ClockThứ Năm, 22/07/2021 10:57

Hào sảng dòng Hương

TTH.VN - Mùa hè này, nhất là sau khi cây cầu gỗ hình bán nguyệt ở Bến Me được làm xong, sông Hương của Huế trở nên rộn ràng sinh động đến dễ thương khi hàng ngày hàng trăm người dân đủ mọi lứa tuổi tìm đến bơi lội, tắm mát. Mà không chỉ riêng ở Bến Me, ngược lên miệt Kim Long, Hương Hồ, cảnh người dân tìm đến giải nhiệt với các bến sông cũng khá phổ biến.

Sông Hương

Lẽ dĩ nhiên, đó là trong thời điểm mà Huế an toàn, nhiều tuần liền không xuất hiện F0, F1… Còn vào thời điểm này, khi mà bắt đầu có những ca dương tính tái xuất hiện, việc tắm sông của người dân được tiết giảm, rồi dừng hẳn từ 0h00 ngày 20/7 theo lệnh của UBND thành phố. Dù có một chút bức bối, tiếc nuối, nhưng để chống dịch, mọi người đều tự giác chấp hành.

Ở đây, cho phép được không đề cập chuyện dịch dã mà chỉ nói chuyện tắm sông. Thực ra, tắm sông ở Huế vốn không phải là chuyện gì quá xa lạ mà ngược lại còn rất phổ biến, thậm chí là “mặc định” với nhiều người, nhiều gia đình. Và không chỉ có tắm trên sông Hương mà nhiều con sông khác trên địa bàn cũng đông vui người tắm sông, gánh nước, giặt giũ… Như gia đình tôi, vốn sông ven sông Lợi Nông phía dưới cầu An Cựu một quãng. Chiều chiều cả xóm lại í ới gọi nhau rồi ào xuống sông vẫy vùng, bơi lội. Lũ con nít như chúng tôi thì được người lớn dìu cho ra một bãi cát giữa sông, nước sâu vừa phải và trong veo thấy đáy để tập bơi. Mấy cậu thanh niên thì lại kéo nhau ra xa xa để lặn hến, lặn bọp bọp (có vùng gọi là vọp, bòm bọp, cùng họ hàng nhà hến nhưng lớn hơn rất nhiều), bắt tôm… Tắm, bơi từ lúc mặt trời vừa xế bóng cho đến lúc nhá nhem tối, phải người này giục người kia năm lần bảy lượt mới dứt được dòng nước mát để lên bờ.

Còn sông Hương thì cứ mỗi chiều hè lại đông vui người từ khắp nơi kéo về tắm táp bơi lội. Khu vực bến Me thì hơi có chút “kiêng kỵ” vì với người Huế hồi trước bến Me là cái tên khá nhạy cảm, người ta tập trung bơi tắm ở bến Lê Đình Dương, bến “sẹc”, đó là ở khu vực trung tâm, còn lên phía thượng nguồn thì tùy nghi, hầu như xóm nào ở 2 bên bờ sông cũng có bến tắm được. Còn nhớ, anh em tôi thỉnh thoảng được ba mẹ dẫn lên phường Đúc thăm nhà một người cô ruột, vườn rộng, cây trái sum suê, chúng tôi thường ở lại chơi cả ngày. Và bao giờ cũng thế, tiết mục không thể bỏ qua là chạy xuống bến để thỏa sức mà tắm, mà đùa vui với bãi cát ven sông, loại cát sạch tưng và mịn màng như bột…

Nạn khai thác cát sạn vô tội vạ đã làm tổn thương dòng sông và gây bức xúc cho dân chúng

Nhưng rồi, càng về sau này hình ảnh tắm sông dần dần lùi xa. Một phần vì nước máy ở Huế đã dồi dào phủ sóng, tắm sông tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là cho lũ trẻ, nên các gia đình rút về “cố thủ” nơi phòng tắm nhà mình. Nhưng nguyên nhân phần lớn là do các dòng sông đang ngày càng trở nên ô nhiễm bởi nạn đào đãi vàng, khai thác cát sạn vô tội vạ ở đầu nguồn, nạn xả rác, xả nước thải của nhà máy, xí nghiệp, chợ búa, của các khu dân cư không qua xử lý… Tất cả làm cho các dòng sông của Huế trở nên bị “đầu độc” khiến cá tôm có khi nổi trắng cả khúc sông; rác rưởi đủ chủng loại phập phềnh theo sóng nước khiến chỉ nhìn bằng mắt thường thôi ai cũng ngại nên muốn bơi lội thì hoặc là đến với các bể bơi nhân tạo, hoặc tìm về với biển, ngược lên các khu khe suối ở thượng nguồn…

