Nhà trường xác định nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đã xây dựng, triển khai các hoạt động khoa học công nghệ phù hợp với sứ mạng và nguồn lực của Trường.
Lễ ký kết văn bản hợp tác giữa Trường đại học Y Dược Huế và Uỷ ban Y tế Thái Lan trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN lần thứ nhất. Ảnh: Ngọc Hà
5 năm vừa qua là giai đoạn phát triển mạnh trong NCKH của nhà trường. Lần đầu tiên Trường được Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt đề tài độc lập cấp Nhà nước và các đề tài hợp tác theo Nghị định thư. Cũng trong giai đoạn này, số lượng đề tài cấp tỉnh và các cấp tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước. Kết quả của các đề tài NCKH của Trường được chuyển thành sản phẩm thể hiện qua số lượng bài báo đăng ở các tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học, sách và giáo trình đã được xuất bản khá lớn. Số đề án, đề tài NCKH có liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương đã giải quyết được một số yêu cầu thực tế. Kết quả thực hiện của nhiều đề tài NCKH được chuyển giao thành công cho cán bộ y tế tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Phong trào NCKH trẻ đã được sự quan tâm sâu sát của Ban Giám hiệu nhà trường, của đội ngũ ngày càng đông đảo và có trình độ chuyên môn cao của các thầy, cô hướng dẫn, có tâm huyết với phát triển NCKH trẻ. Đặc biệt, tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược Việt Nam lần thứ XVIII được Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 17-19/5/2016, Trường đại học Y Dược Huế là trường có số lượng đề tài tham gia nhiều nhất với 18 đề tài. Lần đầu tiên qua các kỳ Hội nghị, Trường đại học Y-Dược Huế đạt giải nhất toàn đoàn với nhiều đề tài đạt giải cao tại Hội nghị (13 giải). Một số đề tài đạt giải cao tập trung nghiên cứu các hướng mới và gắn liền với thực tiễn như đề tài đạt giải xuất sắc: “Nghiên cứu nội soi chẩn đoán sớm và điều trị ung thư ống tiêu hoá bằng kỹ thuật ESD” đạt giải nhất: “Mô hình sàng lọc bệnh lý tiền sản giật” và “Thực trạng sử dụng điện thoại di động và mối liên quan đến giấc ngủ, các rối loạn tâm lý và kết quả học tập của sinh viên”.
GS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng (thứ 2 phải sang), tham gia đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh trao đổi hợp tác tại Nhật Bản tháng 11/2016
Một trong những thế mạnh của nhà trường là mở rộng và phát triển các chương trình hợp tác nghiên cứu thông qua hoạt động hợp tác quốc tế. Nhà trường đã phát triển các chương trình hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh với nhiều đại học trên thế giới, điển hình như đại học Sasari (Ý), đại học Ghent (Bỉ), đại học Tartu (Estonia). Với các chương trình này, nhà trường đã tạo điều kiện cho gần 100 cán bộ nhận học bổng đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ và thực hiện các đề tài nghiên cứu cùng các Giáo sư nước ngoài. Hằng năm có trên 100 lượt đoàn cán bộ nhà trường đi công tác nước ngoài tham gia giảng dạy, hội thảo, tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn, học tập kinh nghiệm ở khắp nơi trên thế giới. Nhà trường cũng đã chủ động tổ chức các đoàn lãnh đạo nhà trường và các đơn vị nhằm mục đích tìm kiếm và phát triển hợp tác quốc tế.
Tổ chức hội nghị, hội thảo là một thế mạnh, là hoạt động thể hiện tính năng động và hiệu quả của Trường đại học Y Dược Huế. Công tác này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, nâng cao vị trí của nhà trường, là cơ sở cho nhiều hợp tác và dự án quan trọng, là tiền đề tốt đẹp cho mở rộng hợp tác quốc tế góp phần chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường nguồn lực con người và góp phần tăng cường nguồn lực tài chính cho các hoạt động của nhà trường. Trong 5 năm qua, nhà trường đã tổ chức trên 60 hội nghị khoa học, hội thảo quốc tế, tiếp đón rất nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ các nước Hoa Kỳ, Đức, Canada, Pháp, Ý, Úc, Hàn quốc, Thái Lan… Nổi bật là các kỳ Festival khoa học tổ chức cùng Festival Huế, Hội nghị Y tế công cộng tiểu vùng sông Mekong, các cụm Hội thảo về công nghệ sinh học, Y tế công cộng, bác sĩ gia đình, …
Hướng đến kỷ niệm 60 năm thành lập, nhà trường đang tích cực chuẩn bị cho cụm các hội nghị, hội thảo bao gồm Hội nghị ASEAN lần thứ 2 về Đánh giá tác động y tế hướng đến ASEAN bền vững, Hội thảo về Y học cấp cứu, Hội thảo Nội khoa toàn quốc, Hội thảo về Y học cổ truyền, và cụm Hội thảo về Y học gia đình, tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình.
Trong chiến lược phát triển sắp tới, nhà trường đang tập trung xây dựng những hướng nghiên cứu trọng điểm, tập trung vào các nghiên cứu mũi nhọn như y sinh học, chăm sóc tiền sản - hỗ trợ sinh sản, ung thư, tiêu hóa, tim mạch, Y học cổ truyền và tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược như Ý, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Hoa Kỳ.
Có được những thành tựu trên một phần do nhà trường luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu, học tập nâng cao trình độ. Đội ngũ giảng viên của nhà trường được bổ sung thường xuyên và đang được trẻ hóa, được đào tạo đa năng đáp ứng với nhu cầu phát triển khoa học công nghệ như hiện nay.
Minh Anh