ClockChủ Nhật, 25/02/2018 10:36

Hòa mình vào văn hóa,di sản

TTH - Mục tiêu lớn nhất của lễ hội là tạo điều kiện để văn hóa Huế giao thoa; qua đó, tạo sức bật để trở thành “của hiếm” mời gọi du khách. Festival Huế lần thứ 10 sẽ tiếp tục làm nổi bật điều đó...

Giới thiệu 7 di sản thế giới

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, một trong những người tham gia tổ chức Festival Huế đầu tiên chia sẻ, Festival Huế là lễ hội được tổ chức dựa trên nền tảng văn hóa của Huế. Ngay từ những ngày đầu tiên, các hoạt động thể hiện rõ tinh thần giao lưu bằng văn hóa của các nước tham gia. Quan trọng hơn, lễ hội chính là để tôn vinh, “khuếch trương” văn hóa Huế, những giá trị, chiều sâu của lịch sử được thể hiện rõ nét. Mục tiêu sau cùng là thông qua lễ hội để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với Huế nhiều hơn.

Festival Huế 2018 sẽ có nhiều chương trình tôn vinh 5 di sản được thế giới công nhận

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế cho hay, Festival Huế lần thứ 10 được tổ chức vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đó. Chủ đề xuyên suốt của các kỳ Festival Huế “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã thể hiện rõ mục tiêu. Riêng Festival Huế 2018 sẽ tập trung tôn vinh “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”. Khi tham gia Festival Huế, du khách và người dân Huế được tìm hiểu, thăm thú và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), nhất là Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016) lâu nay chưa có điều kiện để tôn vinh, giới thiệu rộng rãi.

Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, hiếm có vùng đất nào trong cả nước và khu vực, có đến 7 di sản được UNESCO công nhận như Huế. Nói như thế bởi gần đây, Huế cùng với 9 tỉnh, thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật Bài Chòi. Trước đó vào năm 2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” cũng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể và Huế cũng là một trong các địa phương đồng sở hữu. Dù không đưa vào chủ đề, nhưng Festival Huế 2018 sẽ có rất nhiều hoạt động để giới thiệu hai loại hình nghệ thuật độc đáo này đến công chúng.

Ban tổ chức thông tin, Festival Huế 2018 còn có các hoạt động gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa có ý nghĩa của Huế và của đất nước, như kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (1788-2018); 50 năm Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (2003-2018). Đó như là những mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của văn hóa Huế.

Ngoài ra, một số lễ hội cung đình và các lễ hội khác được tổ chức trước và sau festival sẽ tiếp tục được tổ chức, như: Lễ Tế Giao, Lễ Tế Xã tắc, Lễ hội đền Huyền Trân, Lễ hội điện Hòn Chén, Lễ Phật đản, tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế...

Đến để biết văn hóa, di sản Huế

“Văn hiến Kinh kỳ” chính là chương trình nhằm tôn vinh, giới thiệu văn hóa Huế một cách đầy đủ và đặc trưng nhất. Dựa trên nền tảng “Đêm Hoàng cung” cả những năm trước, “Văn hiến Kinh kỳ” được sân khấu hóa thành một show diễn kết hợp nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đồng đạo diễn chương trình cho biết, chương trình xây dựng trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện, làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận. “Văn hiến Kinh kỳ” tập trung giới thiệu công cuộc xây dựng kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc, thể hiện đậm nét quá trình xây dựng kinh đô, tạo nên một phức hệ kiến trúc đa dạng, phong phú. Cùng với công cuộc kiến thiết đất nước, mở mang bờ cõi là quá trình không ngừng củng cố, chấn hưng binh bị...

Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ festival. Đây là liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Tham gia liên hoan có các nghệ nhân, diễn viên đến từ 30 đoàn trong cả nước. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, liên hoan được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, chầu văn. Hoạt động trình diễn nghệ thuật sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, kế thừa những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian, văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.

Ông Huỳnh Tiến Đạt cho biết, suốt chiều dài lịch sử, Huế là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Kinh đô của triều Nguyễn cũng từng là thủ đô một thời của Phật giáo Việt Nam. Nhiều năm qua, các hoạt động văn hóa Phật giáo đã tham gia và được xem là một điểm nhấn đặc biệt. Năm nay, chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” do Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức với các nghi lễ tâm linh hòa quyện biểu diễn nghệ thuật là một trong các lễ hội, chương trình nghệ thuật chính có chất lượng cao, độc đáo. Chương trình còn kết hợp các nghi lễ thả đèn hoa đăng trên sông Hương, cầu mong quốc thái dân an.

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Hành Hương” cũng sẽ tái ngộ tại Festival lần thứ 10 cùng các bài hát thể hiện sự trở về cội nguồn, về với Huế và đậm đặc chất Trịnh Công Sơn. Các bài hát có sự chọn lọc để tôn vinh những di sản văn hoá và trong tinh thần hội nhập qua mối bang giao Việt – Nhật.

Tại buổi họp báo quốc tế Festival Huế 2018 tại Hà Nội cuối năm 2017, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL - Trịnh Thị Thủy đánh giá: “Với kinh nghiệm 9 lần tổ chức, Festival Huế lần thứ 10-2018 hứa hẹn là một kỳ festival ấn tượng. Lễ hội có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các đoàn đại biểu quần chúng địa phương cũng góp phần đa dạng sắc màu văn hóa cho festival.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Return to top