|
Học sinh cần môi trường tốt để phát triển toàn diện (ảnh minh họa) |
Nhu cầu nhiều
Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh, công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp của Sở GD&ĐT, quyết định phê duyệt chỉ tiêu năm học trên địa bàn của UBND TP. Huế để ban hành công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh đầu cấp đến các trường trực thuộc. Sau khi tuyển sinh hết số học sinh nội tuyến, nếu còn thừa chỉ tiêu, hội đồng tuyển sinh nhà trường tiếp nhận học sinh ngoại tuyến trên cơ sở có đơn và lý do phù hợp. Khá đông phụ huynh muốn xin cho con vào học trong khi số chỉ tiêu còn lại không nhiều. “Cung” không đáp ứng được “cầu”, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề và đối phó với việc “chạy trường” là mối lo của các nhà quản lý giáo dục.
Năm nay, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu được giao chỉ tiêu tuyển sinh 13 lớp 6, đa phần là học sinh nội tuyến. Sau khi toàn bộ học sinh nội tuyến hoàn thành nộp hồ sơ tuyển sinh theo đúng thời gian quy định, hội đồng tuyển sinh trường mới nhận đơn ngoại tuyến. Kế hoạch tuyển sinh được thông báo công khai trên website của trường.
Hàng năm, bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh các lớp học một ngoại ngữ là tiếng Anh, nhà trường còn tuyển sinh 3 lớp ngoại ngữ tiếng Pháp; trong đó, một lớp Pháp ngoại ngữ 1 theo dự án của Bộ GD&ĐT dành cho học sinh lớp tiếng Pháp từ Trường TH Lê Lợi đến nhập học và 2 lớp tiếng Pháp ngoại ngữ 2. Học sinh xin vào học trái tuyến ở Trường THCS Nguyễn Chí Diểu đa số học ở 2 lớp này.
Theo tìm hiểu của PV, không có tiêu chuẩn để học sinh được nhận vào học trái tuyến nhưng các trường thường ưu tiên những học sinh có thành tích học tập tốt, có năng khiếu nổi bật về văn nghệ, thể thao... để thúc đẩy chất lượng học tập cũng như phong trào văn thể mỹ của nhà trường. Ngoài con cháu của giáo viên trong trường, các trường cũng tạo điều kiện nhận con của lực lượng công an, quân đội… công tác trên địa bàn để phụ huynh tiện đưa đón.
Tâm lý “đám đông”
Có nhiều nguyên nhân khiến việc xin học trái tuyến luôn “hot”. Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, dân số hàng năm tăng, khu đô thị mới được mở ra ngày càng nhiều, trong khi trường học chưa phát triển theo tỷ lệ thuận. Hệ quả là một số trường ở khu vực trung tâm có số lượng học sinh đăng ký đông, kể cả học sinh trong tuyến và ngoại tuyến.
|
Đọc sách tại thư viện trong giờ giải lao |
Vị trí những trường “điểm” nằm ở khu vực trung tâm, thuận đường, xung quanh là nhiều cơ quan, đơn vị, như Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Huế, các sở, ban, ngành, công an, quân đội… nên phụ huynh công tác ở những cơ quan này xin con vào học để thuận tiện đưa đón. Các phường Phú Nhuận, Vĩnh Ninh và Phú Hội là nơi tập trung nhiều cơ quan, ban ngành của tỉnh và thành phố nên nhu cầu học trái tuyến cao. Những phụ huynh công tác ở các cơ quan gần Trường THCS Nguyễn Chí Diểu xin vào trường chủ yếu là vì tiện đưa đón. Trường cũng gần các trung tâm giáo dục thẩm mỹ, năng khiếu, ngoại ngữ nên thuận tiện đưa các em đi học sau khi tan trường.
