa trên tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh thuộc địa phương (vùng dịch) so với tổng số nguyện vọng ĐKXT của thí sinh trên cả nước vào đơn vị đào tạo năm 2020. ĐH Huế và các trường cũng sẽ căn cứ tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng thí sinh trúng tuyển trên cả nước vào trường năm 2019 và tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng nguyện vọng ĐKXT của địa phương vào trường trong năm 2019. “Dựa vào những căn cứ trên, ĐH Huế rà soát, tính toán lại chỉ tiêu cụ thể, dự kiến có thể dành khoảng 10% chỉ tiêu cho thí sinh các địa phương ở vùng dịch. Chỉ tiêu có thể khác nhau theo từng trường, từng ngành”, đại diện Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế thông tin.

Cùng với việc dành chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ĐH Huế cũng tạo điều kiện cho các thí sinh trong kỳ thi năng khiếu. Theo TS. Nguyễn Công Hào, ngoài đợt thi năng khiếu 14 - 16/8, ĐH Huế dự kiến tổ chức thêm đợt thi thứ 2 cho một số thí sinh vùng dịch chưa thể tham gia kỳ thi. Thời điểm tổ chức đợt thi bổ sung tùy thuộc vào tình hình dịch COVID-19 ổn định và ĐH Huế sẽ có thông báo đến thí sinh trước kỳ thi này.

Đảm bảo công tác xét tuyển và đào tạo

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, chắc chắn thí sinh vùng dịch sẽ phải tham gia đợt xét tuyển và các thủ tục nhập học muộn hơn so với các thí sinh đã thi trong đợt 1. Tuy nhiên, công tác xét tuyển và các yếu tố liên quan cũng sẽ đảm bảo đúng quy trình.

Sau khi thí sinh có kết quả kỳ thi, ĐH Huế cùng các cơ sở đào tạo mới tiến hành xét tuyển và làm các thủ tục, như: gửi giấy báo trúng tuyển, xác nhận nhập học, làm thủ tục nhập học. Thời gian tổ chức các hoạt động được bố trí hợp lý phù hợp với tình hình dịch bệnh và thời gian của năm học. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, với số lượng thí sinh ít so với tổng chỉ tiêu, tiến độ thời gian làm công tác xét tuyển khả năng sẽ nhanh hơn.

Đáng chú ý, công tác đào tạo tuy muộn hơn so với các thí sinh đợt đầu nhưng có thể linh hoạt, đảm bảo thí sinh vẫn học tập và tốt nghiệp đúng thời hạn. PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế phân tích: “Tùy tình hình nhập học của thí sinh liên quan đến dịch COVID-19, trường có thể bố trí kế hoạch đào tạo. Nếu thí sinh nhập học không quá muộn so với đợt đầu, có thể tổ chức để họ cùng học chung lớp và giảng viên sẽ lên phương án bổ sung kiến thức còn thiếu trước đó. Nếu nhập học quá muộn so với đợt đầu, sẽ bố trí lớp riêng. Nếu học cùng đợt sẽ thi chung, còn trong trường hợp học khác đợt sẽ tổ chức đợt thi sau và có thể lập hội đồng thi riêng. Hình thức đào tạo tín chỉ có thể linh hoạt sắp xếp. Ngoài ra, giữa các năm học có 3 tháng hè, có thể giải quyết để đảm bảo thời gian đào tạo và sinh viên tốt nghiệp đúng theo khung thời gian chung”.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự tin để thi tốt

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đang bước vào thời điểm… đếm ngược. Đây là kỳ thi quan trọng không chỉ đánh dấu bước ngoặt kết thúc 12 năm học, mà còn là căn cứ để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Vấn đề đặt ra, để tự tin “vượt vũ môn”, học sinh cần chuẩn bị những gì?

Tự tin để thi tốt
Return to top