ClockThứ Ba, 29/07/2014 11:08

Tuổi thơ không mùa hè

TTH - Gần 5 năm trôi qua kể từ khi được đưa lên khu tái định cư phường Hương Sơ (năm 2009), cuộc sống của những đứa trẻ vạn đò nơi đây không còn lênh đênh trên sông nước. Thế nhưng, chuyện ăn học của các em vẫn là nỗi lo của không ít người, khi gánh nặng mưu sinh hàng ngày vẫn đè nặng lên vai những đứa trẻ.

Không ngày hè

Khu tái định cư phường Hương Sơ, một ngày hè. Dù là mùa nghỉ học nhưng cũng thưa thớt tiếng trẻ nô đùa. Trong không gian chật hẹp của những ngôi nhà có nghề làm lồng chim, nhiều đứa trẻ từ 10 – 16 tuổi vẫn cặm cụi đan từng chiếc lồng kiếm 20.000 – 25.000 đồng mỗi ngày, bàn tay chúng thoăn thoắt khiến dì Nguyễn Thị Nghị, thợ làm lồng phải thốt lên: “Chúng nó nhỏ nhưng tay dẻo làm còn nhanh hơn vợ chồng tui nữa”. Ở một điểm khác, nhiều đứa trẻ tụm lại bóc vỏ hạt sen thuê, cứ 8.000 đồng/kg sen, trung bình mỗi đứa làm nhanh cũng chỉ được 5 – 6 kg mỗi ngày nhưng vất vả từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối. “Mẹ em nói phải làm siêng để kiếm tiền đi học. Mỗi ngày em làm được 24.000 đồng. Em dành hai mươi ngàn bỏ heo đất dồn tiền may áo quần đi học”, bé Trần Thị Thảo 13 tuổi chia sẻ.
Làm từ sáng đến tối nhưng bé Thảo cũng chỉ kiếm được 24.000 đồng mỗi ngày
Sống quen bằng nghề sông nước, nên khi được đưa lên bờ định cư, cha mẹ của các em không có công việc ổn định, đành bỏ sức lao động làm thuê làm mướn hoặc cũng chạy xích lô, xe ôm, phụ hồ. Thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết; khiến chi phí trang trải cho cuộc sống thiếu đủ bề. Nhà đông anh em, với những hộ nghèo càng khó khăn, nên trong gia đình cứ anh đến trường vài năm rồi nghỉ, nhường cho em để học. Mà muốn học, các em phải tranh thủ thời gian vừa học vừa làm.
Trao đổi với nhiều người dân, chúng tôi được biết, khá đông trẻ em ở khu tái định cư Hương Sơ phải lao động sớm. Nhiều em bỏ học đi TP Hồ Chí Minh may hoặc làm một số công việc khác, số ở lại vừa học vừa đi làm. Ngoài những công việc như bóc vỏ hạt sen, làm lồng chim, một bộ phận các em nhỏ nơi đây phải đi bán hàng rong ở các quán nhậu buổi chiều tối, rất vất vả, đôi khi còn bị xâm hại.
Ảnh hưởng đến việc học
Khu tái định cư phường Hương Sơ hiện có hơn 450 hộ dân, chia làm 5 tổ dân phố, trong đó trẻ em độ tuổi dưới 16 có hơn 500 em. Vì lao động tự do nên chính quyền địa phương khó nắm được chính xác số lượng trẻ em lao động sớm, chỉ biết đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến.
Ông Huỳnh Văn Tín, tổ trưởng tổ dân phố 14 tâm sự: “Hầu như các em nhỏ ở đây không có mùa hè, thấy rất tội. Đứa bóc vỏ hạt sen, đứa ra chợ phụ mẹ buôn bán đủ thứ, phải nghĩ nhiều đến chuyện mưu sinh”.Thời gian dành nhiều cho công việc kiếm tiền khiến các em lãng quên việc học. Nhiều đứa trẻ cứ hết giờ học về cất sách vở lại chạy cho kịp giờ để bán hàng rong.
Đem chuyện mưu sinh của các em đến trao đổi với lãnh đạo địa phương, mới hay hầu hết dân ở khu tái định cư vạn đò đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, nên con cái trong các gia đình phải tranh thủ sau giờ học kiếm thêm thu nhập.
 
Theo thông tin từ phía lãnh đạo phường, hằng năm có đến hơn 10 em học sinh bỏ học, chủ yếu là ở giai đoạn vượt cấp từ lớp 9 lên lớp 10, số lượng các em học đến hết lớp 12 chiếm tỷ lệ rất thấp. Ông Lê Kim Nam, Phó chủ tịch UBND phường Hương Sơ phân tích: “Có ba lí do chính khiến các em bỏ học. Thứ nhất do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ít quan tâm con cái. Thứ hai, nhiều em phải làm thêm phụ giúp gia đình bỏ bê cả chuyện học. Thứ ba, các em không theo kịp chương trình, sức học kém khiến các em chán nản”. Cũng theo ông Nam, cứ mỗi đợt sau tết, nghe hàng xóm người quen ở TP Hồ Chí Minh ra giới thiệu việc làm lương cao, các em lại bỏ học bất ngờ, rất khó trong công tác vận động, kêu gọi các em đến trường.
Trò chuyện với nhiều bậc cha mẹ, chúng tôi mới hiểu ở khu tái định cư này, đa phần các bậc phụ huynh đều đồng tình cho con cái đi làm thêm. “Con ai có tiền thì đi học thêm, không có thì lo làm. Mùa hè đứa mô cũng lo làm kiếm thêm tiền”, bà Phan Thị Bé một người dân thổ lộ...
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cổ phục & học đường

Từ tình yêu dành cho trang phục truyền thống, Trịnh Thị Khánh Linh và Nguyễn Lê Vĩnh Khang, học sinh lớp 9, Trường THCS Chu Văn An mày mò nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp khả thi để lan tỏa cổ phục trong đời sống đương đại, đưa cổ phục đến gần hơn với các bạn học sinh.

Cổ phục  học đường
Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Return to top