ClockThứ Tư, 09/11/2016 13:36

Nghĩ bên phố cổ sông Hoài...

TTH - Dường như chính cái nhỏ nhắn, yên tĩnh, hiền hòa, những dịch vụ tinh tế được chọn lựa phù hợp, và cuộc sống rất thật chứ không “diễn” của cư dân quyện hòa với phố cổ là những thành tố làm nên sức hút khó cưỡng của Hội An. Nhẩn nha với phố cổ, chợt nghĩ về một góc nhỏ của Huế Cố đô...

Hơn 50% du khách đến Hội An là khách quốc tế

Cách đây mấy tháng, ghé thăm nhà người quen ở miệt Kim Long. Lúc trở về đã tối, ngang qua khu nhà vườn Phú Mộng. Người bạn cùng đi cứ “rên rỉ”: “Khu nhà vườn đẹp thế này, mà sao cứ vắng tanh vắng ngắt. Hội An không biết người ta làm cách gì mà khi nào vào cũng thấy khách du lịch nườm nượp...”. Đã nhiều lần tới lui với Phú Mộng, đúng là đẹp, là mộng mơ nao lòng. Nhưng khi nghe bạn ca cẩm, tôi đưa mắt nhìn quanh, vắng lặng và buồn quá, nhà nhà gần như “đóng cửa tắt đèn”, nếu là du khách, giờ ấy Phú Mộng cũng không phải là chọn lựa của tôi...

Cuối tuần, nhân chuyến công tác đến Quảng Nam, tôi “gạ gẫm” đoàn về lưu trú Hội An một đêm, để thử một lần nữa trải nghiệm và cả chiêm nghiệm xem “Hội An làm cách gì...” mà khiến bạn tôi mãi băn khoăn chưa hiểu.

Những con phố nhỏ nhắn, những căn nhà rêu phong hiền lành nằm kề bên nhau..., khu phố cổ có tuổi chồng chất từ thế kỷ 17 tạo cho người ta cái cảm giác thanh thản, bình yên ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Lịch sử và kiến trúc của Hội An có giá trị toàn cầu, vậy cho nên năm 1999, đô thị cổ này mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, để nhẩn nha tìm hiểu, nhẩn nha ngó nghiêng cho thấm, cho tường cái hay, cái tuyệt vời độc đáo của khu phố cổ di sản có lẽ là “việc” của những du khách đặc biệt, mê say hoài cổ, hay của những học giả, những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử. Còn với những du khách bình thường, quỹ thời gian hạn chế, chỉ đi cho biết đó biết đây, để xả stress..., thì Hội An có lẽ cũng na ná một số đô thị cổ khác như Bao Vinh của Huế hay khu phố Tàu ở Kuala Lumpur của Malaysia chẳng hạn.

Thế nhưng, đúng như bạn nói, bao giờ đến cũng thấy Hội An nườm nượp khách. Tây có, ta có. Mà đa phần là tây. Tại sao vậy nhỉ?

Hòa vào dòng người thăm phố Hội về đêm. Phố, nhưng không có cảm giác ồn ào, chụp giật. Từ các căn nhà, một thứ ánh sáng vàng dịu nhẹ tỏa ra lênh loang cả con phố gợi chút gì đó rất lãng mạn. Ở đây, hầu như nhà nào cũng kinh doanh một mặt hàng gì đó: đồ lưu niệm, lụa tơ tằm, áo quần, giày dép, tranh tượng, đồ da, hàng ăn, cà phê.... Khách cứ thong thả ngắm nhìn, thong thả chọn lựa. Không vẫy gọi chèo kéo, không “tiếng bấc tiếng chì” nếu khách xem mà không mua hàng. Nếu không thích dịch chuyển, khách có thể tạt vào một quán cà phê đắm mình với nhạc Trịnh, hay ngồi nhâm nhi món ăn nhẹ với chai bia ngắm dòng người lại qua...

Lang thang qua những con phố nhỏ của đô thị cổ bên dòng Hoài giang, bỗng nghiệm ra, chính cái nhỏ nhắn, yên tĩnh, hiền hòa, chính những dịch vụ tinh tế được chọn lựa phù hợp, và nhất là chính cái cuộc sống rất thật chứ không “diễn” của cư dân quyện hòa với phố cổ là những thành tố làm nên sức hút khó cưỡng của Hội An. Đến Hội An để trải nghiệm “sống chậm”, lời mời gọi quả không làm người hẫng hụt.

