Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) chia sẻ thông tin xét tuyển đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm năm 2019
Ông Phạm Như Nghệ cho biết, việc tuyển sinh vào ĐH những năm qua được thực hiện khá ổn định, tuy nhiên để triển khai công tác tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã thực hiện một số điểm. Trong đó, Bộ đã ban hành quy chế tuyển sinh có điều chỉnh để phù hợp với luật giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực vào 1/7/2019 cũng như giúp việc tuyển sinh thuận lợi hơn.
Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và nghiệp vụ tuyển sinh, tổ chức tập huấn cho các trường, Sở GD-ĐT để triển khai tốt công tác tuyển sinh năm 2019. Bộ cũng lập tổ công tác trực đường dây nóng nhằm giải đáp thắc mắc cho các trường, địa phương và thí sinh. Đáng chú ý, do công tác tuyển sinh ngày một ổn định, thông tin được cập nhật tốt nên số thí sinh gọi về Bộ hỏi thông tin ít hơn các năm trước.
Ông Nghệ cũng báo cáo rằng, năm 2019, cả nước có 367 đơn vị tham gia xét tuyển sinh trong đó trình độ ĐH có 276 đơn vị, trình độ CĐ sư phạm có 52 đơn vị còn trình độ trung cấp sư phạm có 39 đơn vị. Năm nay, có hơn 887.000 học sinh đăng ký kỳ thi THPT quốc gia, trong số này có 653.273 thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ và trung cấp sư phạm. Số liệu này cho thấy có sự ổn định tương ứng 74% đăng ký xét tuyển vào ĐH.
Với số đăng ký như vậy nhưng tổng chỉ tiêu của các trường đăng ký về 489.637 chỉ tiêu, tăng khoảng 7,5% so với năm 2018. Lý do tăng trong đó vì có những trường đạt chất lượng kiểm định cơ sở giáo dục, các ngành đào tạo được kiểm định và đạt chất lượng thì được phép tăng chỉ tiêu phù hợp với năng lực thực tế của các trường. Tuy nhiên, số người trong độ tuổi đi học ĐH của Việt Nam là 28%, trong khi so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc thì vẫn rất thấp.
Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH cũng cung cấp thêm các số liệu: “Như hàng năm, số học sinh tốt nghiệp THPT của năm 2019 trên dưới khoảng 1 triệu thí sinh, trong khi chỉ tiêu chỉ có khoảng 480.000 và kết quả thực tuyển đạt ở mức 82-85%. Như vậy nếu như các năm trước thì chỉ khoảng 450.000 em vào đại học. Nghĩa là trừ số tốt nghiệp THPT vào ĐH thì vẫn còn khoảng 600.000 học sinh. Chưa kể số thí sinh tồn đọng các năm trước thì mặc khác, hàng năm số tốt nghiệp THCS mà không vào THPT cũng dao động từ 250.000 -300.000 em. Như vậy nguồn tuyển cho giáo dục nghề nghiệp vẫn còn hơn 1 triệu học sinh nên không thể nói là thiếu nguồn tuyển”.
“Từ những số liệu thực tế đó cho thấy tuyển của giáo dục nghề nghiệp còn rất lớn nên không thể nói ĐH tuyển hết. Vấn đề là giáo dục nghề nghiệp phải làm sao để thu hút được người học” - ông Nghệ lên tiếng.
Còn theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng của năm 2019 giữ ổn định so với năm 2017, 2018. Tuy nhiên, nếu so sánh với các năm từ 2015 trở về trước, thì số thí sinh có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng đã giảm nhiều. Cục trưởng cho rằng đây là xu hướng tích cực, cho thấy hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông.
“Sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể bước vào cuộc sống hoặc chọn học các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Đây cũng là xu hướng của quốc tế. Nhiều nhìn rộng ra các nước có nền kinh tế phát triển như nước ta, thì các nước đó cũng đều trải qua những giai đoạn như chúng ta hiện nay. Càng ngày, số thí sinh đi vào các trường nghề sẽ tăng lên”, ông Trinh nói.
Ngoài ra, Cục trưởng cho rằng khung trình độ quốc gia ra đời là một sự tiến bộ, cho phép liên thông giữa các loại hình, giữa các, bậc học. Bằng cách này hay cách khác thì thí sinh cũng có thể học lên các bậc học cao hơn. Mặt khác, điều này cũng cho thấy sự hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông. Tất cả những yếu tố cộng thêm sự tác động thực tế của nhu cầu xã hộ, nhu cầu của nền kinh tế khiến tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng giảm.
Theo Dân trí