ClockThứ Bảy, 18/06/2022 13:58

Quy định về cộng điểm ưu tiên: Bảo đảm quyền lợi giữa các nhóm thí sinh

Quy chế tuyển sinh 2022 đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức điểm 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên nữa.

Tránh trượt oan từ xét tuyển sớm tuyển sinh 20228 điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022Quy chế tuyển sinh đại học 2022 sẽ sớm được ban hành cùng hướng dẫn

Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: TG

Quy định này sẽ áp dụng từ năm 2023 và nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ các chuyên gia, cơ sở giáo dục đại học.

Cơ hội cho mọi thí sinh

GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, theo Quy chế tuyển sinh, về cơ bản năm 2022 điểm ưu tiên vẫn không thay đổi, đảm bảo quyền lợi và tạo sự yên tâm cho thí sinh. Việc Bộ GD&ĐT công bố thay đổi cách tính điểm ưu tiên trước một năm sẽ giúp thí sinh chuẩn bị tốt hơn; đồng thời thể hiện sự ổn định trong quy chế tuyển sinh cho các năm tiếp theo. Mặt khác, giúp các trường chủ động phương án tuyển sinh và thí sinh yên tâm cho kỳ tuyển sinh 2023 cũng như những năm tiếp theo.

“Bất kỳ sự thay đổi nào khi mới đưa ra cũng sẽ nhận được những ý kiến trái chiều, bởi mỗi ý kiến đều xuất phát từ những góc nhìn khác nhau” - GS.TS Trần Thị Vân Hoa nhìn nhận, đồng thời cho rằng: Việc công bố những thay đổi trước một năm sẽ giúp các trường có sự chuẩn bị tốt hơn phương án tuyển sinh. Thí sinh cũng có sự chuẩn bị tốt hơn cả về kiến thức và tâm lý. Trên phương diện xã hội, điều này tạo ra sự công bằng về cơ hội cho mọi thí sinh trong việc lựa chọn các phương án học tập, trường đại học/cao đẳng phù hợp.

Nhấn mạnh, Quy chế tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định, có một số điều chỉnh tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Ngoại thương – nhìn nhận: Việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh được duy trì, có điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên liên quan. Qua đó, tạo điều kiện cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn được tiếp cận với giáo dục đại học, đảm bảo quyền lợi giữa các nhóm thí sinh thuộc khu vực và đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, khi tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các trường đều được xử lý chung trên phần mềm. Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với phương thức xét tuyển riêng của các trường, giúp thí sinh không mất cơ hội vào trường và ngành ưu tiên khi đáp ứng điều kiện của cơ sở; đồng thời đơn vị xét tuyển không mất thời gian làm thủ tục cho nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

Tạo sự công bằng

Liên quan đến điều chỉnh điểm cộng ưu tiên được quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - trao đổi: Với những em đạt tổng điểm 22,5 (điểm thi, điểm xét học bạ hoặc điểm khác quy đổi về thang điểm 10 cho từng môn với tổng điểm là 30) thì không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Đối với các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Như vậy, với công thức xác định trong Quy chế, việc tính toán ra mức điểm ưu tiên rất rõ ràng. Đối với thí sinh đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước: Có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn. “Việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, qua phân tích phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt; đặc biệt từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm (mức 22,5 điểm ở đây tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10 thông thường) thì: Khi chưa được cộng điểm ưu tiên, nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3). Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỉ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy: Nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Điều này cho thấy, sự không công bằng giữa 2 nhóm thí sinh trên và các trường; đặc biệt là trường tốp đầu với ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.

Thống kê cũng cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao, tỷ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên. Với thực tế nói trên, nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu. “Để đảm bảo việc tuyển sinh diễn ra ổn định, Quy chế tuyển sinh hiện hành đã đưa ra lộ trình áp dụng, cụ thể các thay đổi trên sẽ được thực hiện từ năm 2023” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Return to top