ClockThứ Ba, 31/01/2012 13:59

Khi người thợ không còn ly hương

TTH - Từ một vài cơ sở ban đầu, đến nay toàn tỉnh có trên 20 DN hoạt động trên lĩnh vực may mặc, trong đó có trên 80% sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Đổi đời từ... nghề may

Cách đây chừng 10 năm, hàng trăm người dân quê tôi ở xã Phong An (Phong Điền) dắt díu nhau vào Nam, ra Bắc mưu sinh, trong đó chủ yếu là “đi may”. Tết đến, từng đoàn người lại lũ lượt kéo về, mang theo những món tiền dành dụm cả năm cho gia đình. Chứng kiến niềm vui và cả những giọt nước mắt hạnh phúc trong không khí đoàn tụ, ấm áp ấy tôi mới cảm nhận được niềm vui của những người được làm việc ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2007, khi hay tin có một DN có tiếng trong lĩnh vực dệt may sẽ đầu tư xây dựng xưởng may tại huyện Phong Điền, nhiều gia đình mừng rỡ. Và rồi, ước mơ đơn giản tìm được việc làm ổn định ngay trên quê mình trở thành hiện thực khi đầu năm 2008, Công ty Scavi Huế chính thức đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng xưởng may công nghiệp quy mô 35 chuyền may và tuyển dụng 1.500 lao động...        

Các lao động trẻ cần mẫn bên các chuyền may 

Chúng tôi có dịp trở lại Công ty Scavi Huế sau 3 năm DN này gắn bó với vùng cát trắng Phong Điền. Không còn cảnh ngổn ngang, chật chội như những ngày đầu khởi nghiệp, giờ đây một Scavi hoành tráng với tổng mức đầu tư trên 65 tỷ đồng với 65 chuyền may đang tạo cho KCN Phong Điền một điểm nhấn ấn tượng. Từ chiếc cổng chào vào nhà máy, một không gian xanh bao trùm nhà xưởng, nhà ăn uống tập trung, nơi giải lao và quan trọng hơn là trên 3 ngàn lao động đã tìm được nơi để gắn bó với nghề. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của DN ước đạt 31 triệu USD, thu nhập của người lao động bình quên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù đang thời điểm cuối năm 2011, song DN đã nhận đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài đến quý I-2013.

Ông Trần Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Scavi Huế cho chúng tôi hay, để Scavi ngày càng phát triển và người lao động thực sự yên tâm và gắn bó với nghề may, cuối năm 2011, DN sẽ khởi công xây dựng khu nhà chung cư dành cho công nhân tại KCN Phong Điền. Với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng bao gồm 11 blốc bảo đảm chỗ ở cho gần 2.500 công nhân. Giai đoạn 1 DN triển khai xây dựng 3 blốc nhà, trong đó 1 blốc có chỗ ở cho trên 200 công nhân và hệ thống nhà ăn, khu vui chơi giải trí riêng biệt. Như vậy, đến tháng 3/2012, gần 1 ngàn công nhân ở xa sẽ có nơi ở ổn định để yên tâm làm việc. Tiếp theo, dự án nhà chung cư, Scavi sẽ đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, khu nhà trẻ với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2012 sẽ đưa vào sử dụng. Không chỉ tìm được việc làm, các lao động trẻ ở đây sẽ được DN hỗ trợ nhà ở miễn phí, con cái họ cũng sẽ có nơi vui chơi và niềm vui của các công nhân chắc chắn sẽ được nhân lên khi họ ngày càng gắn bó với nhà máy.

Ngành may tăng tốc

Được đánh giá là một trong những nhóm ngành tăng trưởng cao của ngành công nghiệp tỉnh, dệt may đang ngày càng phát triển và mở rộng quy mô. Từ một vài DN có mặt đầu tiên trên địa bàn tỉnh, như Công ty CP Dệt- May Huế, Công ty May xuất khẩu, đến nay toàn tỉnh có gần 20 DN hoạt động trên lĩnh vực dệt may, trong đó trên 80% sản phẩm tham gia xuất khẩu. Những thương hiệu may mặc lớn như Công ty CP Dệt may Huế, Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam thuộc Tập đoàn may mặc Mỹ; Scavi, Thiên An Phát, Phú Hòa An, Giày Da, Dệt May Huế...

Ông Võ Phi Hùng, TUV, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Năm 2011 ngành công nghiệp dệt may đạt mức tăng trưởng cao, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 225 triệu USD, tăng 55,8% so với năm 2010; góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lên 350 triệu USD, vượt 25,7% so với kế hoạch năm.”

Đến nay KCN Phú Bài đã thu hút 45 dự án sản xuất kinh doanh, trong đó có 6 dự án hoạt động trên lĩnh vực may mặc. Mới đây, dự án xây dựng Nhà máy may xuất khẩu của Tập đoàn Tokyo Style (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 21 triệu USD đã tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều người dân địa phương và góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Bên cạnh công tác xúc tiến đầu tư để kêu gọi các DN đầu tư phát triển lĩnh vực dệt may, những năm trở lại đây, Ban quản lý các KCN, đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức các sàn giao dịch việc làm đầu năm tại các KCN, thu hút con em đi làm ăn xa về quê ăn Tết ở lại quê hương làm việc. Thông qua các sàn giao dịch này, mỗi năm có khoảng 1 ngàn lao động đi làm ăn xa trở về quê làm việc đoàn tụ với gia đình.

Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top