ClockThứ Hai, 17/08/2015 16:34

Khó vì vướng tài sản

TTH - Tình trạng nhiều dự án xây dựng nhà máy sản xuất rồi ngưng hoạt động trong thời gian dài tại các khu công nghiệp (KCN) đã ảnh hưởng đến mỹ quan, công tác thu hút đầu tư và lãng phí quỹ đất. Song, do chưa có quy định cụ thể và đa số các dự án đều có tài sản trên đất nên việc xử lý đang gặp khó.

Dự án của Công ty TNHH Sản xuất công nghiệp TM-DV Giahu mặc dù đã chuyển sang cho Công ty MDF Ý Mỹ vẫn chưa khởi động

 

Tiến thoái lưỡng nan

Nằm trên tuyến đường số 1 dẫn vào KCN, nhiều dự án mặc dù được đầu tư khá quy mô với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, song vẫn ngưng hoạt động. Bên trong bức tường rào kiên cố xuống cấp và chiếc cổng sắt rỉ rét là các công trình hoang phế, cỏ mọc um tùm. Bên ngoài, những tấm bảng hiệu mang tên các nhà đầu tư đã ủ màu và các bảng chữ bị bóc tách từng lớp gây phản cảm và làm nản lòng các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào KCN. Tuy nhiên, do các dự án ngưng hoạt động đều dính tài sản trên đất nên việc thu đất gặp không ít khó khăn. 
Năm 2005, Công ty CP Cơ khí Ô tô Thống nhất được Ban quản lý các KCN tỉnh cấp giấy phép đầu tư dự án nhà máy sản xuất cơ khí tại KCN Phú Bài với diện tích 5,66 ha. Sau khi cấp phép, DN triển khai xây dựng một số hạng mục như tường rào, đường nội bộ, nhà xưởng và trụ sở văn phòng làm việc. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, thị trường ô tô nội không mấy khả quan nên DN không thể tiếp tục đầu tư. Gần 10 năm nay, khuôn viên nhà xưởng trở thành bãi đất hoang; các hạng mục công trình đang xuống cấp và hư hỏng. Mặc dù không sử dụng để sản xuất kinh doanh, song mỗi năm DN phải trả tiền thuê đất và hạ tầng 300 triệu đồng; từ năm 2016 trở đi, khi hết thời hạn ưu đãi giá thuê đất theo quy định của Chính phủ, DN phải trả gấp đôi, tức là 600 triệu đồng/năm. Dù vậy, nhưng DN vẫn không chịu trả lại dự án và diện tích đất bỏ hoang cho công ty hạ tầng.
Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Ô tô Thống nhất - ông Nguyễn Văn Quang cho rằng: “Chủ trương của công ty là sau khi ổn định sản xuất ở địa bàn TP Huế, DN sẽ mở rộng và phát triển thêm xưởng sản xuất tại KCN Phú Bài nên mới đầu tư dự án. Song, do khó khăn về vốn nên đến nay dự án vẫn chưa hoàn chỉnh. Theo chủ trương của UBND TP Huế đến năm 2018 sẽ di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi địa bàn TP nên hiện chúng tôi chưa thể trả lại đất và chấp nhận trả tiền thuê đất hằng năm để chờ đến thời hạn di dời và sẽ tập trung đầu tư trở lại.” 
Nan giải nhất là dự án sản xuất nhà lắp ghép dành cho các vùng bị thiên của Công ty TNHH Quốc tế Việt Nam khởi công từ năm 2006 và hoạt động đến năm 2007 thì đóng cửa, do sản phẩm không tiêu thụ được. Từ đó đến nay, BQL các KCN cũng như Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng KCN không những không lthu được tiền thuê đất và hạ tầng KCN mà còn chẳng liên lạc được với chủ đầu tư. Sau nhiều lần nhờ đại sứ quán các nước tra cứu danh sách DN thì được biết, không có tên DN nào ở các nước sở tại giống với tên chủ đầu tư đăng ký tại đây. Hiện, công ty hạ tầng đang gửi đơn ra tòa để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản trên đất mà DN đã đầu tư để lấy lại quỹ đất giao cho các nhà đầu tư mới. Ngoài ra, các dự án ở KCN La Sơn, Phong Điền cũng đang trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì nặng” và hậu quả là hàng chục ha đất đang bỏ hoang.   
Cần xử lý triệt để

Nhiều dự án ngưng hoạt động ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan tại KCN Phú Bài

 
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án có tài sản trên đất ngưng hoạt động, trong đó KCN Phú Bài có 7 dự án, Phong Điền 1 và La Sơn 1, với tổng diện tích gần 20 ha. Đó là dự án sản xuất nhà lắp ghép của Công ty TNHH Quốc tế Kugler, sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty CP Thế kỷ mới, sản xuất cơ khí của Công ty TNHH SX TMDV Kim Nguyên, nhà máy sản xuất ván nhân tạo của Công ty MDF Ý Mỹ, nhà máy sodium silicat Khamiguco của Công ty TNHH MTV KS & ĐT Khánh Hòa, nhà máy xỉ titan La Sơn của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế… 
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển hạ tầng KCN- ông Nguyễn Hữu Qúy cho rằng: “Vấn đề khó khăn ở đây là do đa số các dự án ngưng hoạt động đều dính tài sản trên đất nên chúng tôi không thể thu hồi đất. Ngoài việc lãng phí quỹ đất hiện DN đang gặp khó khăn bởi do không liên lạc được với các chủ đầu tư nên nhiều năm nay, 3 DN là Công ty TNHH Quốc tế Kugler, Công ty CP Thế kỷ mới và Công ty CP sản xuất vật liệu số 7 không trả tiền thuê mặt bằng. Hiện, công ty đang gửi đơn đến tòa án để giải quyết các trường hợp này, đồng thời yêu cầu các DN còn lại phải nhanh chóng thanh lý tài sản, trả lại quỹ đất giao cho các nhà đầu tư có nhu cầu”.
Nói về việc xử lý các dự án ngưng hoạt động tại các KCN, Phó Trưởng ban BQL các KCN tỉnh- ông Hoàng Việt Cường cho rằng: “Do chưa có quy định cụ thể về chế tài xứ lý đối với các dự án ngưng hoạt động tại các KCN nên rất khó khăn trong việc thu hồi đất để chuyển giao cho các chủ đầu tư mới. Mặt khác, do đa số các dự án này đều có tài sản trên đất, các chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng hoặc các công trình với tổng mức đầu tư khá lớn nên rất khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm cũng như thu hồi giấy phép đầu tư. Hiện, Ban Quản lý đang đặt vấn đề với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị bộ có văn bản xử lý triệt để các dự án ngưng hoạt động nhằm đảm bảo mỹ quan cũng như bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư có tiềm lực”.
Đến thời điểm này, 6 KCN thu hút 95 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tổng vốn đăng ký chiếm trên 20 ngàn tỷ đồng.
 
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top