ClockThứ Năm, 25/07/2024 11:49

"Thiên thời, địa lợi, nhân hoà" trong thu hút đầu tư - Bài 2: Xem nhà đầu tư là “người nhà”

TTH - Không thể phủ nhận hoạt động xúc tiến đầu tư đang có những bước tiến lớn trong thời gian gần đây, song, hoạt động xúc tiến đầu tư cũng cần có những điều chỉnh phù hợp hơn với quy hoạch và những định hướng phát triển của tỉnh.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong thu hút đầu tư - Bài 1: Điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư

 Tăng cơ hội tiếp cận doanh nghiệp thông qua các cuộc gặp gỡ

Xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư rõ ràng

Theo kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2024, thời gian tới Thừa Thiên Huế tập trung kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực phục vụ công tác xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54. Ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ...

Thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực nhằm hình thành và phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm logistics; phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghiệp cao; phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan, khu đô thị, hạ tầng cảng biển. Hướng đến mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Thừa Thiên Huế cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 4 vị trí quan trọng, bao gồm: Khu đô thị mới An Vân Dương, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các vùng ven biển và đầm phá trải dài từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc, các khu công nghiệp như: Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ, Phú Đa, Quảng Điền.

 Thừa Thiên Huế tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, cập nhật thông tin về các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Định kỳ 6 tháng, năm tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án, loại bỏ những dự án đã có nhà đầu tư hoặc chưa nằm trong quy hoạch được duyệt để có cơ sở kêu gọi đầu tư năm 2024. Tiến hành khảo sát và xây dựng thông tin chi tiết cho từng dự án gồm: vị trí, kết nối giao thông, mục tiêu, quy mô, công suất dự kiến, thông số kỹ thuật, tổng mức đầu tư, nhu cầu sử dụng đất... để cung cấp cho nhà đầu tư.

Đồng thời, tỉnh đã xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư, tiếp tục hoàn thiện cẩm nang xúc tiến đầu tư bằng các thứ tiếng: Việt, Anh, Hàn, Nhật, Pháp, các tài liệu được cung cấp thông tin đầy đủ qua mã QR để cung cấp cho các nhà đầu tư thuận tiện nghiên cứu, tìm hiểu. Đổi mới, thiết kế theo hình thức mới lạ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đảm bảo tính chuyên nghiệp và đầy đủ thông tin để tiết kiệm ngân sách in ấn, thiết kế. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh nội dung các video clip giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư.

Thu hút đầu tư tại chỗ

Cùng với những điều chỉnh trong chiến lược cũng như kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư, Thừa Thiên Huế cũng đã có những điều chỉnh trong tâm thế trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá lại hoạt động xúc tiến.

Trong kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2024, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, hoạt động hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư thường mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng xúc tiến đầu tư, giúp quảng bá hình ảnh địa phương với các tỉnh bạn hoặc các đối tác nhưng chưa mang lại kết quả về thu hút đầu tư. Quá trình kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch như: sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa các quy hoạch có liên quan dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh, lập mới các quy hoạch có liên quan. Vì thế, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được xem là mũi nhọn trong hoạt động xúc tiến cũng như thực hiện các thủ tục đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhằm đồng hành tốt nhất với các nhà đầu tư. Ngoài việc, thành lập 4 tổ công tác liên ngành do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để trực tiếp chỉ đạo, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án tại địa phương; tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trực thuộc UBND tỉnh. Đây là cơ quan sẽ thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư sẽ được trung tâm hỗ trợ, đồng hành đến khi dự án đi vào hoạt động.

Lấy câu chuyện thực hiện dự án đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Mall làm ví dụ. Khởi động trong thời điểm khá đặc biệt, hai đối tác chính là UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH AEON MALL Việt Nam phải tiến hành đàm phán, thực hiện ký kết bản ghi nhớ về quyết định đầu tư trung tâm thương mại tại tỉnh Thừa Thiên Huế theo hình thức trực tuyến do tác động của dịch COVID-19. Song, quá trình triển khai dự án lại đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Dự án được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 5/2021 và phê duyệt chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư vào tháng 8/2022 thì ngay trong tháng 1/2023 đã bắt đầu thi công các hạng mục chính và đến nay dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện; dự kiến đến giữa tháng 9/2024 sẽ chính thức khai trương đưa vào hoạt động. Để đạt được tiến độ như trên, ngoài việc cần nguồn lực sẵn có của nhà đầu tư thì sự đồng hành của chính quyền trong triển khai thực hiện dự án chính là công cụ thúc đẩy tiến độ đầu tư.

Nói như ông Okada Masaki – Tổng quản lý điều hành TTTM AEON MALL Huế, ngoài sự đầu tư tập trung về nguồn lực của doanh nghiệp, dự án có sự hỗ trợ, hướng dẫn rất nhiệt tình từ phía chính quyền địa phương cũng như các sở ban ngành. Có thể nhận định, chính quyền và các sở, ban, ngành của tỉnh luôn chủ động lắng nghe, đồng hành và phối hợp cùng các nhà đầu tư nói chung cũng như dự án AEON MALL Huế nói riêng để tìm giải pháp cho các đề xuất hoặc khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, nhà đầu tư có thể dựa trên các hướng dẫn cụ thể để đảm bảo tiến độ dự án và triển khai các hoạt động liên quan.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ không chỉ thúc đẩy dự án sớm đi vào hoạt động mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư gián tiếp thông qua các doanh nghiệp đã đầu tư tại địa phương. Các doanh nghiệp đã đầu tư sẽ nói về môi trường đầu tư mà họ đang được trải nghiệm, từ đây truyền được “cảm hứng đầu tư” cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư khác.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh. Thừa Thiên Huế đang sát cánh cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vận dụng một cách linh hoạt các chính sách, từng bước xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả, hấp dẫn cho nhà đầu tư góp phần đưa địa phương sớm trở thành địa bàn có lợi thế so sánh trong vùng về thu hút đầu tư.

“Chúng tôi rất mong, mỗi nhà đầu tư khi đến Huế đầu tư sẽ đưa thêm những người bạn của mình đến Huế”, ông Phan Quốc Sơn nói tại buổi lễ khai trương văn phòng của Câu lạc bộ FDI.

Bài ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch Cố đô: Thiên thời, địa lợi nhân hòa

Thừa Thiên Huế là một vùng đất hội tụ cả 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển thành một trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới và du lịch càng có cơ hội để khẳng định thế mạnh.

Du lịch Cố đô Thiên thời, địa lợi nhân hòa
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong thu hút đầu tư - Bài 1: Điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư

Xúc tiến đầu tư có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư; hình thành khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu... Với vị trí địa lý thuận lợi, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện…, Thừa Thiên Huế đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong thu hút đầu tư - Bài 1 Điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư
ASEAN - “Điểm nóng” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Theo một bài phân tích ngày 7/6 của trang Business Times, sáu nền kinh tế lớn của ASEAN đang được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chiến lược “Trung Quốc + 1”, và khu vực này sẵn sàng đón nhận nhiều dòng vốn FDI hơn nữa khi hội nhập vào mạng lưới toàn cầu.

ASEAN - “Điểm nóng” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada

Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada được kỳ vọng sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh, tiềm năng của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đến với bạn bè quốc tế; đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại của các đối tác Mỹ và Canada vào Thừa Thiên Huế.

Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada
Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế ưu tiên huy động các nguồn lực, chú trọng đẩy nhanh đầu tư xây dựng các dự án (DA) trọng điểm phát triển khung hạ tầng. Đồng thời, từng bước cải thiện môi trường đầu tư nhằm ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn.

Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư

TIN MỚI

Return to top