ClockThứ Tư, 23/12/2020 15:43

Tình bạn của Đỗ Thị Mỹ Nga

TTH - Câu chuyện về Đỗ Thị Mỹ Nga, cô bé có nụ cười duyên dáng, hiền lành nhưng bị khiếm khuyết về đôi chân tại lớp 12B7 Trường THPT Gia Hội không còn lạ với những người bạn chung trường. Nụ cười ấy tràn ngập niềm tin, hy vọng vào ngày mai.

Đỗ Thị Mỹ Nga (thứ 2 từ trái qua) và những người bạn

Nga không may bị tật bẩm sinh, gia cảnh lại khó khăn khi bố đau ốm, mọi gánh nặng về tài chính dồn lên đôi vai của mẹ. Thương mẹ nhưng Nga chẳng thể phụ giúp mẹ việc nhà, thế nên, em chỉ cố gắng học tập thật tốt. Trong 11 năm học, Nga luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi, là tấm gương về nỗ lực vượt khó học tập.

Tuổi thơ của em là những chuỗi dài khó khăn khi hàng ngày mẹ phải cõng sau lưng đưa đi học, là những lúc tập vật lý trị liệu nhưng không mang lại kết quả, là những ngày khao khát được chạy nhảy vui chơi với chúng bạn nhưng không thể.

Những ngày đầu chập chững đến lớp, vì khiếm khuyết nên Nga chẳng thể đi lại được nhiều. Em chỉ có thể ngồi một chỗ nhìn các bạn vui đùa, thậm chí bị các bạn trêu chọc. Trong quãng thời gian khó khăn đó, Phan Thị Ngọc Phụng xuất hiện, bầu bạn và giúp đỡ Nga trong học tập lẫn cuộc sống. “Lúc ấy là giờ thể dục, em không làm sao ra ngoài học được, nên đành ngồi trong lớp. Thấy thế, Phụng liền cõng em ra sân thể dục để học cùng với lớp. Hồi ấy chúng em mới lớp 1, Phụng lại nhỏ người, vậy mà vẫn cố gắng cõng em ra sân. Em cảm động lắm, sau đó tụi em thân nhau từ đó đến giờ”. Nga tâm sự về kỷ niệm đáng nhớ cùng cô bạn thân nhất.

Vào THCS ở Phú Hậu, Nga và Phụng lại làm quen và thân thiết thêm với cặp song sinh Đặng Thị Hồng Nghĩa – Đặng Duy Đại. Nhà của Nga và Phụng ở gần nhau, vì vậy mỗi ngày Phụng đều sang đưa Nga đi học bằng xe đạp. Khi đến trường, Hồng Nghĩa – Duy Đại đã chờ sẵn. Nghĩa cầm cặp giúp, Đại bế Nga vào lớp. Đó cũng là hình ảnh thân thuộc nhất giữa sân trường, trong lớp học mà mọi người thường thấy ở nhóm bạn. Chính vì vậy, các em đã bàn với nhau cùng thi vào Trường THPT Gia Hội để có thể hỗ trợ nhau trong học tập, nhất là sức khỏe của Nga không được tốt trong thời tiết giao mùa.

Theo thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, lần đầu chứng kiến sự chăm sóc của các bạn dành cho Nga, thầy rất xúc động. Từ đó, thầy âm thầm dõi theo nhóm bạn, chứng kiến tình bạn của cả nhóm ngày một bền chặt, thầy rất đỗi vui mừng. “Không dễ để có những người bạn tốt như vậy, có thể hy sinh lợi ích của bản thân mình vì bạn bè như vậy. Có thể số phận lấy đi của Nga đôi chân, nhưng lại mang đến cho em những người bạn tốt kề vai sát cánh bên mình.” – thầy Sơn cho hay.

Yêu thích tiếng Anh và ngữ văn nhất trong tất cả các môn học, lại thích xem những chương trình, những bộ phim nước ngoài từ khi còn bé, vì vậy Nga ước mơ rằng sau này mình có thể trở thành một biên dịch viên. Cô bé cũng không giấu giếm mong muốn sẽ viết một cuốn sách, về những điều mà bản thân cô đã trải qua, và hy vọng, cuốn sách sẽ truyền cảm hứng, động lực cho những người không may mắn. Tôi tin Nga làm được vì quanh em luôn có những người bạn đồng hành.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc hội ngộ của tình bạn

Cả hai bức tranh được họa sĩ Đinh Cường vẽ về hai người bạn thân của mình: Trịnh Công Sơn và Ngô Kha như duyên định cuối cùng cũng về chung dưới mái nhà bảo tàng mỹ thuật Huế.

Cuộc hội ngộ của tình bạn
Giảm rác thải trong mùa dịch

Việc người dân thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã làm lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giảm lại so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, rác thải từ những chiếc khẩu trang cũng là vấn đề cần quan tâm trong bảo vệ môi trường.

Giảm rác thải trong mùa dịch
Bạn tôi

Tôi và bạn cùng làng, cùng lớp. Hai đứa thân nhau từ hồi lớp một. Đến nay, tôi vẫn nhớ kỷ niệm khó quên với bạn những ngày đầu đến lớp.

Bạn tôi
Vượt khó

Dịch bệnh COVID-19 và thiên tai nối tiếp khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, nhiều lao động lao đao vì mất việc làm, giãn việc, giảm thu nhập.

Vượt khó
Bạn cũ

Bạn về Huế dẫn theo vợ và con. Cậu con trai chừng 7 tuổi bị khiếm thính, không nghe và nói rõ như các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng cháu vẫn rất hoà đồng, gặp con trai tôi là nhào vào chơi cùng. Nhìn hai cu cậu túm tít với nhau, Thanh cười mãn nguyện lắm. May mắn, vợ chồng bạn phát hiện con bị bệnh sớm nên vẫn có khả năng điều trị, dù lúc đó bạn phải bán hết tài sản và vay mượn khắp nơi để đưa con lên TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh.

Bạn cũ
Return to top