Cán bộ nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế
Chuyển biến tích cực
Ngay trước lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay, lãnh đạo ĐH Huế tiết lộ, ĐH Huế đang có bước tiến đáng kể về vị thứ xếp hạng quốc tế. Nếu cuối tháng 7/2020, Cybermetrics Lab thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha công bố bảng xếp hạng ĐH Webometrics với thứ hạng của ĐH Huế trên thế giới lần đầu tiên tăng đến 918 bậc, lên vị trí 2.740 (so với tháng 1/2020) thì thời gian tới, những bảng xếp hạng các ĐH thế giới được công bố cũng sẽ cho thấy thứ hạng của ĐH Huế tiếp tục tăng.
Thành tựu trên một phần đến từ chiến lược hợp lý liên quan nhiều tiêu chí, trong đó có nghiên cứu khoa học, xuất bản quốc tế nhưng điều quan trọng cũng khẳng định vai trò từ đội ngũ cán bộ, giảng viên với nhiều chuyển biến tích cực. PGS.TS. Nguyễn Duân, Trưởng ban Tổ chức cán bộ ĐH Huế cho biết, hiện ĐH Huế có gần 4.100 viên chức lao động. So với giai đoạn khoảng 5 năm trước thì hiện nay đội ngũ giảng viên của ĐH Huế tăng 135%; giáo sư và phó giáo sư tăng 133%; tiến sĩ tăng 146% và giảng viên cao cấp cũng tăng 275%... “Trong tổng số công chức, viên chức và người lao động của ĐH Huế, số cán bộ khoa học chiếm 64%. Với hơn 2.600 nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu, có khoảng 780 tiến sĩ, chiếm trên 30%. Tỷ lệ trên cao gấp 1,5 lần mức trung bình của cả nước”, đại diện ĐH Huế thông tin.
ĐH Huế chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ chủ trương của ĐH Huế, các cơ sở đào tạo thành viên và trực thuộc của ĐH Huế thúc đẩy việc phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ sau ĐH, nhất là tiến sĩ. PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho biết, nhà trường tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Đặc biệt, luôn có cơ chế để cán bộ, giảng viên học tập, làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài, sau đó trở về đóng góp cho nhà trường.
Điểm tích cực từ ĐH Huế và các trường là thông qua hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực và kinh nghiệm của cán bộ, giảng viên. Theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động trao đổi giảng viên thì thông qua hợp tác quốc tế, ĐH Huế cũng tìm cơ hội để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên. “7 năm qua, có đến 14 nghiên cứu sinh đã và đang được chương trình VLIR (Bỉ) hỗ trợ đào tạo”, đại diện ĐH Huế nêu ví dụ.
Phát triển đội ngũ xứng tầm
Nhìn vào việc thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị (ngày 25/5/2009), sau hơn 10 năm, ĐH Huế đã có bước phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý trình độ cao tăng gấp hơn 2 lần. Tuy nhiên, đứng trước mục tiêu xây dựng và phát triển ĐH Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ chính trị thì ĐH Huế còn rất nhiều việc phải triển khai trong công tác phát triển đội ngũ.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2025, ĐH Huế đặt mục tiêu ổn định quy mô với số lượng 4.100 viên chức và lao động, trong đó có 2.900 giảng viên và nghiên cứu viên (chiếm 71,95%), 1.450 viên chức có trình độ tiến sĩ (50%); 400 viên chức đạt chức danh giáo sư và phó giáo sư, 500 giảng viên đạt chức danh giảng viên cao cấp; 80% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ…
Để đạt được chất lượng đội ngũ xứng tầm, theo lãnh đạo ĐH Huế, một trong những giải pháp hướng đến là đầu tư kinh phí và đẩy mạnh việc gửi các giảng viên, nhóm nghiên cứu trẻ đi công tác, học tập và nghiên cứu nước ngoài. Đồng thời, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế với châu Âu, hằng năm gửi từ 50 – 60 giảng viên, cán bộ tham gia các chương trình trao đổi, kết hợp đào tạo khoảng 10 – 15 tiến sĩ/năm.
ĐH Huế cũng xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, kết hợp đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài để có các xuất bản quốc tế có uy tín, hướng đến đào tạo, bồi dưỡng và hằng năm từ 18 – 20 viên chức đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy hoạch cán bộ chuyên môn. ĐH Huế cũng tăng cường và ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư về các bộ môn; xây dựng các chuyên gia đầu ngành trẻ, nhất là các ngành kỹ thuật, công nghệ. Gắn với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn định kỳ về ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho cán bộ hành chính; từng bước chuẩn hóa đội ngũ, nâng cấp các ngạch chuyên viên, kỹ thuật viên gắn với nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: Hữu Phúc