ClockThứ Sáu, 25/08/2023 08:25

“Chạy trường” - Kỳ IV: Thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của phụ huynh

TTH.VN - Nếu tất cả các trường đều có cơ sở vật chất khang trang, môi trường sạch sẽ, an toàn, giáo viên tận tâm và kết quả rèn luyện của học sinh tốt thì tự nhiên, phụ huynh sẽ thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và nạn “chạy trường” sẽ không còn.

"Chạy trường"“Chạy trường” - Kỳ II: Cuộc đua mệt mỏi“Chạy trường” - Kỳ III: Nhiều trường tốt, sức ép trái tuyến sẽ giảm

Cô và trò Trường TH Quang Trung, TP. Huế

Không có trường “điểm”

Trừ Trường THCS Nguyễn Tri Phương, trên địa bàn thành phố không có trường “điểm”. Một hiệu trưởng cho rằng, do tâm lý và nhìn nhận của phụ huynh có khác biệt, còn thực tế tất cả các trường đều có chiến lược phát triển giáo dục như nhau. Trường nào cũng có công tác quản lý, kế hoạch chuyên môn, giáo dục đạo đức học sinh rất tốt. Việc phân biệt trường này tốt, trường kia không tốt là chủ quan của phụ huynh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cũng nhấn mạnh, không có khái niệm trường “điểm” mà là trường đạt kiểm định chất lượng và trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, trên địa bàn TP. Huế, nhiều trường ở vùng ven đã đạt chuẩn quốc gia với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học… được đầu tư, trang bị đầy đủ. Chất lượng các trường trên địa bàn thành phố đồng đều giống nhau, đủ điều kiện để học sinh đi học bình thường nhưng phụ huynh vẫn xin cho con học trái tuyến, đó là tâm lý.

“Đề án phát triển giáo dục của thành phố đều đầu tư đầy đủ cho các trường, đảm bảo công bằng trong hưởng thụ giáo dục cho mọi học sinh. Những năm qua, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục, đến tận các trường nắm bắt kịp thời đề xuất của các nhà trường về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... đảm bảo sự công bằng về điều kiện dạy học giữa các trường”, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế cho biết.

Nhiều năm làm công tác quản lý trong ngành giáo dục, một nhà giáo về hưu cho hay, căn cơ cũng vì phụ huynh muốn cho con học ở những trường trung tâm cho “danh giá” chứ thực ra bây giờ chất lượng các trường TH và THCS gần như nhau. Trước đây, người ta còn chạy theo thành tích ở trường học, nhưng bây giờ theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học không đặt nặng kết quả hàng năm mà chỉ cần có những kiến thức cơ bản phù hợp với lứa tuổi. Thế nhưng, “ám ảnh” bệnh thành tích ngày xưa vẫn còn, phụ huynh vẫn muốn con mình học trường “điểm”. Ông cho hay: “Ở bậc tiểu học, phụ huynh muốn xin cho con vào trường “điểm” để gửi giáo viên kèm cặp thêm những môn sẽ khảo sát năng lực vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Đây cũng là một nguyên nhân khiến học sinh học thêm ở tiểu học. Nếu không vào được Trường THCS Nguyễn Tri Phương, ai cũng muốn xin cho con vào học Trường THCS Nguyễn Chí Diểu hay THCS Chu Văn An. Cũng có trường hợp phụ huynh cho con học lớp tiếng Pháp ở Trường TH Lê Lợi vì đương nhiên sẽ được vào học Trường THCS Nguyễn Chí Diểu”.

Thay đổi nhận thức

“Trừ những trường hợp do điều kiện công tác của phụ huynh, nhiều người mang nặng tâm lý xin cho con học trường “điểm” vẫn hơn. Vì vậy, TP. Huế cần truyền thông mạnh hơn để giải tỏa tâm lý của phụ huynh về việc chọn trường “điểm”, trường chất lượng”, ông Nguyễn Tân nói.

 Các trường cần khẳng định chất lượng qua kết quả học tập của học sinh (ảnh minh họa)

Việc thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp, của ngành giáo dục và phụ huynh là giải pháp bền vững để thay đổi thực trạng hiện nay. Theo nhà giáo trên, để thay đổi nhận thức của phụ huynh cũng như một bộ phận giáo viên, phải có thời gian và công tác tuyên truyền là quan trọng. Trách nhiệm chính là của ngành giáo dục, các trường phải phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác tuyên truyền.

Ngoài những buổi trao đổi giữa nhà trường với phụ huynh, những buổi họp dân của chính quyền địa phương, cách tuyên truyền hiệu quả nhất chính là chất lượng của những trường chưa được coi là trường “điểm”. Một chuyên gia phân tích, để thay đổi nhận thức của phụ huynh, các trường phải khẳng định chất lượng qua những kết quả đáng thuyết phục. Trường nào bây giờ cũng tốt nhưng chất lượng phải có tính bền vững. 