Thứ nữa, nhiều phụ huynh mang nặng tâm lý phải cho con học ở những trường có tiếng mới tốt vì nghĩ đây là trường có chất lượng cao hơn. Thấy người quen, bạn bè, đồng nghiệp xin cho con vào học trường đấy, vậy là mình cũng tìm cách xin cho được cũng là tâm lý khá phổ biến. Người này truyền tai người kia tạo hiệu ứng lan tỏa khá mạnh, trở thành thói quen, nếp nghĩ khó thay đổi. Học trái tuyến không chỉ xảy ra ở những trường có vị trí đắc địa mà cả những trường không ở trung tâm, như các trường THCS: Hùng Vương, Phạm Văn Đồng, Phú Dương… Ai ở gần trung tâm thành phố thì muốn học ở trường trung tâm, ở huyện ven đô lại muốn học ở trường thành phố.
Khi tuyển sinh ngoại tuyến ở cấp THCS, nhà trường cũng ưu tiên chọn những em có thành tích học tập tốt. Nhiều em trong đó là con của các gia đình rất chăm lo việc học tập của con cái. Sự quan tâm của nhà trường cùng với phụ huynh tạo nên những “sản phẩm” tốt, nên chất lượng của những trường “điểm” có nhỉnh hơn. Thấy học sinh của trường nề nếp, chăm ngoan, học giỏi là lý do khiến nhiều phụ huynh muốn xin cho con vào học với tâm lý “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
|
Trải nghiệm thú vị ngoài trường học |
Theo một chuyên gia tâm lý, bố mẹ nào cũng mong muốn con mình được vào học tập trong một ngôi trường tốt, bởi ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất đến với con mình. Đây là tâm lý chung và mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đang chọn trường theo tên tuổi có sẵn từ trước mà chưa thực sự quan tâm đến khả năng phù hợp và thích ứng của con. Trường tốt hay không còn phụ thuộc vào năng lực của mỗi học sinh, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh là quan điểm của chuyên gia này. Mấy năm trước, chị bạn tôi cũng gắng xin được một suất cho con vào học Trường tiểu học V., dù nhà cách trường 12km. Sau 2 năm đưa đón vất vả, cuối cùng chị cũng xin cho con về học trường gần nhà vì không theo nổi.
Áp lực với hiệu trưởng
Số chỉ tiêu còn lại không nhiều, trong khi có quá nhiều phụ huynh xin cho con vào học khiến việc tuyển sinh trái tuyến luôn quá tải. Mỗi mùa tuyển sinh, hiệu trưởng của những trường “điểm” chịu rất nhiều áp lực. Nhiều phụ huynh tìm đủ mọi cách để xin cho con vào trường khiến lãnh đạo các trường rơi vào khó xử. Họ điện thoại, chầu chực, tận dụng mọi mối quan hệ để nhờ vả. Gọi điện không được thì tìm đến nhà. Nhiều người phải tránh mặt, tắt máy trong suốt những ngày tuyển sinh.
Khi xin số điện thoại của một hiệu trưởng trường “hot”, nghe cô đồng nghiệp bảo: “Giờ thấy số lạ, ông ấy không nghe đâu, sợ chạy chọt”, tôi nghĩ “làm gì đến mức ấy”. Vậy nhưng, điều đó là có thật. Sau khi tuyển sinh xong, vị hiệu trưởng ấy mới mạnh dạn mở điện thoại. Ông nói: “Giai đoạn tuyển sinh rất vất vả, cứ thấy số lạ, tôi không dám nghe vì không biết người ta gọi có mục đích gì. Nhu cầu học trái tuyến quá nhiều không thể giải quyết hết được, rất khó xử nên tôi tạm tắt máy, bạn bè, người thân cũng không liên lạc được”.
Một thầy giáo từng là hiệu trưởng của một trường “hot” kể: “Khi còn làm hiệu trưởng, mỗi mùa tuyển sinh là tôi bị stress. Ở nhà thì trốn trong nhà, đến trường phải lánh tới quán cà phê làm việc, điện thoại thì không dám nghe. Điện thoại reo liên tục, tôi đành phải tắt máy, liên lạc bằng số điện thoại khác khi cần thiết”.
Thầy giáo này bộc bạch, đi kèm với việc xin học trái tuyến là câu chuyện buồn. Người xin thì nhiều trong khi chỉ tiêu có hạn, nhiều người quen biết ông không giải quyết được, vậy là mất lòng.
Kỳ III: Nhiều trường tốt, sức ép trái tuyến sẽ giảm