ClockThứ Năm, 26/07/2018 07:00

Lo lắng với điểm sàn các ngành sư phạm

TTH - Điểm sàn các ngành sư phạm năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định là 17 điểm. Đây là ngưỡng điểm nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, song lại khiến các đơn vị đào tạo sư phạm lo lắng.

Điểm sàn các ngành, nhóm ngành của ĐH Huế giảmGấp rút công bố điểm sànGần 640 thí sinh bước vào kỳ thi năng khiếu

 Lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào Khoa Giáo dục Thể chất không nhiều, điểm sàn cao sẽ là một khó khăn trong công tác tuyển sinh

Lo lắng

So với các năm gần đây, mức điểm sàn các ngành sư phạm năm nay cao hơn nhiều (các năm trung bình khoảng 15 - 15,5 điểm). Điều này khiến nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) lo lắng cho công tác tuyển sinh, nhất là các ngành sư phạm năng khiếu. TS. Nguyễn Gắng, Khoa trưởng Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế phân tích: “Thí sinh năng khiếu thường không giỏi về học tập nên kết quả đăng ký xét tuyển phụ thuộc vào điểm thi năng khiếu. Mức sàn 17 điểm đòi hòi thí sinh có kết quả điểm thi tương đối ở kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia. Ngay cả 5 trường hợp diện ưu tiên xét tuyển thẳng năm nay (miễn thi năng khiếu nhưng vẫn xét điểm thi THPT Quốc gia) vẫn thấy lo”.

Những năm qua, các ngành năng khiếu trở nên khó tuyển, kể cả một số ngành sư phạm năng khiếu. Nhiều đơn vị lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn nhưng vẫn không thể tuyển đủ. Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được nhiều thí sinh đánh giá khó, rất nhiều ngành tuyển sinh ở các trường ĐH trên toàn quốc buộc phải giảm điểm sàn xuống khoảng 2 điểm, điều này trở thành một áp lực tuyển sinh đối với một số đơn vị đào tạo các ngành sư phạm.

Ths. Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế cho biết, năm 2017 điểm chuẩn trúng tuyển của ngành sư phạm mỹ thuật là 15 điểm, nhưng chỉ tuyển được rất ít thí sinh. Năm nay, trường dành 70% chỉ tiêu để tuyển sinh theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia kết hợp với thi tuyển năng khiếu. Với mức điểm sàn là 17 điểm, nếu không có một phương án khác cho ngành mang tính chất đặc thù, việc tuyển sinh ngành sư phạm của trường sẽ rất khó.

Tại Trường ĐH Sư phạm Huế, cơ hội tuyển sinh được đánh giá khả quan hơn các trường sư phạm địa phương (Quảng Bình, Hà Tĩnh…) và tốt hơn các ngành sư phạm năng khiếu ở các đơn vị thuộc ĐH Huế, song vẫn nằm trong nỗi lo chung. PGS. TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chia sẻ, theo thống kê sinh viên vào trường năm 2017, tỷ lệ thí sinh từ 17 điểm trở lên là hơn 90% và tỷ lệ sinh viên đầu ra có việc làm qua khảo sát tốt nên có thể hy vọng năm nay tuyển sinh đủ chỉ tiêu, song tình hình thực tế phải đợi xét tuyển mới rõ. Lo lắng nhất là ngành công nghệ thông tin vì có nhiều đơn vị cùng đào tạo, trong khi vấn đề đầu ra việc làm của ngành này ở trường sư phạm các năm chưa được như mong muốn. 17 điểm là mức điểm cao và khiến thí sinh phải cân nhắc.

Khả năng có xét tuyển đợt 2

Mặc dù phải sau đợt điều chỉnh nguyện vọng lần cuối (từ ngày 19 - 28/7) và chờ những dữ liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục mới tiến hành đợt xét tuyển vào đầu tháng 8/2018, sau đó công bố kết quả điểm chuẩn dự kiến vào ngày 6/8, song đại diện các trường và khoa cũng nhìn nhận, khả năng nhiều ngành sẽ lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn hoặc cao hơn không nhiều do đây đã là mức điểm cao, trong khi phổ điểm thi THPT Quốc gia ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên (khu vực có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Huế lớn) trung bình ở mức 14,5 - 15 điểm.

Theo nhiều đơn vị, với mức điểm chuẩn là 17 điểm, khả năng khó tuyển đủ trong đợt xét tuyển đầu tiên. Trong trường hợp này, các đơn vị buộc phải có các đợt xét tuyển bổ sung. TS. Nguyễn Gắng nêu giải pháp, nếu tình hình khó khăn, khoa sẽ đề xuất ĐH Huế tổ chức thi năng khiếu đợt 2 vì đợt 1 có một số thí sinh vắng mặt, với mục tiêu tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho biết, tất cả các ngành sư phạm đều phải áp dụng theo mức điểm sàn Bộ GD&ĐT quy định. Các ngành sư phạm năng khiếu với tính chất đặc thù có thể nghiên cứu, xin cơ chế, chủ trương của Bộ GD&ĐT, song không thể nói trước điều gì.

Trong giai đoạn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, các trường tăng cường quảng bá tuyển sinh trực tuyến nhằm tư vấn thêm cho thí sinh về cơ hội chọn các ngành sư phạm. ĐH Huế và các cơ sở đào tạo có tuyển sinh ngành sư phạm đang nghiên cứu giải pháp để đưa ra phương án tuyển sinh hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm sàn cao nhất của Đại học Huế năm 2024 là 24 điểm

Ngày 23/7, Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) tuyển sinh hệ đại học hệ chính quy của các trường, khoa thành viên theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024.

Điểm sàn cao nhất của Đại học Huế năm 2024 là 24 điểm
Các ngành sư phạm, khoa học xã hội “hot” trở lại

Nhiều ngành sư phạm, khoa học xã hội (KHXH) có điểm chuẩn tăng mạnh trong năm nay trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Không ít người đặt câu hỏi: Liệu các ngành này đang “hot” trở lại (?).

Các ngành sư phạm, khoa học xã hội “hot” trở lại
Cẩn trọng trước “bẫy” điểm sàn

Tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay có nhiều thay đổi, nhất là giai đoạn đăng ký nguyện vọng (từ 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8). Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh cần thận trọng khi sử dụng điểm sàn làm căn cứ đăng ký nguyện vọng (ĐKNV) xét tuyển, bởi điểm chuẩn có thể chênh nhiều so với điểm sàn.

Cẩn trọng trước “bẫy” điểm sàn

TIN MỚI

Return to top