ClockThứ Ba, 29/03/2016 19:08
ĐỐI THOẠI HẢI QUAN-DOANH NGHIỆP:

“Không thể mở miệng là xử phạt!”

TTH - Buổi đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) với Cục Hải quan Thừa Thiên Huế tổ chức sáng 29/3 được đánh giá khá thiết thực. Các câu hỏi được trả lời cụ thể, song vẫn còn nhiều DN chưa hài lòng với cách trả lời còn nặng tính văn bản của các phòng chuyên môn.

Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát huy tối đa năng lựcTìm cách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Cải cách thủ tục hành chính và thay đổi tích cực tác phong, thái độ làm việc của cán bộ hải quan sẽ làm hài lòng doanh nghiệp 

Chưa hài lòng

Mở đầu buổi đối thoại, Cục trưởng Cục Hải quan Hoàng Văn Hiển cho rằng, trước kia, DN là “đối tượng” nhưng bây giờ là đối tác của hải quan. Hải quan muốn tốt cần có sự hỗ trợ của DN.

Được lời như cởi tấm lòng, khá nhiều DN dù đã gửi câu hỏi cho Ban tổ chức, song vẫn muốn được nói tại hội trường để nghe câu trả lời trực tiếp.

Đại diện Công ty CP Dệt may Huế đặt câu hỏi: “Nhập một lô vải, có hóa đơn rõ ràng, song không đáp ứng nhu cầu của bên đặt hàng, chúng tôi phải tiêu hủy. Thế nhưng, tiêu hủy cũng phải đóng thuế, chúng tôi thấy như thế là chưa hợp lý. Nếu hoàn trả lô hàng mà nhận được số tiền bằng tiền nộp thuế, chúng tôi sẵn sàng trả để Nhà nước có nguồn thu thuế. Song, hoàn trả chúng tôi phải tốn quá nhiều chi phí nên chúng tôi buộc phải tiêu hủy. Đề nghị hải quan tháo gỡ vấn đề này, giúp DN thuận tiện hơn trong việc xử lý lô hàng trên”.

Doanh nghiệp nêu ý kiến tại buổi đối thoại

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Phòng nghiệp vụ Cục Hải quan tỉnh cho hay, theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, phải tiến hành việc kiểm tra hàm lượng trong lô hàng đánh giá tác động đến môi trường. Ngành hải quan có thể linh hoạt, song, ngành khoa học công nghệ đã có quy định cụ thể, hải quan không thể làm khác.

Chưa bằng lòng với cách trả lời đó, ông Phạm Hồng Sơn, cũng đến từ Công ty CP Dệt may Huế cho rằng, công ty sẽ đóng thuế môi trường nếu có tác động, ảnh hưởng. Song, ông Thành bác bỏ ý kiến này vì cho rằng như vậy là sai với quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đối với vấn đề tờ khai thông tin hải quan bị treo trên hệ thống của Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế (HBI), lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan tỉnh trả lời, đó là trách nhiệm của các chi cục, mà cụ thể là của Chi cục Hải quan Thủy An. Theo quy định, trong vòng 1 giờ đồng hồ, nếu hệ thống hải quan điện tử bị lỗi mạng, không nhận tờ khai, chi cục trưởng có trách nhiệm thông báo, yêu cầu DN làm tờ khai thủ công và đến nộp tại các chi cục liên quan.

Còn nặng văn bản

Đại diện Công ty CP Dệt may Huế thẳng thắn: “Nếu ngành hải quan cứ trả lời theo thông tư này, văn bản nọ, việc xử lý vấn đề sẽ khó linh động. Có những vấn đề cần chặt chẽ thì nên chặt chẽ, còn không cũng nên linh hoạt, tạo điều kiện cho DN. Cứ chặt chẽ theo kiểu trói DN như thế, chúng tôi làm sao có thể cạnh tranh với các DN trong khối ASEAN khi Việt Nam gia nhập TPP”.

Trải lòng của DN nhận được sự đồng tình của hội trường và nhất là lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh. Ông Hoàng Văn Hiển nói rằng, ông cảm thấy cách trả lời của các phòng ban trực thuộc vẫn còn cứng nhắc, nặng văn bản, chưa thật sự xem DN là đối tác. “Câu đầu tiên trả lời là phạt, nghe rất phản cảm. Chúng ta không thể cứ mở miệng ra là xử phạt DN mà cần nhìn nhận trên cương vị của DN để có hướng dẫn trả lời cụ thể hơn. Vấn đề nào còn vướng mắc thì kiến nghị lên cấp trên giúp DN tháo gỡ. Không thể một phạt, hai phạt như thế được”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, với các vấn đề DN nêu, ngành sẽ có giải đáp cụ thể. Nếu còn vướng mắc, DN có thể trực tiếp gửi câu hỏi, gọi điện qua đường dây nóng… “Ngành hải quan sẵn sàng lắng nghe và giải đáp tất cả tâm tư, nguyện vọng thắc mắc của DN. Chúng tôi nhận thức rằng, không phải vấn đề gì cán bộ hải quan cũng biết, do đó, cần có thông tin, chia sẻ từ phía người dân, DN để chúng tôi thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Đó cũng là cách chúng tôi nâng cao chỉ số xếp hạng hải quan năm nay”.

Nói về chỉ số xếp loại của hải quan năm 2015, khi Thừa Thiên Huế nằm trong “Top” 10 các tỉnh, thành phố có chi phí hải quan không chính thức cao nhất cả nước, ông Hiển cảm thấy rất buồn dù ông mới nhận nhiệm vụ cách đó vài tháng. Vì thế, lãnh đạo, CB-CC-VC ngành hải quan đặt ra quyết tâm sẽ thực hiện tốt hơn để nâng cao chỉ số xếp loại, ít nhất cũng được mức trung bình cộng. Giải pháp mà lãnh đạo Cục Hải quan Thừa Thiên Huế nêu để nâng cao chỉ số xếp loại, ngoài đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh hơn hải quan điện tử, căn cơ nhất đó là thay đổi cơ bản tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ hải quan.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Return to top