ClockThứ Bảy, 16/07/2022 11:22

Hàng ngàn ha lúa bị sâu bệnh gây hại nặng

TTH.VN - Đến ngày 16/7, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh gây hại nặng, đang lây lan diện rộng do thời tiết diễn biến phức tạp, thất thường.

Hơn 3.000 ha lúa bị sâu bệnh gây hạiHơn 2.000 ha lúa bị sâu bệnh và có nguy cơ lây lan diện rộngHàng trăm ha lúa bị sâu bệnh, chuột gây hạiGần 1.800 ha lúa bị chuột, ốc bươu, sâu bệnh gây hạiTăng cường phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Kiểm tra sâu bệnh trên lúa

Sâu bệnh diện rộng

Nông dân Trần Thanh ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền) đứng ngồi không yên trước 10 sào lúa của mình bị bệnh khô vằn gây hại từ hơn một tháng nay. Mặc dù ông Thanh triển khai các biện pháp phòng trừ theo quy định và kinh nghiệm nhưng bệnh vẫn chưa giảm, thậm chí có xu hướng ngày càng nặng hơn, nhất là trong những ngày gần đây với tỷ lệ bệnh từ 30-40%.

Trước tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, ông Thanh cũng như người trồng lúa ở Quảng Thọ kiến nghị, ngành nông nghiệp cử cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật về các xứ đồng hướng dẫn trực tiếp người dân triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh một cách khoa học, hiệu quả.

Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2, ông Nguyễn Lương Trí thông tin, sâu bệnh gây hại nặng nhất trong những ngày gần đây và đang có xu hướng ngày càng nặng, lây lan diện rộng. HTX cử cán bộ tăng cường hướng dẫn, giúp dân sử dụng đúng thuốc phòng trừ sâu bệnh, phun đúng liều lượng, đúng thời điểm… nhằm ngăn chặn sâu bệnh lây lan, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ thiệt hại.

Ông Ngô Đức Phong, Giám đốc HTXNN Phú Lương 1 (Phú Vang) chia sẻ, nhiều diện tích lúa trên địa bàn đều đang bị nhiễm bệnh sâu cuốn lá, khô vằn… với tỷ lệ 10-20%, nơi cao đến 30-40%, riêng sâu cuốn lá tỷ lệ 20 con/m2. HTX đang tổ chức nạo vét kênh mương, thuỷ lợi đảm bảo tưới cho các diện tích khô hạn, kết hợp phòng trừ sâu bệnh nhằm hạn chế nguy cơ lây lan diện rộng.

Cần phòng trừ đúng quy định

Nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh thông tin, đến ngày 16/7, trên địa bàn tỉnh có khoảng 240 ha bị nhiễm sâu cuốn lá với mật độ 10-20 con/m2, tập trung ở các xã, thị trấn Phú Đa, Phú Gia, Phú Hồ, Phú Lương, Vinh Hà... (Phú Vang).

Bệnh khô vằn gây hại trên diện tích khoảng 1.500 ha, tăng 475 ha so với tuần trước, tăng gần 1.000 ha so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ bệnh 10-20%, nơi cao 30-40%. Các diện tích lúa bị bệnh khô vằn tập trung ở các xã, thị trấn: Phú Đa, Phú Gia, Phú Hồ, Phú Lương, Phú Mỹ, Phú Xuân, Phú An, Vinh Hà… (Phú Vang); các HTX: Phú Hòa, Tín Lợi, Bắc Vinh, Đông Vinh, Đông Phú, An Xuân, Phú Thanh, Quảng Thọ 2 (Quảng Điền).

Ông Lê Văn Anh nhận định, bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ lá đòng tiếp tục phát sinh. Rầy các loại, sâu cuốn lá, nhện gié, bọ phấn tiếp tục phát triển gia tăng mật độ, nhất là trên các chân ruộng bón phân không cân đối, chăm sóc kém. Các đối tượng sinh vật gây hại như chuột, bệnh đốm nâu, gạch nâu... tiếp tục phát sinh, phát triển gây hại.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, các địa phương cần tăng cường theo dõi đồng ruộng, diễn biến thời tiết để hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân thúc đòng cân đối; thường xuyên giữ nước trong ruộng, giúp cây lúa chống chịu với điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao. Đồng thời kiểm tra các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời trên diện hẹp.

Bà con nông dân cần phun đúng thuốc phòng bệnh lem lép hạt khi lúa trổ (3-5%) và sau khi lúa trổ xong, sau phun lần một khoảng 5-7 ngày cần lựa chọn các loại thuốc phun phòng bệnh lem lép hạt và trừ bệnh khô vằn, vàng lá, thối bẹ lá đòng, cuốn lá nhỏ... như Amistar Top 325SC, Nevo 330EC, Virtako 40 WG, Dylan 10WG, Mapwinner 5 WG, Vali 5SL, Validacin 5L, Anvil 5SC, Chervin 5SC... để hạn chế bệnh phát tán, lây lan trên diện rộng.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top