ClockThứ Hai, 07/12/2015 09:51

Khai mạc ĐH Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX: Tôn vinh 1.800 bông hoa đẹp

TTH.VN - Sáng nay (7/12), Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.800 đại biểu chính thức là những điển hình tiên tiến, xuất sắc trên các lĩnh vực trong các phong trào thi đua yêu nước được Đảng và Nhà nước khen thưởng. trong 5 năm qua. 

Bước chuyển lớn trong sản xuất nông nghiệp

Chiều 6/12, đã diễn ra lễ biểu dương, tôn vinh các tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự. Tại lễ tôn vinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao Động hạng Nhất cho 13 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư: Hà Nội, TP.HCM, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Lào Cai, Lai Châu…

 

Chủ tịch Hội NDVN  Nguyễn Quốc Cường nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất từ Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Ảnh: Tất Định

T.Ư Hội Nông dân Việt Nam nhận  Huân chương Lao Động hạng Nhất

Chiều 6/12, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường đã đại diện Hội Nông dân Việt Nam lên nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất vì những cống hiến và đóng góp của Hội trong phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng NTM, sản xuất kinh doanh giỏi, thông qua phong trào cả nước chung tay xây dựng NTM.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Lao Động hạng Nhất cho 14 bộ, ban ngành đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM, trong đó có: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NNPTNT, Bộ GTVT, Ban Dân vận T.Ư, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN)… Ngoài ra, 10 huyện và 60 xã trên cả nước đã đạt chuẩn NTM cũng vinh dự được nhận cờ thi đua yêu nước trong lễ tuyên dương.

Kết quả nổi bật của các phong trào thi đua yêu nước trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, là đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, phong trào thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các thành tự khoa học, kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất… Các phong trào thi đua “Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng NTM”, phong trào thi đua liên kết “Vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn” đã tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp; xuất hiện nhiều mô hình đạt 100 triệu đồng/ha/năm, có mô hình đạt hàng tỷ đồng/ha/năm.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tiếp tục phát triển và có sức lan toả, tạo động lực khích lệ, động viên các hộ ND hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ nhau thoát nghèo; nhiều ND đã phát minh, sáng chế ra các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, tang năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Bình quân hàng năm có 8,2 triệu hộ ND đăng ký phấn đấu, trong đó có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ ND đạt danh hiệu hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

So với giai đoạn 2005-2010, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển…

Thi đua là yêu nước

Theo chương trình, ngày 7/12, tại đại hội, Tổng Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát động phong trào thi đua trong cả nước với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!”. 

Đại hội sẽ tiến hành tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011 - 2015) và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2015 – 2020 với báo cáo do đồng chí Nguyễn Thị Doan-Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng T.Ư trình bày; nghe báo cáo tham luận của các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc của các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, các địa phương.

Về dự đại hội lần này là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc, đang hàng ngày miệt mài nghiên cứu, công tác, học tập, lao động sản xuất... góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu cho phẩm chất anh hùng, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Những bông hoa đầy hương sắc

Lần đầu tiên được về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, ông Lý Phù Sinh (dân tộc Dao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) vui và hạnh phúc lắm. Ông là một tấm gương điển hình trong đồng bào dân tộc khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, là người đầu tiên đưa giống cây thảo quả, giống ngô hàng hóa, cây lạc về trồng ở thôn Lâm Sinh, cho thu nhập từ 400 -500 triệu đồng/năm; giúp đỡ 40 hộ thoát nghèo, trong đó 10 hộ vươn lên làm giàu và cưu mang 4 trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Ông Lý Phù Sinh cho biết, với tinh thần “Thi đua là yêu nước”, ông và gia đình đã không ngừng cố gắng trong nhiều năm qua.

Ông Hà Tấn Tâm, ND xã Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ chia sẻ: “Ban đầu tôi không hề đặt mục tiêu để được tôn vinh hay nhận phần thưởng, bởi trước hết  tôi làm cho gia đình mình, sau đó là giúp đỡ những hộ ND xung quanh. Nhưng khi đạt thành quả, được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh thế này mừng lắm chứ”. 

Sau hơn 10 năm khó khăn, giờ ông Hà Tấn Tâm đã có được thành quả bước đầu. Mô hình kinh tế vườn, ao dịch vụ vận tải đường thủy đã đem lại kết quả tốt. Năm ngoái thu nhập 12,8 tỷ đồng. Điều đáng mừng là các hộ gia đình ND tham gia sản xuất cùng tôi cũng có thu nhập ổn định. Như ở phần dịch vụ vận tải đường thủy, có gia đình thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

“Có cơ hội, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, tăng thêm việc làm cho bà con khu vực xung quanh”- ông Tâm hào hứng cho biết.

Các điển hình tiên tiến về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX như một vườn hoa đầy hương sắc, mỗi bông một vẻ, song đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, sống có lý tưởng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

 Xây dựng NTM là chương trình lớn mang tính tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Vì vậy, chúng tôi kiên trì thuyết phục, vận động người dân nhận thức rõ và tham gia. Xã Đăk Wer cách trung tâm huyện 15km, dân sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn. Gia đình tôi tự nguyện chặt 286 cây cà phê, 22 cây cao su, hiến 4.274m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Khi có đường đi lại dễ dàng, bà con phấn khởi, vui mừng và nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng NTM. Người dân tự nguyện góp công, góp của mà không ngồi chờ đợi vào Nhà nước nữa. Trong buôn của tôi, nhiều hộ cũng tự nguyện chặt cây kinh doanh để hiến đất xây dựng NTM. Phong trào cứ thế lan tỏa ra các thôn trong xã.

Ông Điểu Yơm (Chủ tịch Hội ND xã Đăk Wer, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông)

 

Xã của mình là xã vùng III biên giới, đặc biệt khó khăn. Việc xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn, mình phải kiên trì thuyết phục, vận động. Với vai trò là cán bộ Hội ND, tôi cùng các cán bộ xã khác phải làm gương để thuyết phục người dân. Trình độ văn hóa của người dân còn hạn chế nên mình dùng tiếng địa phương để thuyết phục, vận động. Mới đầu, người dân cũng ngại vì xây dựng NTM phải hiến đất, trên đấy còn có cây trồng lâu năm. Nhìn vào việc thực hiện các tiêu chí, có thể nói là rất khó khăn. Để đạt được 19 tiêu chí, có thể nói là còn rất lâu. Tôi mong Đảng, Chính phủ quan tâm đến những địa bàn vùng III biên giới như xã chúng tôi, cả về vốn, vật chất và tinh thần. Tôi chỉ là một hội viên Hội ND, tôi tích cực tham gia vận động trong chi hội của mình. Có những hộ gia đình phải vận động nhiều lần, rất khó khăn.

Chị Đặng Mai Liễu (dân tộc Dao, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)

 

Xã chúng tôi có 10% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi xác định tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó làm sau. Như tiêu chí hộ nghèo, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy khi triển khai, nhân dân đóng góp công sức của cải vật chất. Đến năm 2014, chúng tôi hoàn thành 19/19 tiêu chí. Năm 2011 thu nhập là 14 triệu đồng/người/năm, đến 2015 đã đạt 25,56 triệu đồng, đời sống nhân dân ổn định, bộ mặt nông thôn thay đổi.

Nguyễn Ngọc Hải  (Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng)

Theo Dân Việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều 25/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do UVTW Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ băn Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

TIN MỚI

Return to top