ClockThứ Ba, 20/03/2018 06:00

Trải nghiệm khởi nghiệp

TTH - Trong bối cảnh vấn đề khởi nghiệp khó khăn, nhóm sinh viên Trường đại học (ĐH) Nông lâm – ĐH Huế đang hình thành được mô hình tự trải nghiệm, học cách khởi nghiệp thực thụ.

Trường ĐH Nông lâm tổ chức đêm nhạc từ thiện giúp sinh viên vùng lũTiềm năng từ rau hữu cơThiện nguyện gắn kết với học tậpPOHE: Mô hình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Sinh viên tham gia chăm sóc mô hình rau má sạch

Từ mô hình thực tế

Trong khu vườn rộng hơn 1.000 m2 tại Trung tâm Nghiên cứu Hương Vân thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Trường ĐH Nông lâm (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà), nhóm sinh viên khởi nghiệp thực hiện dự án trồng rau má sạch đang cải tạo các luống rau hư hỏng do các đợt lũ cuối năm 2017. Khoảng 3 tuần sau tết, vườn rau có dấu hiệu tốt trở lại và dự kiến có sản phẩm ra thị trường trong khoảng 2 tháng tới.

Dự án rau má sạch là một trong những mô hình sinh viên khởi nghiệp đầu tiên của Trường ĐH Nông lâm nói riêng và ĐH Huế nói chung. Xuất phát điểm của nhóm sinh viên là nhận học bổng VietHope và được đào tạo khóa kỹ năng mềm trong 1 tuần, sau đó họ tự hình thành ý tưởng, viết dự án và được chuyên gia cố vấn VietHope cùng Trung tâm Phục vụ sinh viên và hợp tác doanh nghiệp thuộc trường hỗ trợ.

“VietHope không bắt buộc sau khóa học phải làm dự án, song nhận thấy đây là cơ hội học tập cách khởi nghiệp nên tụi em nắm bắt. Nhóm chọn mô hình rau hữu cơ vì loại sản phẩm này đang được thị trường ưa chuộng, trong khi lợi thế của tụi em được đào tạo kiến thức tại trường, có giảng viên tư vấn và nhà trường hỗ trợ đất”, Bùi Khắc Duy, sinh viên tham gia dự án nói.

Dự án bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2017. Để học cách khởi nghiệp, nhóm (hơn 30 thành viên) tổ chức mô hình hoạt động như một doanh nghiệp với các phòng ban, trong đó có ban giám đốc, phòng kỹ thuật, phòng nhân sự, tài chính hậu cần… Mỗi bộ phận đảm nhận một công việc chuyên môn nhưng thường xuyên hỗ trợ nhau ở các vị trí công việc để cùng trải nghiệm.

Trần Thị Thanh Thảo, sinh viên năm 3 Trường ĐH Nông lâm kiêm phó giám đốc dự án, chia sẻ: “Em học được cách điều hành các khâu từ nhân sự, kỹ thuật, phối hợp các bộ phận để hoàn thành công việc chung. Nhiệm vụ khó nhưng tập cho em trải nghiệm để sau này ra trường tự khởi nghiệp”.

Ông Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm cho biết, mô hình dự án tạo cho sinh viên có thêm điều kiện học tập và thực hành kiến thức, kỹ năng. Những khâu khó, sinh viên tập trung nguồn lực để làm và tìm người có chuyên môn nhờ hướng dẫn. Điển hình như tìm đầu ra cho sản phẩm, các thành viên được Trung tâm Phục vụ sinh viên và hợp tác doanh nghiệp hướng dẫn và tiếp cận sớm đối tượng khách hàng là giảng viên và sinh viên; khảo sát và đặt mối quan hệ với các trường mầm non, tiểu học sử dụng làm thức ăn cho sinh học bán trú trên địa bàn TP. Huế.

Anh Nguyễn Thanh Phong, cố vấn chuyên môn học bổng VietHope chia sẻ: “VietHope chỉ hỗ trợ học bổng và đào tạo một số kỹ năng cho sinh viên, không đào tạo cho sinh viên khởi nghiệp. Song, ý tưởng muốn học khởi nghiệp của sinh viên thôi thúc tôi bỏ thêm kinh phí cá nhân cùng với Trung tâm Phục vụ sinh viên và hợp tác doanh nghiệp Trường ĐH Nông lâm hỗ trợ sinh viên. Là giám đốc của một công ty, tôi nhận thấy đây mô hình hay để sinh viên trải nghiệm, vừa học lý thuyết vừa học thực hành và có nền tảng tư duy về khởi nghiệp”.

Ths. Lê Khắc Phúc, giảng viên Khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm đánh giá, dù mô hình của nhóm là mô hình khởi điểm về khởi nghiệp nhưng có đầy đủ yếu tố để sinh viên học từ kỹ thuật, quy hoạch, marketing...

Đối mặt với thất bại

Ông May chia sẻ, trước đây, sinh viên có tham gia các dự án hỗ trợ nông dân nhưng với vai trò hỗ trợ kỹ thuật, ít trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Ở dự án này rau má sạch, họ mới được trải nghiệm thực sự.

Giá trị lớn nhất qua mô hình là đúc rút được nhiều bài học từ thất bại. Theo nhiều sinh viên, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, thất bại do thời tiết, thiên tai, những ý kiến trái ngược nhau trong cùng tập thể, khoảng chênh giữa lý thuyết và thực tiễn công việc… Tự xoay sở trước những cái khó giúp họ trưởng thành hơn. Nguyễn Đông Thiên, sinh viên tham gia dự án chia sẻ, những bài học từ thất bại cũng giúp sinh viên có thêm cơ hội việc làm. Lâu nay, nhiều trường hợp mong muốn tự khởi nghiệp bằng ngành nghề mình học nhưng chưa có môi trường thử sức. Việc hình thành và trải nghiệm khởi nghiệp giúp sinh viên tự tin thực hiện giấc mơ khởi nghiệp.

Anh Nguyễn Thanh Phong, cố vấn chuyên môn học bổng VietHope kiêm giám đốc điều hành Công ty TNHH Deliver GREEN cho rằng, lợi ích quan trọng từ mô hình là cải thiện được tính thụ động của sinh viên, giúp họ mạnh dạn đối mặt với thất bại để rút ra kinh nghiệm, bài học cho mình.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương
Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch

Ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách khi đến Huế. Sau thành công của hoạt động ra mắt hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport 2023, ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch.

Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch
Return to top