Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao (hàng trước, thứ 3, phải qua) kiểm tra, khảo sát một số dự án ở Chân Mây-Lăng Cô
Nhiều tiềm năng
Thế mạnh đầu tiên của Huế, có thể nhắc đến và gọi tên đó là hệ thống các di sản, di tích đã được UNESCO công nhận. Nhiều hãng lữ hành, doanh nghiệp du lịch đã ăn nên làm ra, nhờ biết cách khai thác tốt các giá trị lịch sử, văn hóa của hệ thống các di tích, di sản này, thông qua việc tổ chức, kết nối tour tuyến. Thế nhưng, vẫn còn đó khá nhiều danh lam, thắng cảnh, những mô hình du lịch mới, như homestay, du lịch tâm linh, sinh thái, du lịch kết hợp khám chữa bệnh… đang còn đợi những doanh nghiệp có tầm đến đầu tư, khai phá, khi mà Huế mang trong mình khá nhiều đặc sản, là hệ thống các nhà vườn xưa luôn được gìn giữ và chăm sóc, là bệnh viện mang tầm quốc gia, khu vực với những thành tựu y học nổi bật đã được thế giới công nhận, là “kinh đô” Phật giáo của cả nước…
Hệ sinh thái vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, với những vùng đất đẹp “như tranh họa đồ” nhưng chưa được đánh thức. Vùng cửa biển Tư Hiền, có núi, có sông, di tích lịch sử, cùng với ghềnh đá tự nhiên được sắp lớp dọc theo bờ biển, tạo nên vẻ đẹp tự nhiên hiếm có. Vì thế, không có gì hợp lý hơn, nếu đầu tư ở đây khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các dịch vụ du lịch cao cấp, sân golf…
Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, có thể đáp ứng nhu cầu mở thêm các chuyến bay mới, từ Huế đi các nước trong khu vực châu Á và châu Âu, song hiện nay, dù tỉnh đã cố gắng, nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư, nhưng vẫn chưa nhận được những cái “gật đầu” đồng ý.
Nhà máy sản xuất bánh gạo Nhật Bản tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đi vào hoạt động hiệu quả
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cảng nước sâu Chân Mây, với độ sâu tự nhiên 14m, vùng có độ sâu lớn hơn 10m chiếm 40% diện tích. Cửa vịnh rộng 7 km, có thể tiếp nhận các tàu trọng tải đến 50.000 DWT, phục vụ giao lưu, tiếp chuyển hàng hoá quá cảnh của Lào, Campuchia và miền Trung Thái Lan. Cảng nước sâu Chân Mây cũng đã đón khá nhiều tàu du lịch lớn trên thế giới đến Huế tham quan, nghỉ dưỡng. Tiềm năng, lợi thế lớn, cộng với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được đầu tư hạ tầng điện đường bài bản, nơi đây vẫn còn khá nhiều khu đất trống đang đợi nhà đầu tư lấp đầy.
Ngay tại địa bàn TP. Huế, hiện có khá nhiều “khu đất vàng”, dù hạ tầng đã đầy đủ, có dự án còn đầu tư xong phần thô, có khu đất trống, ở những vị trí mặt tiền đắc địa, các ngã tư Hà Nội-Lý Thường Kiệt, Lê Lợi-Hà Nội, Đống Đa-Lý Thường Kiệt…, thuận tiện cho việc kinh doanh các loại hình thương mại dịch vụ, như khách sạn, trung tâm thương mại,…, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư mới. Hay như dự án đầu tư Khu dịch vụ du lịch cao cấp Cồn Hến, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết vẫn đang kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, còn khá nhiều dự án, tỉnh đã thu hồi có vị trí khá đẹp, kể cả ở trung tâm TP. Huế, Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Khu công nghiệp Phong Điền… cũng đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư.
Cam kết điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
Theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 diễn ra ngày 8/8, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, hạ tầng, công nghiệp và các dự án phát triển thương mại. Cụ thể, các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư gồm, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển, đầm phá từ Phong Điền đến Phú Lộc, trong đó ưu tiên đầu tư tại Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Về công nghiệp, ưu tiên dự án đầu tư hạ tầng giao thông đối ngoại, như nhà ga quốc tế, đường giao thông kết nối, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, chế biến sâu cát trắng…
|
Chủ trương này đã được lãnh đạo tỉnh biến thành hành động, bằng việc thành lập tổ giúp việc, ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, thực hiện “Năm doanh nghiệp”...
Thời gian qua, tổ giúp việc đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực, giúp các nhà đầu tư tiếp cận các thủ tục hành chính, đất đai nhanh chóng. Có thể kể đến các dự án nhờ “bàn tay” của tổ giúp việc đã nhanh chóng triển khai, như Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom và Khách sạn 5 sao Hùng Vương do Vingroup làm chủ đầu tư, dự án siêu thị Nguyễn Kim…
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Thừa Thiên Huế tổ chức hồi đầu tháng 7 năm nay, khá nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tại Huế, như Tập đoàn Banyan Tree, Scavi… đánh giá cao sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương liên quan, nhất là về các thủ tục pháp lý. Các vướng mắc đều được tổ giúp việc tháo gỡ theo hướng thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thiên Định, thành viên của tổ giúp việc thông tin, các dự án đầu tư vào Thừa Thiên Huế, đều được tổ giúp việc gần như làm thay tất cả các thủ tục cho doanh nghiệp. Các chỉnh sửa đều được gửi qua mail, fax để doanh nghiệp đỡ chi phí đi lại. Điều này được doanh nghiệp đánh giá cao và khẳng định, chưa có nơi nào thủ tục đầu tư thuận lợi như vùng đất Cố đô Huế.
Giai đoạn 2011-2015, Thừa Thiên Huế đã kêu gọi và cấp phép cho 100 dự án đầu tư, chiếm hơn 20% tổng số dự án, với tổng vốn đăng ký 31.000 tỷ đồng, chiếm 30,6% tổng vốn đăng ký đầu tư. Trong đó, có 35 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 758 triệu USD, tương đương 15.160 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng vốn đăng ký.
|
Mới đây, trong buổi tiếp và ký kết thỏa thuận hợp tác với quận Dongnae, TP. Busan (Hàn Quốc), Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành khẳng định, nếu doanh nghiệp đến Huế đầu tư, lãnh đạo TP. Huế sẽ chỉ đạo các phòng, ban, địa phương trực thuộc, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời, xem xét ưu tiên, hỗ trợ một số cơ chế, chính sách để doanh nghiệp triển khai dự án hiệu quả.
Tinh thần này trước đó cũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Thừa Thiên Huế, được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh và khẳng định. Ngoài những quy định của pháp luật, nếu có thể vận dụng, Thừa Thiên Huế sẽ lựa chọn giải pháp có lợi nhất cho nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Cao còn cung cấp số điện thoại, hộp thư điện tử để tiếp nhận tất cả các phản ánh của doanh nghiệp, với mong muốn xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi và tốt nhất.
Bài, ảnh: TÂM HUỆ