Thời tôi thi đại học, cũng như các môn học khoa học xã hội khác (văn và địa), môn sử thi bằng phương pháp tự luận. Bây giờ lại khác, bằng phương pháp trắc nghiệm. Có người bảo, cũng như nhau thôi, tôi lại nghĩ nó có nhiều khác biệt lắm. Thi kiểu tự luận, có khi thuộc bài, nắm được kiến thức nhưng chưa chắc đã đạt điểm mong muốn. Nó còn đòi hỏi khả năng phân tích, trình bày sự kiện và diễn đạt, thậm chí cả chữ viết nữa. Tháng bảy, tháng tám trời nắng chang chang, xưa chẳng có máy lạnh hay điều hòa chi cả, lại gặp mấy bài thi chữ viết như gà bươi, đọc vào rối rắm và mệt mỏi, đọc mãi không ra thì làm sao mà hạ bút cho được điểm cao. Bao kẻ đi thi, rớt là bởi thế. Khác với kiểu thi trắc nghiệm hiện nay, nắm được kiến thức lại biết cách phân tích thì điểm cao là điều nắm chắc trong tay.
Cái khó của kiểu thi trắc nghiệm là khối lượng kiến thức rất lớn trong một bài thi mà kiến thức thì không chỉ ngày một hay ngày hai là có được. Vậy nên phải học và ôn luyện từ rất sớm. Ở đây, ý nghĩa của câu nói “mưa dầm thấm lâu” là rất rõ ràng. Chỉ còn chừng 20 ngày nữa là đã đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và đại học, cao đẳng năm 2018. Được xem là giai đoạn nước rút cuối cùng, hơn bao giờ hết đây là lúc cần nắm lại kiến thức một cách đầy đủ và chính xác nhất để khỏi phải ân hận và tiếc nuối sau khi bước ra khỏi phòng thi.
Quan trọng nhất đối với môn sử là phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Cùng một vấn đề nhưng khi người ra đề có ra khác hoặc đánh lừa, nếu nắm được kiến thức cơ bản thì thí sinh vẫn có thể bình tĩnh để tìm ra được đáp án chính xác. Kinh nghiệm cho thấy, có nhiều cách học khác nhau. Một trong những cách ôn tập hiệu quả có thể áp dụng là sử dụng sơ đồ tư duy để có thể vừa khái quát được toàn bộ kiến thức và vừa có thể nắm được kiến thức trọng tâm, mức độ câu hỏi có thể ra. Đề thi trắc nghiệm có độ phủ kiến thức rộng hầu hết chương trình, nên ngoài việc ôn tập theo hệ thống cũng cần đến yếu tố tỉ mỉ, chi tiết. Đây là điểm khó của thi trắc nghiệm mà học sinh cần phải nắm chắc.
Phương án trả lời trắc nghiệm đòi hỏi chính xác đến tuyệt đối nên phải học kỹ để nắm vững bản chất sự kiện và loại được phương án “nhiễu” trong câu hỏi. Để đạt điểm cao, có thể học và ôn thi theo vấn đề. Ví dụ, trong thời điểm, giai đoạn lịch sử đó, sự kiện gì đã diễn ra? Vì sao sự kiện đó xảy ra, nội dung chính là gì, kết quả và ý nghĩa? So sánh, phân tích, tổng hợp, đánh giá, bình luận và liên hệ. Theo phương pháp này, học sinh sẽ nắm được trọng tâm kiến thức, hiểu rõ những sự kiện cốt yếu trong không gian và thời gian cụ thể.
Bắt đầu từ tháng 5 là đã bước sang giai đoạn luyện đề và công việc này cần nên tiếp tục tăng tốc trong thời gian đầu tháng 6. Luyện giải đề thường xuyên là cách ôn kiến thức và luyện kỹ năng tốt nhất, giúp học sinh chuẩn bị tâm lý vững vàng và tự tin khi làm bài thi. Qua đó, học sinh sẽ nhớ, hiểu, xử lý tốt kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để hóa giải được cách "gài bẫy" của đề thi và biết phân bố thời gian hợp lý khi làm bài. So với các môn học tự nhiên, luyện giải đề ở các môn xã hội, đặc biệt là môn sử sau khi học sinh đã cơ bản nắm vững kiến thức cơ bản không quá căng thẳng. Đôi khi, đó chỉ là cách đọc và nhớ lời giải. Đáng chú ý là với những câu hỏi không trả lời được, cùng với việc nhớ lời giải, đây cũng là lúc để ta ôn và hệ thống hóa lại kiến thức lần cuối.
Khả năng của mỗi học sinh khác nhau nhưng để phát huy được hết tiềm năng, tránh những va vấp và sai sót đáng tiếc thì lời khuyên dành cho mỗi người là phải cố gắng học, cố gắng đọc thật nhiều, học có phương pháp và đừng để thời gian lãng phí. “Mưa dầm thấm lâu” và cả thấm chắc nữa, xem ra câu nói này càng đúng với các môn thi xã hội như môn lịch sử.
Đan Duy