ClockThứ Năm, 03/05/2012 04:13

Khuyến mại và “chảnh”

TTH - Những tưởng sau khi xăng dầu tăng giá ở mức cao, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải sẽ điều chỉnh giá cước và khởi đầu cho một “cuộc đua” tăng giá của nhiều sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Vậy nhưng với những gì đang diễn ra cho thấy, không ít người đã... nhầm to. Quả là một tin vui, một tính toán có tình, có lý... khi nhiều DN vận tải trên địa bàn tỉnh quyết định không tăng giá cước và tạm thời nhận phần thua thiệt về phía mình. Động thái này không chỉ giải toả tâm lý cho hành khách mà còn góp phần tích cực trong việc giảm sức ép tăng giá thường thấy mỗi khi giá xăng dầu, vận tải... có biến động. 

Trong kinh doanh vận tải, giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí tăng. Các DN vận tải hành khách phải tăng giá vé khoảng 10% mới có lãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu tăng giá vé, có nguy cơ lượng khách sẽ giảm. Vậy nên, tạm thời DN chấp nhận bù lỗ cho chủ xe và dành phần thuận lợi cho hành khách. Tương tự, các hãng taxi cũng quyết định chưa tăng mức cước, dù rằng theo mức tăng của giá xăng, họ có thể được phép tăng cước 15% so với mức cũ. 

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, thu nhập eo hẹp, nhiều người tiêu dùng chọn phương thức “thắt lưng buộc bụng” để vượt khó. Kết quả là nhu cầu tiêu dùng suy giảm đến mức kỷ lục; hoạt động sản xuất và lưu thông chững lại... Trong bối cảnh đó, việc chấp nhận bù lỗ của các DN vận tải để dành phần thuận lợi cho khách hàng được xem là cách khuyến mại thiết thực, đúng lúc. Hiện nay, không chỉ các DN vận tải mà nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh cũng đang “rầm rộ” khuyến mại. Không ít DN chấp nhận giảm giá từ 5 đến 50% để bán hoà vốn, bán lỗ nhằm giải phóng hàng tồn kho và thu hồi vốn đọng. Lỗ ít còn hơn lỗ nhiều. Bán tống, bán tháo để thu hồi vốn nhanh còn hơn “ngâm hàng” trong kho để nhìn nó ngày càng mất giá... Đó là những cách lựa chọn khôn khéo và có lợi cho nền kinh tế.
 
Trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, ở các thời điểm nền kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, hoặc vào các mùa vắng du khách, nhiều DN thường tăng cường quảng bá và mở các chiến dịch khuyến mại, giảm giá... để thu hút khách. Còn ở Huế, nhiều DN ngành du lịch chẳng mấy quan tâm đến hoạt động quảng bá và vẫn “làm cao” ngay cả trong “mùa ế ẩm”. Không quá lời khi ai đó nói rằng nhiều DN du lịch ở Huế... quá “chảnh”!?
 
Quan sát thị trường mới thấy, với dịch vụ lưu trú, chủ khách sạn chẳng thu được gì và có thể nói là “lỗ trắng” khi các phòng trọ bỏ không. Bởi phòng trọ không có “giá trị tồn kho”; trong khi đó, các chi phí về khấu hao, lương nhân viên phục vụ... đều phải trả. Thực ra, trong kinh doanh khách sạn, chủ DN có thể hoà vốn, hoặc chịu lỗ khi giảm giá phòng; nhưng ngược lại, họ có thêm nguồn thu và có lãi từ các dịch vụ có liên quan thông qua nhu cầu đi lại, ăn uống giải khát, mua quà lưu niệm, tham quan, giải trí... của du khách. Như cách tính của các DN kinh doanh vận tải nói trên, trong làm ăn phải có cách nhìn thông thoáng và có khi phải chịu thiệt nhất thời. Bởi xét cho cùng, đó cũng là một cách đầu tư.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top