ClockThứ Bảy, 06/08/2016 05:46
LÀNG NGHỀ GẠCH NGÓI Ở HƯƠNG TRÀ:

Hành trình ra khỏi ”điểm đen”

TTH - Các lò sản xuất gạch ngói ở 2 cụm làng nghề Hương Vinh và Hương Toàn, thị xã Hương Trà đã hoàn toàn “tắt lửa”. Cần hợp thức hóa các thủ tục để đưa 2 cụm làng nghề này ra khỏi danh mục Quyết định 64 và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người lao động.

Phần nhiều lao động đều đã lớn tuổi, nên việc đào tạo, chuyển đổi nghề sẽ rất khó khăn

Tự giải thể

Nằm trong danh mục Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thị xã Hương Trà có 2 cụm làng nghề sản xuất gạch ngói thủ công ở thôn Thủy Phú (xã Hương Vinh) và thôn Nam Thanh (xã Hương Toàn).

Về lại thôn Thủy Phú, Triều Sơn Đông, xã Hương Vinh nơi một thời phồn thịnh với nghề sản xuất gạch ngói thủ công truyền thống giờ đã vắng lặng. Nhớ lại thời kỳ cách đây khoảng vài năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc duy trì hoạt động sản xuất nhưng phải đảm bảo môi trường, một số chủ lò gạch đã chuyển đổi sản xuất theo công nghệ mới. Sau những chuyến đi tham quan, học tập ở một số tỉnh bạn, lúc đó, có 6 hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng 6 lò đứng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng năng suất lao động, nhưng cũng không trụ nổi. 34 lò gạch ở Hương Vinh một thời “vàng son” đều đã ngưng hoạt động hoàn toàn. Những hộ sản xuất hầu hết đã chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, trồng sen cao. Một số khác đi làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ...

6 cơ sở sản xuất gạch ngói ở thôn Nam Thanh (Hương Toàn) vì khó cạnh tranh với sản phẩm gạch tuynel cũng như áp lực về ô nhiễm môi trường, nên tự ngưng hoạt động. Số còn bám trụ, đóng cửa cách đây chưa lâu cốt chỉ mong được duy trì nghề ngói liệt truyền thống Nam Thanh, phục vụ cho việc phục dựng những công trình kiến trúc cổ. Một trong những chủ lò sản xuất gạch và ngói liệt lâu đời ở thôn Nam Thanh, ông Trương Văn Vang không khỏi nuối tiếc và trăn trở cho thế hệ sau sẽ “thiệt thòi” khi nghề làm ngói liệt truyền thống bị thất truyền. Và còn những lao động gắn bó mấy chục năm với nghề cũng đang canh cánh nỗi lo tìm công việc phù hợp với sức khỏe và tuổi tác của mình.

Hậu “xóa sổ” làng nghề

Cụm làng nghề gạch, ngói ở xã Hương Vinh và Hương Toàn thuộc ngành nghề truyền thống có từ lâu đời, giải quyết công ăn việc làm cho gần 400 lao động. Thực tế, nhiều lao động vốn chỉ quen với nghề làm gạch ngói truyền thống và đều lớn tuổi, nên nếu chuyển đổi sang ngành nghề lạ, đòi hỏi có tay nghề là bài toán khó với họ. Số lao động khác không có kinh phí để đầu tư chuyển đổi ngành nghề, hoặc muốn theo nghề nông nghiệp cũng không có đất để sản xuất. Vì thế, sau khi các lò gạch ngưng hoạt động, nhiều người trong số họ phải đi làm thuê, làm mướn với mức thu nhập bấp bênh.

Anh Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, qua khảo sát, nguyện vọng của bà con muốn được hỗ trợ tiền để tự chuyển đổi nghề phù hợp. Song UBND thị xã Hương Trà không đồng ý hướng giải quyết này mà chỉ hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ một phần kinh phí giúp các chủ cơ sở phá dỡ các lò gạch, giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, mặc dù đã ngưng sản xuất, nhưng có hơn chục lò nung ở 2 cụm làng nghề vẫn chưa được phá bỏ do các chủ lò không có kinh phí, gây mất mỹ quan, lãng phí quỹ đất. Để tháo gỡ vấn đề này, thị xã Hương Trà đã đề nghị UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân giải tỏa các cơ sở lò gạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của luật đất đai. Theo ông Trần Kiêm Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, khi có kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương sẽ đốc thúc và chung tay với các chủ lò sớm phá dỡ, trả lại mặt bằng để thực hiện các phương án phát triển kinh tế hiệu quả hơn, đảm bảo an sinh xã hội. Xã Hương Toàn cũng đã có kế hoạch quy hoạch vùng này chuyển sang dịch vụ thương mại hoặc tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất gạch không nung theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Để đẩy nhanh tiến độ đưa 2 cụm làng nghề gạch, ngói ở Hương Vinh và Hương Toàn ra khỏi danh mục Quyết định 64, thị xã tập trung chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với 2 xã và các hộ sản xuất tiến hành các bước xây dựng hồ sơ thủ tục theo đúng quy trình quy định. Phía Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên cơ sở hồ sơ được Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã hoàn thiện, đơn vị sẽ tiến hành đo đạc, kiểm tra, lấy mẫu để xác nhận, hoàn tất thủ tục đề nghị UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên & Môi Trường chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64 trong hết quý III năm nay.

HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top