ClockThứ Năm, 02/08/2018 06:45
TRƯỜNG ĐH PHÚ XUÂN:

Thay đổi chiến lược nhưng chưa thu hút thí sinh

TTH - Dù đưa ra mức điểm chuẩn sớm nhất so với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tại Huế, song Trường ĐH Phú Xuân vẫn khó thu hút thí sinh trong năm đầu tiên thay đổi chiến lược.

Trường Đại học Phú Xuân công bố điểm chuẩn 2018Trường ĐH Phú Xuân có hiệu trưởng mới

Giới thiệu các ngành học tại Trường ĐH Phú Xuân cho thí sinh

Nhiều chính sách ưu đãi

Đến hết ngày 30/7, Trường ĐH Phú Xuân mới chỉ nhận hơn 100 hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh trong tổng số 350 chỉ tiêu của 11 ngành đào tạo dù trường công bố điểm chuẩn từ sớm (ngày 24/7) và nhận hồ sơ ngay từ đầu tháng 7/2018. Và đây mới chỉ là hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển còn khả năng nhập học vẫn chưa chắc chắn.

Đại diện Phòng Tư vấn và chiêu sinh Trường ĐH Phú Xuân cho biết, năm nay, trường tuyển sinh theo hai phương thức là xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia và dựa vào kết quả học bạ lớp 12, với 6 ngành (kế toán, quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung, Việt Nam học - chuyên ngành du lịch, công nghệ thông tin). Kết quả thống kê ban đầu cho thấy, phần lớn hồ sơ thí sinh mà trường đã nhận được đều theo phương thức dựa vào kết quả học bạ. Riêng 5 ngành còn lại (giáo dục thể chất, lịch sử, văn học, tài chính – ngân hàng, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử) rất ít thí sinh đăng ký.

Để thu hút thí sinh, nhà trường đưa ra chính sách ưu đãi với nhiều mức khác nhau (từ 10 - 100%), trong đó miễn hoàn toàn 100% học phí toàn khóa cho thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh, tin học, ngữ văn. Thí sinh là con liệt sĩ, thương binh hoặc con của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục cũng có những chính sách miễn giảm khác nhau. Với các thí sinh nhập học năm học 2018 - 2019, nhà trường còn giảm học phí từ 36 - 48% cho học kỳ 1, học kỳ 2 tùy theo từng ngành và thời gian đăng ký nhập học. Những thí sinh nộp hồ sơ càng sớm, mức ưu đãi càng cao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn “từ chối” ưu đãi này.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc thu hút thí sinh chưa được như mong muốn, trong đó có tâm lý thích trường công của thí sinh. Nguyễn Tuấn Vũ, thí sinh đăng ký nguyện vọng vào một trường ĐH thuộc ĐH Huế, chia sẻ: “Em không thích chọn trường ngoài công lập. Lý do là trường công chất lượng hơn và vẫn có các ngành đào tạo tương tự”.

Chị Nguyễn Thị Tố Loan, đại diện Phòng Tư vấn và chiêu sinh Trường ĐH Phú Xuân nhận định, với mô hình và chiến lược mới, chắc chắn Trường ĐH Phú Xuân có chất lượng tốt hơn trước, song hiện nay vì thông tin quảng bá về mô hình chiến lược mới còn hạn chế, nhiều thí sinh chưa biết hoặc còn hoài nghi chất lượng. Một phần nữa là học hiệu trước đây có phần bị hạn chế khiến thí sinh thiếu tin tưởng. “Nhiều thí sinh cũng chờ đợi sau khi có điểm chuẩn của các trường công lập mới đưa ra quyết định”, chị Loan nói thêm.

Chú trọng khả năng tạo việc làm

2018 - 2019 là năm học đầu tiên Trường ĐH Phú Xuân thay đổi chiến lược đào tạo với bộ máy lãnh đạo mới. TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chắc chắn trong năm đầu tiên, việc tuyển sinh không dễ nhưng nhà trường sẽ chứng minh chất lượng bằng khả năng tạo việc làm cho người học.

Theo TS. Đàm Quang Minh, trường có nhà đầu tư chiến lược là tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE) và có chiến lược phát triển mới là đào tạo gắn liền với nhu cầu lao động của nền kinh tế và các ngành công nghiệp. So với giai đoạn trước (từ năm học 2017 - 2018 trở về trước), chương trình đã và đang có sự đổi mới toàn diện, đảm bảo sinh viên được phát triển đồng bộ tri thức nghề nghiệp, kỹ năng, khả năng tự học và phát triển thể chất văn hóa. Trường sẽ đầu tư cơ sở vật chất hiện đại như mô hình phòng học mới “learning office” lần đầu có mặt tại Việt Nam, phương pháp học tập theo dự án. Giáo trình giảng dạy cũng được cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế.

Phương pháp đào tạo của trường sẽ đẩy mạnh khâu thực hành (ít nhất 35% thời lượng học), mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, đồng thời chú trọng kỹ năng nghề nhiều hơn. “Chúng tôi đang liên kết với nhiều doanh nghiệp trong cả nước để mời chuyên gia giảng dạy và tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên. Nhà trường hướng đến mục tiêu có từ 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo chuyên môn được đào tạo trong vòng 3 - 6 tháng sau khi tốt nghiệp và sẽ bắt đầu triển khai chương trình đào tạo cam kết việc làm cho sinh viên ra trường trên cơ sở cố gắng và nỗ lực chung của nhà trường, gia đình và sinh viên”, ông Minh nói.

Theo đại diện lãnh đạo nhà trường, sau các khóa đào tạo đầu tiên theo chiến lược mới, xã hội sẽ thấy được chất lượng đào tạo của trường, từ đó việc tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn. Riêng trong năm nay, trường tổ chức 2 đợt tuyển sinh, kéo dài đến ngày 10/10. Sau giai đoạn này, trường sẽ nghiên cứu phương án tiếp theo nếu vẫn còn thiếu người học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Vốn tín dụng chính sách ưu đãi: Cơ hội thay đổi cuộc đời

Ở thôn An Truyền (xã Phú An, Phú Vang), từ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, có nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) tưởng chừng phải bỏ học giữa chừng, được “chắp cánh” bằng vốn vay chính sách, tiếp tục học hành. Những gia đình này còn đồng thời được vay vốn phát triển kinh tế, thay đổi cuộc đời.

Vốn tín dụng chính sách ưu đãi Cơ hội thay đổi cuộc đời
Return to top