ClockThứ Sáu, 02/09/2022 14:35

Cuộc hội ngộ của tình bạn

TTH - Cả hai bức tranh được họa sĩ Đinh Cường vẽ về hai người bạn thân của mình: Trịnh Công Sơn và Ngô Kha như duyên định cuối cùng cũng về chung dưới mái nhà bảo tàng mỹ thuật Huế.

Từ Dạ Thảo “vẽ” chân dung văn nghệ sĩ bằng thơVinh danh nghệ thuật Trúc ChỉNhóm Gác Trịnh tặng tranh họa sĩ Đinh Cường cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Tác phẩm “Như là mây giang hồ”

Mỗi bức tranh một câu chuyện và dù cách trở về khác nhau, nhưng với những ai chứng kiến sẽ không khỏi xúc động bởi cuộc hội ngộ của tình bạn trong mỗi tác phẩm.

Một ngày đầu tháng 8, bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế vui mừng thông báo: “Có một nhóm các anh chị em sở hữu tác phẩm của họa sĩ Đinh Cường, nay nhóm quyết định tặng lại cho bảo tàng, quý lắm!”. Đó là tác phẩm được họa sĩ Đinh Cường vẽ về người bạn thân của mình - nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Không lâu sau cuộc gọi đó là buổi lễ tiếp nhận được tổ chức một cách đầm ấm, nhẹ nhàng giữa bên sở hữu và bên nhận ngay trong không gian của bảo tàng. Tác phẩm được đặt trang trọng ở giữa, hướng mọi ánh mắt về một điểm nhìn.

Tác phẩm có tên “Như là mây giang hồ”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh, thay mặt nhóm Gác Trịnh (2012-2015) - bên tặng, giới thiệu đến với mọi người có mặt hôm đó. Chân dung người nhạc sĩ tài danh nằm ở góc dưới tác phẩm với kích thước 40x15cm thơ mộng, phong sương, lãng tử… với màu trời xanh trắng, thong dong như tâm hồn của người được vẽ.

Không phải bây giờ mọi người mới chiêm ngưỡng được tác phẩm này. Bởi từ năm 2013, trong một dịp về Huế tổ chức triển lãm tại không gian Gác Trịnh trên đường Nguyễn Trường Tộ, tác phẩm này đã được trưng lên cùng với rất nhiều tác phẩm khác của họa sĩ Đinh Cường.

“Dịp đó, họa sĩ Đinh Cường đem về khá nhiều tranh. Sau triển lãm hầu hết tranh đã được người yêu nghệ thuật sưu tập, chủ yếu là giới nghệ sĩ và bạn hữu. Riêng có 2 bức vẽ về Dao Ánh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì họa sĩ Đinh Cường quyết định không bán. Bức Dao Ánh sau này hình như được tặng cho chính nhân vật. Còn tác phẩm về Trịnh Công Sơn, họa sĩ quyết định tặng lại cho nhóm Gác Trịnh - như là một món quà kỷ niệm”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc thông tin.

Một ngày không xa, những tác phẩm này sẽ được triển lãm, giới thiệu đến công chúng

Tác phẩm này được bảo quản, lưu giữ lâu nay và vì nhiều lý do nhóm không thể hoạt động nên đi đến quyết định tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế như là cách tặng lại cho Huế, tặng lại cho mảnh đất gắn bó với cả người vẽ lẫn người được vẽ - hai nghệ sĩ lớn vang danh của vùng đất Cố đô. Khi trao tặng bức tranh, nhóm Gác Trịnh mong rằng tác phẩm sẽ được bảo quản tốt để phát huy giá trị hoặc triển lãm đến với công chúng gần xa.

Trước đó không lâu, tác phẩm khác của họa sĩ Đinh Cường vẽ về người bạn thân khác đó là liệt sĩ, nhà thơ Ngô Kha cũng đã “châu về hợp phố” sau một thời gian được Bảo tàng Mỹ thuật Huế cất công tìm hiểu, sưu tầm. Đường về của tác phẩm này cũng là câu chuyện được xem là ly kỳ và từng được Báo Thừa Thiên Huế kể trong một dịp vào cuối năm 2019.

Tác phẩm ấy được họa sĩ Đinh Cường đưa từ Mỹ về, cũng từng triển lãm tại Huế ở không gian Châu Ê của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Không lâu sau, bức tranh này theo chân họa sĩ vào TP. Hồ Chí Minh. Bức tranh sơn dầu với kích thước 45x65cm, tưởng chừng sẽ không có cơ hội quay trở về cho đến một ngày tác phẩm này đã được nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng “thỉnh” lại Huế trong niềm vui của nhiều người quan tâm.

“Mọi chuyện cũng từ cơ duyên, tôi xúc động và may mắn khi được nối dài cơ duyên đó”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hoàng nói và từng khẳng định, đó là một bức chân dung quá đẹp trong số hàng chục bức chân dung của cố họa sĩ Đinh Cường vẽ về bạn bè mình. Tiếng hay đồn xa, không lâu sau Bảo tàng Mỹ thuật Huế quyết định sưu tầm lại tác phẩm này từ nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng.

Bà Đinh Thị Hoài Trai nói rằng, hai tác phẩm của họa sĩ Đinh Cường mà bảo tàng đang sở hữu - một được hiến tặng và một được bảo tàng sưu tầm. Dù đường về của hai bức tranh như thế nào đi nữa thì đó cũng là một cuộc hội ngộ vô cùng xúc động. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện thú vị của người họa sĩ với người bạn thân của mình. Ngoài việc lưu giữ, bảo quản hai tác phẩm quý giá này, trong tương lai bảo tàng sẽ tính toán để trưng bày, giới thiệu đến với công chúng.

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình”

Tối 13/7, tiếp tục Lễ hội Vì hòa bình 2024, tại Công viên Fidel, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị diễn ra chương trình đặc biệt đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Khúc ca hòa bình”, được Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị phối hợp với gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Công ty CLC Global thực hiện.

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình”
Đêm nhạc Trịnh đầy cảm xúc trong mưa

Mặc cho cơn mưa nặng hạt trong suốt thời gian diễn ra đêm nhạc Trịnh Công Sơn nhưng khán giả đã không ngần ngại nán lại sân khấu, theo dõi đến những tiết mục cuối cùng.

Đêm nhạc Trịnh đầy cảm xúc trong mưa
Cuộc hội ngộ giữa các đoàn nghệ thuật

Kéo dài từ ngày 7 đến 12/6, Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 hứa hẹn là một đại tiệc nghệ thuật với sự tham gia của hàng chục đoàn nghệ thuật cùng hàng trăm nghệ sĩ quốc tế và trong nước.

Cuộc hội ngộ giữa các đoàn nghệ thuật
Điểm trường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ngoài tượng Trịnh Công Sơn bên bờ sông Hương, Thừa Thiên Huế có thêm một công trình mang tên người nhạc sĩ tài hoa: Điểm trường Trịnh Công Sơn tại xã Thượng Long, huyện Nam Đông vừa được khánh thành hôm 24/4.

Điểm trường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn

Sáng 24/4, UBND huyện Nam Đông phối hợp với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức lễ khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã đến dự.

Khánh thành điểm trường Trịnh Công Sơn
Return to top