Bà Nguyễn Thị Kim Phụng.
Câu chuyện đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội đang được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo đó, mỗi năm, học viện này được giao khoảng 350 chỉ tiêu tiến sĩ. Rất nhiều người đã phải “giật mình” khi một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đặt phép tính: “Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sỹ, chính xác là hơn 1,76 ngày 1 tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một tiến sĩ…ra lò”.
Các đề tài bảo vệ chức danh tiến sĩ cũng được đem ra mổ xẻ, nhiều người cho rằng, nhiều đề tài chưa…xứng tầm đề tài khoa học cấp bằng tiến sĩ. Ví dụ như: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt; Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề; Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã, Đặc điểm ngữ âm tiếng Sơn Tây…”.
Giải thích những băn khoăn này, bà Phụng cho biết, Học viện Khoa học Xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất 17 viện nghiên cứu thuộc Việt Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Vì vậy, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của Học viện là tổng chỉ tiêu của 17 viện, nếu tính trung bình ra thì không lớn.
Giải thích về những đề tài được cho là chưa “xứng tầm” với nghiên cứu bằng tiến sĩ, bà Phụng cho biết, việc thẩm định các đề tài cụ thể theo quy chế thuộc thẩm quyền chuyên môn người hướng dẫn, hội đồng chấm, người phản biện, thẩm định và cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý về chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện.
“Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ kiểm tra thẩm định khi có những ý kiến phản ánh không tốt về chất lượng luận án” - bà Phụng cho biết.
Ngoài ra, bà Phụng cho hay, trong vụ “lò sản xuất tiến sĩ”, Học viện Khoa học Xã hội có một sai sót là không công bố toàn văn luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ trên website của đơn vị này. Điều này vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 36 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ.
Điều luật này quy định: “Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định các điều kiện tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, đảm bảo nguyên tắc: thời gian, địa điểm bảo vệ luận án, tên đề tài luận án của nghiên cứu sinh đã được công bố công khai, rộng rãi trên trang web của cơ sở đào tạo, trang web của Bộ GD-ĐT, trên bảng tin của cơ sở đào tạo và của đơn vị chuyên môn, trên báo địa phương hoặc trung ương, trước ngày bảo vệ ít nhất 10 ngày để những người quan tâm có thời gian tìm hiểu luận án và tham dự phiên bảo vệ (trừ các luận án bảo vệ mật)”.
Nói về chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, bà Phụng thừa nhận việc đào tạo còn nhiều hạn chế, chất lượng tiến sĩ chưa ở mức như kỳ vọng. Để khắc phục, theo bà Phụng, hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới thay Quy chế hiện hành.
“Quy chế mới sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, đây là yếu tố quyết định quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Cơ sở đào tạo chất lượng cao sẽ được tự chủ ở mức cao và ngược lại. Ngoài ra Bộ cũng sẽ nghiên cứu đưa vào quy chế những điều khoản tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình đào tạo tiến sĩ” - bà Phụng nói.
Theo Dân Việt