ClockChủ Nhật, 07/05/2017 12:50

Không phải đến hẹn... lại chơi

TTH - Năm ngày hội hè tràn ngập niềm vui của Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã khép lại trong sự tiếc nuối của nhiều người.

Để “chơi” cho hết 40 làng nghề truyền thống tiêu biểu trên khắp ba miền, du khách phải mất ít nhất 6 tháng liên tục vừa đi vừa ngắm, nhưng chỉ cần 5 ngày đến Festival Nghề truyền thống Huế, là có thể trải nghiệm toàn cảnh làng nghề Việt Nam. Vì lẽ đó, ai cũng muốn hội hè kéo dài thêm vài ngày nữa, để được nhìn ngắm, mua sắm cho thỏa thích. Với nghệ nhân và các làng nghề, đây là cơ hội hiếm hoi để được trổ hết tài nghệ nhằm quảng bá với du khách thập phương về tinh hoa nghề truyền thống của mình.

Nhiều du khách cho biết nhờ lễ hội này mà họ mới được xem tận mắt kỹ thuật dệt thổ cẩm từ sợi lanh và vẽ hoa văn bằng sáp ong của người H’Mông Lùng Tám - Hà Giang; xem kỹ thuật dệt lụa tơ tằm của vùng châu thổ Thái Bình khác thế nào với dệt lụa tơ tằm của Hội An. Đặc biệt là những sản phẩm thủ công được làm một cách công phu, tinh xảo, vừa đẹp vừa sang, như tranh pháp lam của Huế, tranh thêu XQ, gốm sứ Bát Tràng... Gặp nghệ nhân Thân Văn Huy ở gian trưng bày hoa giấy Thanh Tiên, anh nói mấy ngày này cảm thấy tự hào về cái nghề của mình lắm, cái nghề mà đã có một thời cứ tưởng khó tồn tại được lâu. “Mỗi kỳ festival là một cuộc thi thố, nên ai cũng phải chuẩn bị món hàng ưng ý nhất để đưa ra trưng bày. Vì vậy, sau mỗi lần gặp lại, tôi đi quanh một vòng các gian hàng và thấy rõ ràng là mẫu mã mới hơn, kỹ thuật chế tác đã tinh hơn” - nghệ nhân Huy nói. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, trước festival, chị đã đi đến nhiều làng nghề trong cả nước và nhận thấy nghệ nhân rất háo hức mong chờ về dự Festival Nghề truyền thống ở Huế.

Có thể nói Festival Nghề truyền thống Huế đã thật sự là nơi hội tụ tinh hoa nghề Việt. Ông Nguyễn Đăng Thạnh - Phó Chủ tịch UBND TP. Huế kiêm Phó ban Thường trực Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 - chia sẻ: “Có nhiều kỳ vọng đặt ra và chúng tôi phải nỗ lực thực hiện. Nhưng thật lòng, chúng tôi chỉ mong sao sau festival, nghệ nhân trở về với một niềm tin rằng nghề của mình không thể mất”.

Để cho nghề truyền thống được tiền nhân duy trì qua hàng trăm năm và đã khẳng định là một giá trị Việt không thể mất, thì phải làm cho nó sống bền vững bằng chính giá trị đặc sắc của nó. Nói như nhà thiết kế Minh Hạnh là: festival không chỉ để vui chơi! Vui chơi trong mấy ngày hội hè, nhưng sau đó nó phải mang lại nhiều lợi ích hơn cho nghệ nhân, cho làng nghề, cho cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm nghề truyền thống. Hay nói một cách đơn giản: người thợ thủ công phải sống được bằng nghề của họ!

Trong các mục tiêu mà ban tổ chức đặt ra cho Festival Nghề truyền thống, có nhấn mạnh đến nguồn lực của cộng đồng. Theo đó, festival thực chất là sản phẩm văn hóa và kinh doanh của cộng đồng, vì vậy phải thu hút sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng theo hướng “xã hội hóa và công chúng hóa”.  Nhưng, nguồn lực của cộng đồng thôi chưa đủ, cần phải đi liền với những chính sách của Nhà nước, và cần nhất là một chiến lược phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch. Một chiến lược mang tầm quốc gia, vì đây là nghề truyền thống Việt, chứ không phải của riêng TP. Huế!

Chỉ như vậy thì nghề truyền thống mới thật sự tồn tại và phát triển một cách bền vững, chứ không phải chỉ vài ngày hội hè vui chơi thi thố thỏa thích, rồi trở về làng và chờ đến hẹn lại... chơi.

MINH TỰ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới
Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

Chiều 14/3, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh do Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động và nói chuyện truyền thống với 115 chiến sĩ mới (CSM) đang được huấn luyện tại đơn vị.

Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới
Return to top