ClockThứ Tư, 27/08/2014 05:00

Khó khăn vẫn là mặt bằng

TTH - Nếu không có biện pháp kịp thời, không chỉ việc thi công đường Điện Biên Phủ (TP Huế) khó đảm bảo tiến độ hoàn thành vào 2015 như dự kiến, mà còn gây ra sự lãng phí lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Lấp tạm miệng hố bằng cát mịn sẽ khó đảm bảo an toàn giao thông

Con sâu làm rầu nồi canh

Khó khăn và tồn tại lớn nhất hiện vẫn là những vướng mắc trong công tác đền bù, giải tỏa khiến việc bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công muộn hơn dự định. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc thi công hệ thống thoát nước tại khe Ông Doãn (đoạn từ số nhà 176 đến 192 Điện Biên Phủ). Hiện đơn vị thi công đã đào cống có chiều sâu hố móng hơn 4,5m, rộng khoảng 6m chiếm khoảng ½ lòng đường. Nếu thuận lợi, đơn vị thi công có thể đục đường để thi công tuyến ống nối ra khe Ông Doãn và lắp cống thoát nước cho toàn tuyến Điện Biên Phủ. Song, do còn vướng một số hộ dân chưa giải tỏa được nên Công ty CP Kinh doanh Nhà Thừa Thiên Huế phải lấp cát tạm thời để trả mặt đường. Theo một cán bộ giám sát thi công tại hiện trường, nếu nút thắt ở khe Ông Doãn không sớm được tháo gỡ thì toàn bộ tuyến đường Điện Biên Phủ sẽ bị “tắc”.
Có nhiều nguyên nhân khiến 3 hộ dân sống quanh khe Ông Doãn chưa chịu nhận tiền đền bù, giải tỏa, mà một trong những nguyên nhân chính là do giá đền bù chưa thỏa đáng. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã có buổi kiểm tra khảo sát hiện trường và ban hành văn bản chỉ đạo bổ sung các thủ tục cần thiết để tiến hành đền bù, giải tỏa, đề xuất các trường hợp bố trí tái định cư, đối thoại, thuyết phục dân... Song, theo như ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác giải tỏa đền bù, là dù đã “xuống nước”, với các giải pháp hết sức thiện chí mềm dẻo, như gặp trực tiếp để đối thoại thay vì mời bằng văn bản, thậm chí cả năn nỉ, tạo điều kiện làm việc, gặp gỡ kể cả ngày nghỉ, ban đêm..., nhưng một số hộ dân vẫn không hợp tác. Ông Nguyễn Anh Tuấn còn cho biết thêm, có trường hợp, dù không tái định cư, nhưng đơn vị cũng đã tính đến phương án bố trí thêm quỹ đất tái định cư nếu dân đồng thuận giải tỏa. Thế nhưng, các hộ này vẫn cương quyết không hợp tác.
“Theo quy định mới, Nhà nước có quyền cưỡng chế kể cả khi dân còn khiếu kiện. Do đó, với các trường hợp này, chúng tôi buộc phải làm đúng theo các quy định của Nhà nước, tức là phải cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai đúng tiến độ”, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế nói về giải pháp đối với các hộ không chấp hành chủ trương giải tỏa, đền bù.
 
Nên vì lợi ích chung
Do việc thi công chậm tiến độ và kéo dài nên việc lưu thông, đi lại của người dân bị ảnh hưởng. Tại tuyến đường này, thời gian gần đây xảy ra một số vụ tai nạn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi triển khai các gói thầu xây phục vụ việc mở rộng đường Điện Biên Phủ, cơ quan chức năng đã có thông báo phân luồng tuyến giao thông. Theo đó, xe dưới 30 chỗ ngồi được lưu thông đoạn từ Sư Liễu Quán qua Phan Bội Châu để lên Nam Giao. Riêng đoạn từ Sư Liễu Quán đến Nam Giao ở đường Điện Biên Phủ chỉ cho phép xe dưới 9 chỗ lưu thông. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người tham gia giao thông không chấp hành quy định này, nên thường xuyên gây ách tắt giao thông, nhất là vào giờ cao điểm và tránh tàu. Hơn nữa, do đang trong quá trình thi công nên các đơn vị, nhà thầu tập kết vật liệu, máy móc, kể cả con người với số lượng khá lớn cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc lưu thông tại đường Điện Biên Phủ.
Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý dự án cải thiện môi trường nước, chủ đầu tư dự án thoát nước tại đường Điện Biên Phủ cho hay, nhiều khi thấy người dân vi phạm, nhất là chủ các phương tiện ô tô lưu thông không đúng quy định, nhưng anh em công nhân không thể ra hiệu lệnh điều tiết, có điều tiết người tham gia giao thông cũng không nghe. Do đó, các đơn vị thi công mong có sự hợp tác nhiều hơn từ phía cảnh sát giao thông, nhằm đảm bảo việc lưu thông của người dân được thuận tiện hơn. Riêng việc cắm biển báo khu vực đang thi công thì hầu như các đơn vị thi công chấp hành khá tốt.
Ông Nguyễn Đình Cáng, Giám đốc Ban đầu tư và Xây dựng TP Huế, chủ đầu tư dự án chỉnh trang, mở rộng đường Điện Biên Phủ cho rằng, quan trọng là các đơn vị giải tỏa đền bù, thi công cấp, thoát nước triển khai hiệu quả, còn việc thi công phần chính tuyến đường, vỉa hè không mất nhiều thời gian. Do đó, nếu trong năm nay, các đơn vị liên quan bàn giao hoàn toàn mặt bằng thì không lo công trình sẽ không đạt tiến độ trong năm 2015. Chủ đầu tư cũng thường xuyên kiểm tra đốc thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, nhất là khi mùa mưa bão gần kề.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

TIN MỚI

Return to top