ClockThứ Năm, 30/10/2014 04:43

Khi nông dân học nghề

TTH - 70% lao động nông thôn được đào tạo nghề phi nông nghiệp, trong đó, có trên 60% lao động học nghề may và làm việc tại các nhà máy. Thu nhập ổn định, quyền lợi được đảm bảo; tuy nhiên, lao động nông thôn thiếu tác phong công nghiệp, bỏ việc giữa chừng khiến cả dây chuyền trong nhà máy lao đao.

Gắn với quyền lợi thiết thân

Trong số 18.000 lao động được đào tạo trong vòng 4 năm, có đến 70% lao động học nghề phi nông nghiệp. Ví như, nam giới thích học nghề nề hoàn thiện, bởi lẽ, các nhà thầu ngày càng khắt khe trong tuyển dụng lao động. Còn phụ nữ thích chọn nghề chế biến món ăn, học xong có thể làm việc ở các nhà hàng, nấu đám cưới, hay làm cấp dưỡng ở các nhà trẻ. Chị Lê Thị Song (Hương Chữ, Hương Trà) bộc bạch: “Trước đây, tôi ở nhà nội trợ, cuộc sống khó khăn, nhất là con đang tuổi ăn, tuổi học. Sau khi học lớp chế biến món ăn, tôi mở một quán ăn nhỏ để có thu nhập ổn định”.
Phụ nữ nông thôn thích học nghề kỹ thuật chế biến món ăn.
Trong các nghề phi nông nghiệp, nghề may hiện vẫn chiếm ưu thế trên thị trường lao động. Trong 4 năm, có đến 10.000 lao động được đào tạo nghề may và vào làm việc tại các nhà máy trong tỉnh. Các trung tâm, trường nghề khi xây dựng chương trình đào tạo đều ký kết hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp. Theo anh Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Vinatel (Hương Trà), doanh nghiệp phối hợp với các trung tâm tuyển sinh và bố trí kỹ thuật hướng dẫn cho học viên làm quen quy trình sản xuất của công ty, tạo điều kiện cho họ rèn luyện tay nghề. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp kiểm tra tay nghề và nhận những học viên đủ tuổi, đạt yêu cầu vào làm việc tại công ty”.
Mô hình đào tạo nghề gắn với vùng chuyên canh và nghề truyền thống thu hút lao động nông thôn, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng rau sạch tại xã Quảng Thành (Quảng Điền). Cụ thể, hợp tác xã Kim Thành xây dựng mô hình trồng rau sạch, chủ yếu là xà lách, cải bẹ, rau mùi, ngò tsưây, mồng tơi, rau dền… Nhiều hộ nông dân thu lãi từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Nghề trồng nấm rơm giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định. Các trường nghề đã tổ chức hàng chục khoá đào tạo nghề trồng nấm rơm cho lao động nông thôn thuộc các huyện Phong Điền, Hương Trà và Phú Vang. Ngoài ra, lao động nông thôn được học qua các lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su, chăn nuôi…
Thiếu tác phong công nghiệp
Vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là khi nông dân vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH đánh giá: Lao động thiếu tác phong công nghiệp, cứ viện đủ lý do để đi đám cưới, đám ma, đám giỗ… khiến cho cả dây chuyền cũng phải nghỉ theo. Đặc biệt, lao động ở các huyện miền núi thường bỏ việc giữa chừng vì… nhớ nhà. Trong chương trình đào nghề cho lao động nông thôn, các trung tâm dạy nghề đã xây dựng chương trình dài hơi hơn để trang bị kiến thức, tác phong công nghiệp, nguyên tắc làm việc nhóm cho lao động.
Doanh nghiệp cho rằng, giáo viên dạy nghề cần chia sẻ, am hiểu thực tế, gắn bó với nông dân. Nhà trường, cần phải có chương trình giảng dạy phù hợp với đối tượng hạn chế, sản xuất theo kinh nghiệm là chủ yếu. Thay vì cách học hàn lâm, nặng lý thuyết, các cơ sở đào tạo nên chú trọng đến thực hành, cầm tay chỉ việc, đào tạo ngay tại thôn, bản, ngay trên ruộng đồng với đội ngũ giáo viên là những chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư. Đối với những người có trình độ học vấn thấp, họ có thể theo học các khoá dạy nghề ngắn hạn. Ngược lại, những người có đủ điều kiện có thể theo các khoá học nghề ở trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề. Hơn nữa, phải khảo sát đặc điểm và thói quen canh tác của người nông dân ở các vùng miền khác nhau để có thể có các hình thức đào tạo phù hợp.
Nói cách khác, dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là vấn đề cốt lõi đối với dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với nhóm lao động cần phải chuyển sang làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, công nghiệp. Quá trình đào tạo nghề rất cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất để họ một mặt tham gia vào quá trình đào tạo; mặt khác có thể tạo cơ hội cho người học được tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp từ khi còn học và sau khi học nghề xong là có thể làm việc được ngay với nghề nghiệp của mình.
Bài và ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

TIN MỚI

Return to top