ClockThứ Năm, 16/01/2014 11:09

GIEO, khởi đầu cho những vụ mùa nghệ thuật

TTH - GIEO lần thứ nhất - Triển lãm tác phẩm nghệ thuật của giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế đã “gieo” vào lòng người xem nhiều cảm xúc mới mẻ, thi vị.

Những hình khối tưởng chừng vô hồn bỗng có sức sống kỳ lạ với hình ảnh chồi xanh, táo đỏ gợi nhớ về thiên nhiên tươi đẹp. Đó là tác phẩm Vọng âm số 1, thuộc thể loại video projection art của hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức. Khéo léo áp tâm hồn người nghệ sĩ vào những khối hộp, một vật liệu tưởng chừng khô khan, để chúng nói lên tiếng nói của mình, điều này đã mang lại cho tác phẩm sự mới mẻ và cuốn hút.

Cửa hàng biểu tượng của Nguyễn Thị Thanh Trà gây sự ngạc nhiên cho người xem

Hình ảnh người nông dân miệt mài gieo trồng, cày bừa trên cánh đồng để mong được những mùa vàng tốt tươi cũng không khác mấy công việc “trồng người” của những thầy cô giáo vừa là nghệ sĩ và niềm đam mê sáng tạo mà họ theo đuổi.
 
Hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng Khoa Mỹ thuật ứng dụng

Hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức chia sẻ: “Mình muốn mượn những hình khối tưởng chừng vô hồn để nói lên một điều là, khi chúng ta tàn phá thiên nhiên thì bên trong những sản phẩm chúng ta lấy đi từ thiên nhiên ấy để lại sự đau xót mất mát. Chẳng hạn như khi ta chặt một khúc gỗ về dùng, thực ra một đời sống thiên nhiên nằm trong đó. Mình phải hiểu là như vậy mình đã làm mất đi một linh hồn, một thực thể sống mà nó có quyền tồn tại song song với chúng ta.

Hoạ sĩ Võ Xuân Huy bên tác phẩm gốm sơn mài Kết nối

Video projection art là một kỹ thuật mới đòi hỏi người nghệ sĩ phải nắm vững kỹ thuật công nghệ. Hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu kỹ thuật mới này từ cách đây vài năm và vẫn đam mê đeo đuổi nó trong điều kiện trang thiết bị ở Việt Nam còn hạn chế so với thế giới.

Những bình gốm cổ Phước Tích dưới sự sáng tạo của hoạ sĩ Võ Xuân Huy bỗng mang một màu sắc mới, sang trọng mà không mất đi vẻ đẹp vốn có của gốm. Hoạ sĩ Võ Xuân Huy, tác giả của tác phẩm gốm sơn mài Kết nối cho biết: “Đặt tên tác phẩm là Kết nối vì tôi sử dụng những gốm xưa còn lưu truyền trong dân gian và dùng thêm sơn mài để nối kết giữa hai chất liệu với nhau, tăng giá trị nó lên, nối kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Công năng sử dụng vẫn không thay đổi nhưng mình muốn tạo ra những bình hoa có dáng dấp mới mẻ, vừa cũ vừa mới, có xưa có nay”.

Bộ bàn ghế ấn tượng TC 1 của Phan Quang Tân

Triển lãm Gieo trưng bày 30 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: video art, video projection art, gốm, thiết kế nội thất, phim ngắn, tranh sơn dầu, mô hình, sắp đặt, thiết kế thời trang, in đồ hoạ, nghệ thuật tương tác... Khác với những triển lãm tranh tượng thông thường, GIEO là một sân chơi nghệ thuật đậm chất thiết kế, khẳng định những giá trị nghệ thuật của những chuyên ngành thiết kế hiện tại đang được đào tạo tại Khoa Mỹ thuật ứng dụng, GIEO cũng là cơ hội để các giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng thể nghiệm nghề nghiệp, giao lưu học hỏi, bày tỏ quan điểm nghệ thuật.

Từ những vật tưởng chừng như vô hồn lại hình thành nên ý tưởng nghệ thuật và cảm xúc thẩm mỹ cho những hoạ sĩ giảng viên đầy sức trẻ và sáng tạo. Một trong số đó là tác phẩm sắp đặt Ngoài của Nguyễn Thị Thanh Mai. Ít ai có thể ngờ tác phẩm với vẻ ngoài lấp lánh của cườm ấy chính là dụng cụ y tế. “Đây là một trong bộ năm dụng cụ mà em sưu tầm được và bọc cườm lại, Mai nói. - Ý tưởng của tác phẩm này là em muốn đưa ra quan điểm khác về cơ thể người phụ nữ.

Không ít người xem cũng tỏ ra thích thú với tác phẩm TC 1 của Phan Quang Tân. Đó là một bộ bàn ghế rất ấn tượng được làm từ dĩa, xích xe đạp... Một số tác phẩm khác không kém phần thú vị ở triển lãm này bởi tính tương tác khá mới mẻ như tác phẩm Cửa hàng biểu tượng của Nguyễn Thị Thanh Trà hay tác phẩm Tham vọng của Nguyễn Văn Đủ... Xem triển lãm GIEO, người xem chợt hiểu và cảm nhận thêm nhiều điều mới mẻ về cuộc sống mà nghệ thuật và chỉ có nghệ thuật mới có thể mang lại.

Triển lãm GIEO thu hút nhiều sinh viên đến xem

“Trong triển lãm GIEO, tụi mình mượn một hoạt động của nông dân trong việc gieo hạt, gieo những mùa màng để khởi động cho triển lãm thường niên này vào những năm sau”, hoạ sĩ Võ Xuân Huy nói. “Mong muốn lớn nhất là khơi dậy động lực sáng tạo của các giảng viên để làm sao mỗi lần triển lãm sẽ thúc đẩy các giảng viên sáng tác nghệ thuật, sáng tác thiết kế, từ đó phục vụ trở lại cho việc giảng dạy, nâng cao chất lượng chuyên môn và giúp sinh viên hào hứng hơn trong học tập. Một vụ mùa bắt đầu thì phải bắt đầu từ gieo và hy vọng những triển lãm GIEO sắp tới sẽ ở mức độ cao hơn và chuyên nghiệp hơn”, anh Huy chia sẻ thêm.

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top