ClockChủ Nhật, 17/08/2014 04:29

Gió phơn trưa

TTH - Giữa trưa, tiếng gió ù ù như là sắp có bão. Mà cũng không phải là ù ù mà dường như là tiếng rít, thốc qua từng cơn. Có tiếng động lầm xầm của mấy cánh cửa sổ trên tầng cao quên đóng, thấp thỏm y hệt như giông gió đang qua.

Kể cũng lạ, dầu biết chỉ là gió phơn tây nam thôi, và đang ở trong một căn phòng rù rì điều hòa, mình vẫn thấy khó ngủ. Cũng chưa hẳn là đến cái tuổi đụng gì quên nấy và đụng gì nhớ nấy, song tiếng gió với cảm nhận rất rõ về cái lưỡi khô, nóng đến bỏng rát của nó cũng mang đến sự trằn trọc. Khi trưa đậu xe dưới tán cây xanh khào khạt, nghe tiếng lá tre rơi phía sau lưng, dù khẽ nhưng vẫn tạo thành chuỗi âm thanh mảnh và dài, mình nghĩ cây với sức chịu đựng bền gan đến thế kia hình như cũng đã buông tay trước gió nóng. Những vệt xanh im lìm dưới nắng, sao giống cái âm thầm nín nhịn của người phụ nữ. Mà làm sao có thể khác được với cái gió chẳng hề thân thiện đang rền rĩ thế kia?

Trở về sau bữa trưa muộn với chiếc áo dính bết mồ hôi, người nhà mình bảo, sao đến giờ vẫn còn có gió Lào rồi lầm thầm về sự biến đổi khí hậu; rồi kể bâng quơ đâu đó về mùa gió phơn tây nam vào cữ tháng 4 năm ngoái ở Lào, về cái nóng khô của rừng khộp và những con đường đầy bụi. Mình nghe và cứ nghĩ lơ đãng về gió. Mường tượng những ngả đường rát bỏng vắng bóng người trong gió phơn trưa; về cái oi chật trong những căn nhà thấp lợp tôn mà mình thấy đôi khi ngang qua những ngõ phố và những lúc như thế, mình cứ mường tượng hình ảnh cư ngụ trong những tổ người mà KTS Hoàng Đạo Kính lần nào đó đã chia sẻ trong câu chuyện của ông, trong cuộc phỏng vấn với ông và sau này là trong cuốn sách của ông. Trong chiều liên tưởng và sự trải nghiệm của KTS, cuộc sống đô thị ở đâu cũng thế, cũng có điều gì đó vừa có phần ngột ngạt, vừa có phần chênh vênh, vừa đáng thương lại vừa đáng lo âu khi con người cứ nhào vào phố để kiếm một nơi chốn làm chỗ đi về cho cuộc mưu sinh ướt đẫm mồ hôi và toan tính. Nên đôi khi ngang qua những căn nhà lúp xúp dày dịt bên những con dốc hẹp, nhỏ chừng như chỉ vừa đủ chỗ cho một chiếc xe máy, mình cứ nghĩ không hiểu người ta nghĩ gì và có bao giờ định nghĩa về chất lượng cuộc sống. Hay đơn thuần chỉ bằng an với những gì đã có, hoặc cũng có thể khi trở về với những tổ người như cách gọi đầy hình ảnh của Hoàng Đạo Kính, người ta đã không còn thì giờ để nghĩ về sự chênh vênh nữa...?
Trong hơi thở dường như rất giận dữ của phơn trưa khó tính, mình lại nghĩ đến những dãy nhà trên dải cát không cỏ, không cây hoặc nếu có cũng thảng hoặc vài ba cây phi lao mỏng trên đường về biển. Những ô cửa dưới những mái nhà thấp nhẽ ra phải rộng và mở toang đón gió thì lại e dè nhỏ bé và khép nép dưới nắng quái. Sự dọa dẫm của phơn trưa ở đây có lẽ cũng không đến nỗi quá đáng như khi chạy trong thành phố nhưng vẫn cứ thấy hanh hao, ngột ngạt quá khi nhìn những căn nhà loi thoi trên cát và chỉ cát...
Khi mở cửa ra đường cho giờ làm chiều, mình nghe hơi thở của ngày bỏng rát dưới chân. Tiếng xe máy nghe chừng cũng âm âm dưới áo trùm đầu và mũ bảo hiểm. Gió vẫn len lỏi táp cái khô nóng vào người qua những khoảng hở.
Gió phơn hãy còn cho đến giữa tháng 9 nhưng đợt này, chúng về dầy và dài hơn so với mùa cũ năm trước.
Mình nhìn đá tan chảy khi đặt ly café pha sẵn từ nhà lên bàn, biết café đã nhạt ra khi theo mình trong phơn trưa. Và bời bời trong người ước muốn về khoảng gió xanh chạy dường như tít tắp dưới xa mờ chân núi Tam Đảo một ngày chừng như đã xa...
Bình An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top