Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế tư vấn chọn ngành cho thí sinh trong mùa tuyển sinh năm 2018
Năm nay, Trường ĐH Nông lâm tuyển sinh 24 ngành trình độ ĐH. Ở tất cả các ngành, ngoài các THM truyền thống A00 (Toán - Lý - Hóa ) và B00 (Toán - Hóa - Sinh), nhà trường còn áp dụng thêm các THM mới là C13 (Văn - Sinh - Địa), D08 (Toán - Sinh - Tiếng Anh), A02 (Toán - Lý - Sinh), B04 (Toán - Sinh - Giáo dục Công dân), C00 (Văn - Sử - Địa)… Điều này khiến dư luận hoài nghi về sự phù hợp của các THM này với các ngành học nhà trường đào tạo.
Ông Trần Võ Văn May, Thường trực Ban Tư vấn tuyển sinh (TVTS) Trường ĐH Nông lâm khẳng định, cách làm mới này đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và mang lại lợi ích, đa dạng sự lựa chọn cho thí sinh, đa dạng chuẩn đầu ra. Cụ thể, các THM này nằm trong danh mục THM do Bộ GD&ĐT quy định, trường không tự sáng tạo THM mới. Trường cũng thực hiện đúng quy định của Bộ là không sử dụng quá 4 THM trong việc xét tuyển mỗi ngành.
Quá trình đưa THM mới vào xét tuyển năm nay, Hội đồng khoa học và đào tạo các khoa (đơn vị quản lý ngành học) đã lấy ý kiến các bên liên quan (doanh nghiệp, công ty sử dụng lao động, cựu sinh viên, sinh viên đang học tại trường…) và thăm dò nhu cầu xã hội, sau đó thông qua quy trình nhiều bước để nhà trường xét duyệt và trình phương án tuyển sinh lên ĐH Huế. Việc áp dụng THM có môn ngoại ngữ là vì nhu cầu nhân lực hội nhập quốc tế, sinh viên ra trường không chỉ làm việc trong nước mà còn ở nước ngoài. Hiện, nhà trường có nhiều chương trình hợp tác đào tạo, đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đến trường để tuyển dụng và yêu cầu về ngoại ngữ cao. Trong khi đó, lý do sử dụng các THM có môn Ngữ văn là vì nhu cầu tuyển dụng của nhiều đơn vị cần sinh viên có kiến thức xã hội và các kỹ năng liên quan.
“Ngoài kiến thức được đào tạo chuyên sâu ngành học ở giảng đường ĐH, sinh viên có sở trường viết lách, kỹ năng mềm, kiến thức xã hội thì cơ hội đầu ra việc làm tốt hơn. Đây là đòi hỏi của doanh nghiệp và họ đã trao đổi với nhà trường trong các ngày hội tuyển dụng. Chẳng hạn, ngành Nuôi trồng thủy sản, Lâm học xét tuyển tổ hợp các môn Ngữ văn - Sinh học - Địa lý. Sinh học và Địa lý là hai môn học cần thiết, liên quan đến ngành học nhưng nếu sinh viên có nền tảng về kiến thức xã hội và viết lách tốt thì có thể ứng tuyển các vị trí công việc truyền thông liên quan đến ngành học này”, ông May khẳng định.
Theo đại diện Ban TVTS Trường ĐH Nông lâm, hiện nay quy chế thi theo THM và thí sinh được quyền thi nhiều môn rồi chọn lựa các môn điểm cao để đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, vì vậy việc áp dụng các THM mới tạo thêm cơ hội cho thí sinh ĐKXT. “Trước đây nhà trường chỉ tuyển hai THM truyền thống là A00 (Toán - Lý - Hóa), B00 (Toán - Hóa - Sinh). Năm học 2015 - 2016, nhà trường thử nghiệm tuyển sinh thêm THM Văn - Sử - Địa (C00) đối với ngành Phát triển Nông thôn và sinh viên vào học đáp ứng được yêu cầu; quá trình trải nghiệm công việc tại doanh nghiệp cũng được đánh giá cao. Với những thí sinh ĐKXT theo THM này, nếu đáp ứng được kiến thức chuyên môn thì cũng có thể tham gia nhiều công việc liên quan đến khuyến nông, công tác chính sách về nông thôn mới vì họ lợi thế phần nào về kiến thức xã hội. Tương tự, đây cũng là lý do nhà trường mở thêm THM C00 đối với một số ngành trong năm nay”, đại diện Ban TVTS nhà trường nói.
TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho rằng, xu hướng đưa THM mới vào xét tuyển hiện nay được nhiều trường ĐH trên cả nước áp dụng. Riêng ở Trường ĐH Nông lâm, quy trình để bổ sung THM mới cũng phải qua hội đồng khoa học, có quá trình phản biện chứ không làm bừa, sau đó đưa lên cấp trường và ĐH Huế xét duyệt phương án tuyển sinh. Còn theo ông May, để thí sinh hiểu rõ, trong các ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp vừa qua, nhà trường cũng đã giới thiệu và giải thích đến với các thí sinh, định hướng rõ để thí sinh lựa chọn.
Ông Đặng Ngọc Quý, công tác tại Trung tâm Công viên cây xanh Huế chia sẻ: “Tôi từng là sinh viên khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm. Ở góc độ cựu sinh viên và là người đang làm trong lĩnh vực lâm nghiệp, tôi thấy việc áp dụng THM Văn - Sinh - Địa chưa phải bất hợp lý. Một cán bộ lâm nghiệp nếu được đào tạo kiến thức chuyên môn và có kiến thức xã hội tốt thì cơ hội xin được việc rất cao. Ngay cả ngành lâm nghiệp, một cán bộ cũng cần có kỹ năng viết dự án, viết báo cáo… Nếu viết lách tốt cũng thuận lợi”. |
Bài, ảnh: Hữu Phúc