ClockThứ Hai, 29/09/2014 05:23

Hiệu ứng từ khuyến công

TTH - Trung bình mỗi năm, chương trình khuyến công (KC) địa phương hỗ trợ cho khoảng 30 doanh nghiệp (DN) và cơ sở công nghiệp nông thôn đào tạo nghề và đầu tư thiết bị. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều cơ sở đã vươn lên, mở rộng quy mô sản xuất Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thêu may Đoan Trang là một trong những DN điển hình.

Học nghề và gắn bó với nghề thêu tay truyền thống từ năm 1990 với những sản phẩm đơn giản như thêu gối, áo dài và đồng phục học trò. Đến nay, cơ sở thêu sợi Đoan Trang có hàng chục mẫu thêu tay, thêu máy và trang trí mẫu thời trang với nhiều mẫu thêu hiện đại trên áo dài, áo quần, lô gô, bảng hiệu và thêu tranh, cạnh tranh với hàng chục cơ sở thêu trên địa bàn tỉnh.

Trình diễn thêu tại Doanh nghiệp Đoan Trang.

Năm 2012, từ nguồn vốn chương trình KC địa phương, Trung tâm KC & Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ DNTN thêu may Đoan Trang 45 triệu đồng đào tạo nghề thêu áo dài truyền thống trên máy vi tính công nghệ cao. Sau khi được đào tạo nghề, DN đầu tư thêm 1,5 tỷ đồng trang bị 3 dàn máy thêu vi tính, đồng thời mở khóa đào tạo nghề cho 30 học viên phát triển nghề theo hướng kế thừa các mẫu thêu tay truyền thống kết hợp với kỹ thuật hiện đại của máy móc phát triển thành sản phẩm thêu tinh xảo, đáp ứng nhu cầu của khách cả về số lượng đặt hàng lẫn chất lượng sản phẩm. Thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, DN đưa hàng trăm bức tranh thêu giới thiệu với đối tác quốc tế, ký kết được nhiều đơn đặt hàng và hướng đến xuất khẩu.
Năm 2014, trên 2,7 tỷ đồng được chi cho công tác đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc tiên tiến, xây dựng thương hiệu và tham gia hội chợ, triển lãm nhằm giúp các DN, cơ sở nâng cao năng lực phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, khoảng 45 đề án đã và đang triển khai tại các huyện, thị xã và địa bàn TP Huế, góp phần tạo sản phẩm, thương hiệu mới phục vụ thị trường nội địa và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Sau khi các sản phẩm thêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng chiếm lĩnh thị trường và đắt khách, DN nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm thêu phục vụ khách du lịch trâm cài áo, khăn tay, khăn trải bàn và tấm lót ly. DN vừa khai trương Showroom tranh thêu tại 56/2 Bạch Đằng, phường Phú Cát, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và thao diễn nghề thêu của du khách.
Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Giám đốc DNTN Thêu may Đoan Trang cho biết: “Được thụ hưởng nguồn hỗ trợ của chương trình KC, mục tiêu của chúng tôi là muốn tạo dấu ấn riêng cho những sản phẩm “thêu” mang bản sắc văn hóa Huế. Hiện, DN có trên 40 thợ thêu giỏi, chuyên nghiệp được đào tạo bài bản từ nguồn vốn KC và đang phát huy hiệu quả.”.
Ông Nguyễn Lương Bảy, Giám đốc Trung tâm KC & Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, tạo sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng là mục tiêu chính của chương trình KC địa phương. Trong đó, chúng tôi luôn quan tâm đến hiệu quả đề án triển khai và thường xuyên kiểm tra giám sát các DN, cơ sở sau khi tiếp nhận nguồn vốn. Đối với DNTN Thêu may Đoan Trang, sau 2 năm thụ hưởng vốn KC, cơ sở phát triển nhanh cả về quy mô lẫn đội ngũ lao động, tạo động lực phát triển nghề thêu góp phần khôi phục các làng nghề và nghề truyền thống theo chỉ đạo của UBND tỉnh.”
 

 

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top