ClockThứ Tư, 25/12/2019 06:15

Hình thành “công dân điện tử” trong chính quyền điện tử

TTH - Với việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính (CCHC), đến nay người dân đã từng bước chuyển từ “công dân truyền thống”- giao dịch trực tiếp, sang “công dân điện tử” – tiếp cận ứng dụng CNTT phục vụ các giao dịch hành chính công trực tuyến.

Xây dựng dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử

 Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (bên trái) cài đặt tài khoản số cho công dân

Áp dụng tài khoản số và chữ ký số

Hơn 5 năm trở lại đây, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc tại các cơ quan Nhà nước đã trở thành yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ Nhân dân trên tiến trình xây dựng CQĐT.

Đến nay, tỉnh đã hình thành và nâng cao nhận thức tin học hoá gắn liền với CCHC và chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc theo chuẩn ISO - hình thành Cơ quan điện tử.

Nam Đông là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay 100% cơ quan cấp xã và cấp phòng đã thực hiện chữ ký số và văn bản điện tử, hạn chế tối đa văn bản giấy ban hành, trừ những văn bản theo quy định.

Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chia sẻ, huyện xác định ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng văn bản kỹ thuật số, văn bản điện tử là nhiệm vụ trọng tâm để cuối năm 2019, huyện đạt được nền tảng CQĐT.

“Huyện đã có nhiều giải pháp tổng hợp, trong đó chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tập trung rà soát, sắp xếp lại đội ngũ này gắn với tinh giản biên chế. Nâng chuẩn công chức đầu mối bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công chức văn phòng thống kê cấp xã. Bên cạnh đó, Tổ giám sát làm việc hiệu quả, vừa giám sát, vừa hướng dẫn, giúp đỡ theo hình thức “bắt tay chỉ việc”, thao tác trực tiếp trên máy nên đội ngũ cán bộ thành thạo CNTT, áp dụng vào công việc trôi tròn, hình thành các cơ quan điện tử”- ông Dương Thanh Phước nhấn mạnh.

Đến nay, hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh đã được hoàn thiện mạng lưới CNTT phục vụ cho xây dựng cơ quan điện tử bằng các dịch vụ công trực tuyến. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ, thực hiện đối chiếu giấy tờ tại trụ sở cơ quan để nhận kết quả hồ sơ. Trong khi đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà, không cần đến trụ sở cơ quan, tổ chức. 

Đã có 100% các xã, phường, thị trấn toàn tỉnh có mạng Internet để khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin của CQĐT; 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã có mạng nội bộ; hệ thống một cửa điện tử được triển khai đến 100% đơn vị trong toàn tỉnh, hệ thống mạng kết nối tất cả các sở, ban, ngành, 9 trung tâm hành chính công cấp huyện với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đảm bảo về tốc độ, ổn định… Điều này đã cơ bản đem lại sự hài lòng cho người dân, củng cố và xây dựng lòng tin của người dân với chính quyền, từng bước hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh

Hướng đến “công dân điện tử”

Hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng nhu cầu CCHC, đến nay, hệ thống CNTT của tỉnh đã bước qua giai đoạn 3, giai đoạn nhu cầu (giai đoạn 1 khuyến khích; giai đoạn 2 chế tài; giai đoạn 3 nhu cầu). Nghĩa là, theo Nghị quyết số 17 về phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020 định hướng 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Thừa Thiên Huế đã đạt chỉ tiêu sớm 1 năm về tiêu chí CQĐT.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là nền tảng triển khai ứng dụng CNTT, nhất là các trang thiết bị máy tính, đường truyền nhanh xuống cấp, lạc hậu so với kinh phí đầu tư.

“Vẫn còn tình trạng các cấp lãnh đạo chưa theo kịp so với tốc độ phát triển ứng dụng CNTT hiện nay. Trong đô thị thông minh, tốc độ thay đổi các ứng dụng rất nhanh nên việc thích nghi các ứng dụng mới, khả năng thích nghi chậm hơn. Đó là chưa kể người dân vẫn còn dè dặt trong đăng ký, xử lý hành chính trên môi trường mạng”- ông Nguyễn Xuân Sơn nói.

Do đó, để xây dựng CQĐT thành công đòi hỏi phải có thế hệ “công dân điện tử”. Đào tạo “công dân điện tử" không chỉ cung cấp kiến thức về CNTT tới rộng rãi người dân, doanh nghiệp, mà quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức, thói quen của mỗi người về cách thức giải quyết TTHC theo mô hình CQĐT. Để khai thác hiệu quả hệ thống CQĐT thì công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT có vai trò quan trọng, nhất là đào tạo “công dân điện tử”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, thời gian tới, chính quyền các cấp sẽ tạo điều kiện cho người dân tương tác với hệ thống chính quyền, đưa chính quyền về sát với người dân hơn trong đó, trang bị phương tiện tiếp cận (tài khoản, mã định danh, thẻ điện tử); đa dạng phương thức tiếp cận hệ thống (trực tiếp, email, website, thiết bị di động); tạo điều kiện để người dân giám sát hoạt động, quy trình thực hiện, chất lượng cung cấp dịch vụ công, hướng đến xây dựng “công dân điện tử”.

“Đây là quá trình có thể thay đổi nhận thức, thói quen của mỗi người dân và doanh nghiệp. Chỉ khi họ thấy rõ được nhu cầu, hiểu được vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình khi tham gia vào CQĐT, lúc đó hiệu quả đem lại của mô hình mới được phát huy tối đa”- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói.

Hệ thống thông tin Cổng dịch vụ công của tỉnh phát triển đảm bảo nguyên tắc và tính năng sau: 100% hồ sơ được số hóa chuyển dữ liệu về cơ quan chuyên môn xử lý; 100% hồ sơ được cơ quan nhà nước giải quyết trên môi trường mạng; 100% kết quả xử lý có hỗ trợ gửi kết quả điện tử và áp dụng chữ ký số; tích hợp cổng thanh toán trực tuyến của tỉnh; triển khai ứng dụng dịch vụ công trên môi trường di động; triển khai hệ thống thẻ điện tử kết nối dịch vụ công; triển khai dịch vụ bưu chính công ích trên toàn tỉnh.

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp

Sau khi Quy hoạch chung tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TX. Hương Trà ưu tiên xúc tiến đầu tư, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm, các cụm công nghiệp (CCN); chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm hình thành các CCN trên địa bàn.

Hương Trà ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp
Hình thành trường đào tạo nghề chất lượng cao

Nhằm hình thành trường cao đẳng đa ngành chất lượng cao, đào tạo đầu ra nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh, 3 trường cao đẳng: Sư phạm Thừa Thiên Huế, Nghề Thừa Thiên Huế và Giao thông Huế đã được sáp nhập thành Trường Cao đẳng Huế.

Hình thành trường đào tạo nghề chất lượng cao

TIN MỚI

Return to top