ClockThứ Năm, 17/05/2018 14:00

Thi THPT lớp 10 ở các huyện: Cuộc đua không căng thẳng

TTH - Không căng thẳng chọn trường vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) như ở TP. Huế, học sinh trường huyện có nhiều cách lựa chọn. Các trường xét tuyển khi số thí sinh đăng ký không nhiều hoặc học sinh có thể chọn nghề theo khả năng…

Nhiều cơ hội nhưng phải biết lựa chọn phù hợpĐua thi lớp 10 bằng bài thi tổ hợp, thí sinh học bở hơi tai

Ngày đầu tuần ở Trường THPT An Lương Đông

Thử sức

Thông thường mỗi địa phương đều có từ 2-3 trường THPT, riêng Phú Vang có đến 6 trường. Ba năm trở lại đây, nếu trường nào có số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vượt 20% so với chỉ tiêu thì tổ chức thi tuyển; còn lại là xét tuyển. So với năm học trước, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 PTTH không tăng nhiều, chỉ tiêu ở các trường vẫn giữ nguyên, song nhiều trường vẫn phải thi tuyển và có trường lại không đủ học sinh để xét tuyển. Theo cán bộ quản lý ở các trường, thi hay xét tuyển không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh lớp 10 THPT. Quan trọng vẫn là học sinh và phụ huynh cân nhắc lựa chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình; học sinh tích cực nỗ lực học tập để có thể ứng thí tốt.

Mỗi huyện, thị xã đều nổi lên một số trường phải thi tuyển khi đông thí sinh “chọn mặt gửi vàng”, nhất là những trường đã giữ vững thương hiệu khi có nhiều học trò đạt giải ở các kỳ thi và tỷ lệ học sinh đậu đại học cao. Lợi thế của tổ chức thi cử, các trường được quyền chọn những “hạt gạo trên sàng” nên phân loại, bố trí học sinh ngay từ đầu vào, chất lượng dạy và học đồng đều, hiệu quả hơn. Thế nên, ngày càng có nhiều trường đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Khả, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc) lý giải: Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc cập nhật thông tin. Nhà trường đã xây dựng nhà đa năng, phòng máy tính phục vụ các môn học thực hành. Giáo viên luôn sát cánh với các em khi bồi dưỡng kiến thức bằng nhiều hình thức. Học sinh nghèo học giỏi sẽ được tạo điều kiện để các em học tập tốt nhất. Thế nên, nhiều năm liền Trường THPT An Lương Đông luôn tổ chức thi tuyển khi vượt quá 40% hồ sơ đăng ký so với chỉ tiêu.

Học sinh bắt đầu có sự lựa chọn. Những em có học lực khá, gia đình quan tâm đã nghĩ đến chuyện nộp đơn vào trường có chất lượng trong vùng để thi tuyển. Huyện Phú Vang có trên 2.700 học sinh đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 THPT, nhưng hai trường Phan Đăng Lưu và Thuận An vẫn thu hút nhiều  học sinh ở các xã Phú Thuận, Phú Hải, Thuận An, Phú Tân, Phú Dương... Những học sinh không trúng tuyển sẽ được xét tuyển ở các trường THPT, như Nguyễn Sinh Cung, Vinh Xuân và Hà Trung hoặc học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, học nghề… Em Nguyễn Thị Mỹ, học sinh Trường THCS Thuận An (Phú Vang) cho hay: “Vẫn biết thi tuyển sẽ lo hơn khi phải ôn tập, nhưng em vẫn muốn thi để thử sức, học trong môi trường tốt, có nhiều học sinh có đầu vào ngang nhau. Chuẩn bị cho kỳ thi, em chỉ nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và tham khảo các dạng bài thi trên mạng internet”.

Chọn nghề

Do nhiều em không đăng ký thi THPT mà chọn học nghề nên có khá nhiều trường ở các huyện có số thí sinh nộp hồ sơ sát với chỉ tiêu hoặc số dư không đáng kể. Thậm chí, nhiều trường có nguy cơ không tuyển đủ học sinh như Trường THPT Nguyễn Sinh Cung, THPT Hà Trung (Phú Vang); THPT Bình Điền (Hương Trà), THPT Hóa Châu (Quảng Điền), Trần Văn Kỷ (Phong Điền), THPT Phong Điền; THPT Phú Lộc (Phú Lộc)… Đầu vào của học sinh lớp 10 không giống nhau tại các trường nên ngoài chỉ tiêu được giao, Sở Giáo dục và Đào tạo để các trường linh động. Các trường thiếu chỉ tiêu có thể kéo dài thời gian tuyển sinh đến tháng 9.

Công tác hướng nghiệp cho học sinh ở vùng nông thôn khá tốt. Nhiều em sức học không tốt, vào trường công lập sẽ chật vật thì học nghề trở thành con đường ngắn nhất để chọn lựa. Nhiều học sinh đã có sự chuyển biến về nhận thức trong việc lựa chọn ngành nghề theo hướng phù hợp với năng lực cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Bởi lẽ, những tiết học nghề ở các trường phổ thông không còn đơn điệu mà giúp các em trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất. Ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang cho rằng, 3 năm trở lại đây, học sinh ở các trường đều chọn học nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của gia đình. Nhiều em không thi lên lớp 10 công lập mà tiếp tục học trung cấp nghề trên cơ sở nghề đã học tại trường. Lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.

Học nghề hay học chữ, lựa chọn tùy thuộc mỗi học sinh. Nếu sức học có hạn nên tự tin với quyết định học nghề. Dù học chữ hay học nghề, các em cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, tay nghề ổn định để tự tin bước vào đời.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Tuyển sinh Đại học 2024: 551.479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

Tối 27/8, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời gian đăng ký nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung có 551.479 thí sinh xác nhận học/673.586 thí sinh trúng tuyển, đạt 81,87%. Như vậy, có 122.107 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Tuyển sinh Đại học 2024 551 479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1
Return to top