Chèo thuyền sup trên sông Hương (Ảnh chụp lúc chưa có thông báo dừng hoạt động tắm sông)

Cứ ngỡ hình ảnh tắm sông rồi sẽ chỉ còn là quá vãng, thì may thay, dự án quy mô về thu gom và xử lý nước thải ở Huế được triển khai thành công. Rồi phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, Huế thành phố 4 mùa hoa, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là chỉnh trang và xây dựng tuyến đường dạo 2 bờ sông Hương, cồn Dã Viên… Tất cả tạo nên một nguồn xung lực rất tích cực trong việc làm chuyển biến ý thức của cả cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, và thực tế là môi trường của Huế đã tốt lên trông thấy. Thú vị và phấn khởi nhất là quá trình chỉnh trang đôi bờ sông Hương, tỉnh đã cho cải tạo, xây dựng lại Bến Me. Ở đó xuất hiện một cây cầu gỗ hình bán nguyệt, dưới bến sông được rải sỏi để làm bãi tắm. Công trình vừa xong đã lập tức “hút khách” …khủng khiếp. Người ta đến để thể dục, tập yoga, hoặc là check in đủ kiểu. Vui nhất là chiều chiều, rất nhiều người đã rủ nhau đến để vẫy vùng thỏa thích với dòng sông. Trẻ con, người lớn tuổi, người không biết bơi thì tắm trong bến. Còn người bơi lội thạo thì kéo nhau tắm ở phía ngoài. Ra xa chút nữa là người chèo thuyền Sup… Cả một khúc sông xanh đỏ tím vàng của màu thuyền, màu áo, màu phao bơi trông thật vui mắt và thật sướng. Sướng là bởi lẽ, thử hỏi bây giờ, có mấy con sông chảy qua giữa lòng đô thị mà còn giữ được vẻ đẹp và sự trong lành để cư dân có thể thoải mái vẫy vùng như sông Hương của Huế? Mà không chỉ có cư dân của Huế, cả du khác đến đây nhiều người cũng không muốn bỏ qua trải nghiệm hiếm có này. Hãy nghe một người có nick name là David Vo chia sẻ một cách đầy nuối tiếc với VnEpress để mà thêm yêu cái hào sảng xứ Huế: “Hè năm ngoái mình ra Huế du lịch và đã thử cảm giác chèo sup và tắm sông Hương buổi sáng sớm. Trời ơi là sướng vô cùng, nước sông sạch và trong, trên bờ thì người người đi bộ, đạp xe thể dục. Sau đó thì lên núi đi lăng tẩm. Chiều thì về Beach bar ở Thuận An ăn hải sản và tắm biển, tối thì lai rai ở phố đi bộ, phố Tây nhộn nhịp. Hè này đã book vé máy bay, lên kế hoạch ra Huế chơi lâu hơn nhưng dịch lại kéo đến. Ôi buồn trong đợi chờ!”…

 

Từ đồi Vọng Cảnh

Không một tí ngoa ngôn phóng đại, sông Hương quả là báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Trong “dòng lũ” cơm áo gạo tiền, có những lúc sông Hương từng bị tổn thương, từng bị đe dọa. Nhưng rồi như đã nói, sự bừng tỉnh kịp thời và những nỗ lực của Huế đã làm dòng sông đã dần dà trở về với “nguyên sơ bản thể”. Sự xuất hiện, sự nhộn nhịp của những bến tắm dọc đôi bờ là những chỉ dấu minh chứng mạnh mẽ cho điều đó. Và biết đâu xu thế tích cực ấy rồi sẽ tiếp tục lan tỏa đến với những con sông vốn cũng một thời mát trong giữa lòng phố thị thì còn hạnh phúc nào bằng.

Người dân xứ Huế đang được thụ hưởng những giá trị không thể đong đếm từ sông Hương. Hy vọng ai cũng hiểu điều đó mà ý thức thêm về trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ, tôn tạo để sóng nước Hương giang mãi xanh trong thơm mát, mãi vỗ về cho “Huế- bài thơ đô thị” luôn lấp lánh như tuyệt phẩm vĩnh hằng…

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương

Cùng với các dự án (DA) chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm, TP. Huế tiếp tục chỉnh trang các công viên (CV), điểm xanh khu vực hai bờ sông Hương nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị, tạo thêm nhiều điểm đến phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, dạo bộ dành cho người dân và du khách.

Chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương
Return to top