Nhẩn nha với gánh chè đêm bên hè phố cổ, chợt nghĩ về một góc nhỏ của Huế. Đó là khu Lê Lợi - Đội Cung - Chu Văn An - Nguyễn Công Trứ - Võ Thị Sáu... mà dân “mệ” nhiều người vẫn quen gọi “phố tây”. Từ chỗ đìu hiu vắng lặng, nhiều năm gần đây, dịch vụ lưu trú và nhiều dịch vụ khác ở khu vực này phát triển rất khả quan. Từ chiều cho đến về đêm, khu vực này đông vui du khách lui tới, đa phần là khách du lịch quốc tế. Mua sắm, thăm nom, ăn uống, hay đơn giản chỉ là làm chai bia để cùng trò chuyện với bạn đồng hành. Ở đây không có phố cổ, nhưng cũng có cái gì đó «hơi hướng» như Hội An ở chỗ gắn với cuộc sống của người dân sở tại, có nhiều cửa hàng, cửa hiệu cho khách thăm thú lựa chọn. Những tháng vừa qua, cả khu phố bị xáo trộn do triển khai thi công chỉnh trang hạ tầng. Vậy nhưng không vì thế mà khách từ giã. Đó là gì nếu không phải là sức hút? Và, bên cạnh sức hút còn có cả sức lan tỏa nữa. Bằng chứng là ở một số trục đường lân cận như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Sinh Cung, Trần Cao Vân... các loại dịch vụ du lịch cũng đã bắt đầu phát triển. Dân làm ăn được, mà phố xá cũng thêm phần sinh động, đông vui.

Huế có một hệ thống di sản phong phú, đồ sộ và trải trên một không gian rất rộng. Đó là ưu thế vượt trội. Nhưng cũng không ít người cho rằng, chính cái rộng lớn, dàn trải của không gian di sản ấy lại “làm khó” cho việc tổ chức những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu trong thời gian du khách lưu trú. Còn tôi thì lại trộm nghĩ, về bài học kinh nghiệm từ “khu phố tây”. Hãy bắt đầu từ những khu tập trung nho nhỏ như vậy. Bờ nam có rồi. Bờ bắc, hãy chọn lựa, đầu tư tạo lập một khu như vậy nữa bên trong Thành nội. Huế hẳn rồi cũng sẽ có những không gian phố cổ hấp dẫn không thua kém gì Hội An để níu chân và thu hút du khách. Tôi có một niềm tin sâu sắc như vậy!

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Hội An điểm đến lý tưởng cho chuyến du xuân đầu năm

Xuân gõ cửa, lòng người rộn ràng còn gì tuyệt vời hơn khi chọn Hội An làm điểm dừng chân cho chuyến du xuân đầu năm? Nơi phố cổ trầm mặc giao thoa cùng nét xuân tươi mới, Hội An hứa hẹn vẽ nên bức tranh du lịch đầy sắc màu và đong đầy cảm xúc. Chuyến du xuân Hội An này chắc chắn sẽ là hành trình đáng nhớ, lưu giữ những khoảnh khắc khó quên trong tim bạn.

Hội An điểm đến lý tưởng cho chuyến du xuân đầu năm
Tìm lối đi riêng cho du lịch phố cổ

Các khu phố cổ là một trong những bộ phận quan trọng, cấu thành đô thị Huế từ xưa đến nay. Những khu phố cổ ấy đã để lại rất nhiều di sản phong phú. Ngày nay, dấu ấn văn hóa xã hội phố thị vẫn còn rất sống động ở Gia Hội, Bao Vinh và được các chuyên gia nhìn nhận có rất nhiều tiềm năng du lịch để “hút” du khách tìm đến.

Tìm lối đi riêng cho du lịch phố cổ
Sương trong lòng phố cổ

Mùa sương rồi cũng phiêu du lạc đến xứ sở này như một nàng thơ ghé thăm vào mỗi buổi bình minh mờ mắt với gam màu xam xám. Huế bỗng dưng trở nên lạ lẫm trong một cảm giác mới mẻ, choáng ngợp vì sương.

Sương trong lòng phố cổ
Đánh thức phố cổ Bao Vinh

Bao Vinh ngay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã được các học giả Tây phương (xem thêm R. Morineau trong “Bao Vinh - Thương cảng của Huế”, Tập san BAVH, Số 2/1916) đánh giá “là khu vực đẹp mắt của Cố đô Huế”, một “điểm đến hấp dẫn” cả ban ngày lẫn ban đêm cho du khách khi đến Huế.

Đánh thức phố cổ Bao Vinh
Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”

Nghị quyết số 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành làm nức lòng cán bộ và người dân xứ Huế. Những người yêu Huế, những người nặng lòng và quan tâm đến văn hóa Huế tin tưởng phố cổ Gia Hội sẽ có cơ hội và tương lai trong dòng chảy chung ấy...

Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”
Return to top