Ở cấp TH và THCS, phụ huynh đánh giá chất lượng qua việc mỗi năm có bao nhiêu học sinh vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Trường THPT chuyên Quốc Học. Đây là thước đo để phụ huynh tin tưởng. Các trường tiểu học: Quang Trung, Vĩnh Ninh, Lê Lợi hàng năm có vài chục em vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương nên phụ huynh cảm thấy những trường này có chất lượng bền vững hơn. Cùng là học sinh giỏi nhưng học sinh giỏi của trường này vào được Quốc Học, còn trường kia lại không. Do đó, các trường phải tự khẳng định mình bằng kết quả học tập của học sinh hàng năm.

Chọn học “trường làng”

Bên cạnh những phụ huynh mang nặng tâm lý trường “điểm”, cũng không hiếm phụ huynh thay đổi tư duy cho con theo học “trường làng”. Đây là tín hiệu vui khi tôi tìm hiểu câu chuyện “chạy trường” đầy áp lực. Nhiều “trường làng” ở các huyện, thị bây giờ cũng khác xưa rất nhiều. Khuôn viên trường học rộng rãi, cây xanh bóng mát, lớp học khang trang và đội ngũ giáo viên vẫn có những thầy cô giáo giỏi, tâm huyết. Nhiều trường học ở thị xã Hương Thủy không có nhiều khoảng cách so với nhiều trường ở trung tâm TP. Huế, nhất là chất lượng đào tạo của những trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, nhiều phụ huynh công tác ở thành phố cho con học ở “trường làng” xem ra là lựa chọn khôn ngoan hơn việc phải đưa con lên thành phố học rất vất vả.

Không gian thư viện dành cho học sinh ở Thuỷ Biều, TP. Huế

Mỗi năm, các trường tiểu học ở thị xã Hương Thuỷ, chủ yếu ở Phú Bài, Thuỷ Phương và Thuỷ Dương có khoảng 20-25 em thi đậu vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Năm nay, Trường TH số 1 Phú Bài có 3 học sinh, Trường TH Thanh Tân có 2 học sinh đỗ vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương. “Nhiều học sinh có khả năng đỗ nhưng không thi vì phụ huynh không có điều kiện đưa đón. Hơn nữa, trường THCS trên địa bàn chất lượng tốt nên hầu như các em học tại địa bàn”, cô Hoàng Thị Nga, Hiệu trưởng Trường TH Thanh Tân (phường Thuỷ Dương) nói.

Hàng năm, Trường THCS Thuỷ Dương cũng có 5-7 học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc Học và khoảng 10 em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Khoa học Huế. Xa hơn, ở Quảng Điền, Trường THCS Đặng Dung mỗi năm có khoảng 5-10 học sinh vào Trường THPT chuyên Quốc Học. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhiều gương mặt thủ khoa là học sinh trường huyện. Năm nay, thủ khoa khối D01 là học sinh Trường THPT Phú Bài (Hương Thuỷ), thủ khoa khối C là học sinh Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc).

Năm ngoái, khi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường Thuỷ Biều, TP. Huế), ông kể, xu hướng xin về trung tâm thành phố học ở địa phương hiện đã giảm khi điều kiện, chất lượng của trường tốt hơn. Một số em học ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương cũng xin chuyển về trường học do quãng đường khá xa, phụ huynh không có điều kiện đưa đón. Đây cũng là câu chuyện đáng suy ngẫm khi phụ huynh chọn trường cho con sao cho thuận lợi.

Trong khi nhiều phụ huynh tìm mọi cách để xin cho con vào các trường “điểm” thì mấy năm trước, hiệu trưởng của một trường “hot” vẫn cho con học ở trường bình thường theo đúng tuyến. Theo vị hiệu trưởng này, tất cả các trường đều như nhau, kết quả học tập không phụ thuộc quá nhiều vào trường “điểm”, quan trọng là năng lực của học sinh và sự động viên, quan tâm của phụ huynh.

MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cưỡng chế thu hồi đất ở của 4 hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương

Sáng 18/11, tại nút giao Bùi Thị Xuân với cầu vượt Nguyễn Hoàng, phường Phường Đúc (TP. Huế), Ban thực hiện cưỡng chế TP. Huế tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, phá dỡ nhà ở của 4 hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án (DA) đầu tư, xây dựng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương.

Cưỡng chế thu hồi đất ở của 4 hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại TP. Huế

Ngày 17/11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến đã đến đình làng Dương Xuân Hạ chung vui và phát biểu chúc mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng bà con tổ dân phố 12, phường Thủy Xuân (TP. Huế). Cùng dự có bà Nguyễn Thị Ái Vân, TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại TP Huế
7 trường học ở phường Thuận An thiếu phòng học

Tuyến đường quốc phòng từ thôn Thanh Phước về Thuận Hòa (Hương Phong) xuống cấp; hệ thống trụ điện ở xã Phú Dương di dời bất hợp lý ảnh hưởng đến giao thông; 7 trường học ở phường Thuận An thiếu phòng học; dự án đường chợ Mai - Tân Mỹ đoạn qua xã Phú Dương tiến độ thi công quá chậm... Đó là những vấn đề được người dân TP.Huế phản ánh tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12/11.

7 trường học ở phường Thuận An thiếu phòng học

TIN MỚI

Return to top