ClockThứ Bảy, 17/10/2015 16:16

Hai giải pháp, một ước mơ

TTH - Tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII - năm 2015, “thầy giáo làng” Phùng Hữu Kim Quân cho ra đời hai giải pháp có tính ứng dụng cao. Cả hai đều chuyển tải một mong ước: Giúp người dân và các em học sinh sử dụng sản phẩm rẻ tiền nhưng hiệu quả cao trong sản xuất và học tập.

Trên chiếc đèn đa năng, người dùng có thể sạc nhiều loại điện thoại khác nhau

Sáng kiến…  “gần gũi”

Đến nhà anh Quân, chúng tôi thấy khá nhiều giấy khen và những công trình, mô hình đang được nhà giáo này nghiên cứu. Đưa ra 2 sản phẩm, mô hình mới nhất, cũng là hai giải pháp tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật, anh tâm sự: “Đây là thành quả của một người không chuyên nghiên cứu. Mong sao giúp được xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng có hoàn cảnh.”.

Anh kể, lý do ban đầu khi nghiên cứu làm ra hai giải pháp “Mái che tự động” và “Chiếc đèn học đa năng được tái chế từ rác thải điện tử và rác thải sinh hoạt gia đình” không phải để dự thi. 18 năm gắn bó với công việc giảng dạy môn tin học ở Trường THCS Thủy Dương, tuy chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực điện tử nhưng do đam mê và thói quen tự mày mò, nghiên cứu, anh luôn trăn trở để cho ra đời những sản phẩm phục vụ xã hội. Nhận thấy những chiếc máy tính sau vài năm sử dụng dần không đáp ứng được nhu cầu người sử dụng, thậm chí có người vứt chúng trở thành thứ rác thải gây ô nhiễm, từ đó anh có ý tưởng gắn kết các linh kiện từ CPU của máy tính và một số vật liệu phụ trợ tạo thành chiếc đèn học đa năng cho học sinh, sinh viên. Sau vài tháng mày mò, ban đầu chiếc đèn chỉ có chức năng chiếu sáng và quạt cùng nơi để bút. Khi đem đến hội thi chiếu đèn được cải tiến đa năng hơn nhờ bổ sung chức năng xua đuổi muỗi, có ổ đĩa CD-ROM, loa để học ngoại ngữ, gắn kết bộ dây sạc điện thoại nhiều loại và có thể trở thành chiếc đèn ngủ được trang trí bắt mắt. “Làm ra sản phẩm này, tôi không tham vọng giành giải thưởng hay danh tiếng, chỉ mong sản phẩm này hỗ trợ đắc lực, tiện ích cho các em học tập tốt hơn”, anh Quân trải lòng.

Ông Trần Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương nhận định: “Thầy Quân là một giáo viên đam mê nghiên cứu khoa học ứng dụng, nhiều năm hướng dẫn giúp học sinh làm những mô hình nghiên cứu khoa học để dự thi thành công. Hai giải pháp mà thầy Quân dự thi rất thiết thực, tiện ích cho học sinh và người dân”.

Khác với đèn đa năng, ý tưởng về giải pháp “Mái che tự động” được anh suy nghĩ trong lần tình cờ ngang qua khu vườn trồng hoa cúc ở Vỹ Dạ. “Thấy trời mưa lớn bất ngờ, hoa xiêu ngã khiến người dân mất công chăm sóc lại làm tôi nghĩ, Huế là xứ hay mưa, một quán cà phê, một giá phơi áo quần, một vườn hoa,…nếu người dân bận rộn không kịp che đậy thì coi như hỏng. Sau ngày hôm đó, tôi về nhà lao vào nghiên cứu ngay”. Thử nghiệm cho thấy, anh Quân phun nước lên mạch cảm biến (giả mưa), mái che lập tức tự động kéo lại; dùng máy sấy tóc sấy lên mạch cảm biến đó (giả nắng), mái che lại nhanh chóng được đẩy ra. Thành công từ mô hình này, anh tin chắc sẽ ứng dụng nhiều trong thực tế, như: vườn trồng rau, hoa diện tích nhỏ, phơi nông sản, phơi áo quần, mái che quán cà phê ngoài trời, mái che giếng trời nhà cao tầng,…phù hợp với điều kiện thời tiết ở Huế và mức chi phí hợp lý mà người dân dễ dàng bỏ ra.

 “Mày mò rồi cũng nên”

Giải thích về chiếc đèn đa năng, anh Quân cho rằng, khó chứng minh được độ bền của đồ tái chế khi sử dụng, nhưng trên thực tế chọn lọc, vẫn có thể tìm mua những “nguyên liệu” tái chế với giá rẻ và còn dùng tốt. Đến các quầy điện tử hỏi mua bộ nguồn từ CPU máy vi tính cũ, các linh kiện, bộ phận khác của máy tính với giá 50.000 đồng, cùng bộ đầu dây sạc của nhiều loại điện thoại (giá 50.000 đồng), anh bắt đầu đấu nối để lấy được nguồn điện 5 vol (dùng cho sạc điện thoại, loa và mạch đuổi muỗi), 12 vol (dùng cho đèn, ổ CD và quạt). Tất cả các bộ phận từ loa, ổ CD, quạt (thông khí) đều được lấy từ máy tính cũ, riêng loa được gắn thêm nút điều chỉnh âm lượng. Theo anh Quân, mạch đuổi muỗi là phần khó làm nhất, bởi trải qua nhiều thất bại, anh mới tìm được một tần số phù hợp, phát ra âm thanh giống tiếng muỗi đực. Tiếng kêu này không lớn, giúp học sinh khi sử dụng đèn hạn chế được muỗi “quấy rầy”.

Anh Quân chia sẻ, hình dáng của mái che tự động khá đơn giản, nhìn qua giống như một khung giá mái che bình thường, quan trọng chỉ là bộ mạch cảm biến mưa và mạch điều khiển phát huy được tác dụng, được thiết kế thẩm mỹ và an toàn cho người sử dụng. Nguyên lý hoạt động của mô hình này cũng không phức tạp: “Khi mưa xuống, mạch cảm biến đóng và cung cấp tín hiệu cho mạch điều khiển làm mô tơ quay, đóng mái che lại. Khi nắng, cũng với nguyên lý này giúp mái che mở ra, tiện công cho người sử dụng”, anh Quân nói thêm.

Tham dự hội thi với hai lĩnh vực hơi trái nghề là cơ khí và tự động hóa xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng nhưng thầy giáo Phùng Hữu Kim Quân cảm thấy tự tin bởi những giải pháp mình làm ra là kết quả của nhiều đêm suy nghĩ về những học sinh hoàn cảnh và người lao động vất vả. Chia sẻ những dự định tương lai, anh cho rằng, cũng như những cái khó ban đầu, tự mày mò rồi sẽ nên. Thời gian tới, anh sẽ khắc phục được nhược điểm bắt buộc sử dụng nguồn điện cắm trực tiếp bằng nguồn năng lượng mặt trời. Giúp hai giải pháp này ứng dụng hiệu quả và rộng rãi ra thực tế, góp phần giúp ích được người dân và học sinh phát huy được hiệu quả làm việc và học tập của mình.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều 25/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do UVTW Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ băn Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Return to top