|
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ |
Thêm tin vui cho sản phẩm của Thừa Thiên Huế khi đầu năm 2024 có thêm 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL“Huế”, ông có thể chia sẻ hành trình để có được đăng ký CDĐL này?
Sự kiện đón nhận 2 văn bằng CDĐL “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai và Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế vào đầu năm 2024 là tin vui của Thừa Thiên Huế nói chung và của những nhà sản xuất, kinh doanh Hoàng mai hay Thanh trà nói riêng. CDĐL là loại đối tượng đặc biệt trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Để đăng ký được CDĐL, theo quy định của Luật, rất nhiều nội dung phải được nghiên cứu, chứng minh, trong đó việc chứng minh được tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm là một việc rất phức tạp và khó khăn, đặc biệt là đối với sản phẩm là “hoa” như Hoàng mai Huế.
Nói riêng về hành trình đăng ký CDĐL cho Hoàng mai Huế, vì đây là sản phẩm đặc biệt, không giống những sản phẩm khác và tại Việt Nam chưa có tiền lệ về việc này, nên việc chứng minh được danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của Hoàng mai Huế là thách thức vô cùng khó khăn.
|
Đón nhận văn bằng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai |
Tuy vậy, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, về hoa, các nhà vườn cùng đơn vị tư vấn tổ chức triển khai rất nhiều các hoạt động để tìm ra và chứng minh tính chất, chất lượng đặc thù của Hoàng mai Huế. Sau 2 năm triển khai thực hiện, CDĐL Hoàng mai Huế đã được Nhà nước bảo hộ.
Như vậy là đến nay, Thừa Thiên Huế đã có được 4 CDĐL “Huế”, con số này so với trên cả nước thì thế nào?
Tính đến tháng 1/2024, cả nước có 135 CDĐL đã được bảo hộ, trong đó có 13 CDĐL của nước ngoài. Như vậy trong 122 CDĐL của Việt Nam, Thừa Thiên Huế có 4 CDĐL, gồm: Nón lá Huế, Tinh dầu tràm Huế, Hoàng mai Huế và Thanh trà Huế. Với 4 CDĐL đã được Nhà nước bảo hộ, Thừa Thiên Huế là một trong 10 địa phương (top 10) có nhiều CDĐL nhất cả nước.
Và khả năng “trong tầm ngắm” sẽ phát triển được thêm CDĐL cho những sản phẩm nào của Huế, thưa ông?
Là tỉnh có vị trí địa lý khá đặc biệt so với các tỉnh/thành trong cả nước, nơi giao thoa giữa hai miền khí hậu á nhiệt đới ở phía bắc và nhiệt đới ở phía nam. Đồng thời, Huế là Kinh đô xưa của người Việt, nên Thừa Thiên Huế nói chung và Huế nói riêng chứa trong mình rất nhiều sản vật đặc trưng mang tính vùng miền riêng có.
Thực hiện chiến lược SHTT của Nhà nước, Đề án phát triển SHTT của tỉnh, nhằm đưa SHTT thành công cụ thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững, những năm qua, Sở KH&CN đã tham mưu thực hiện rất nhiều nhiệm vụ đăng ký CDĐL, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh.
CDĐL do là loại đối tượng đặc biệt, không phải sản phẩm nào cũng đăng ký được CDĐL. Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành để lựa chọn, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục xây dựng CDĐL cho những sản phẩm khác nữa thực sự xứng đáng để tạo đà cho sự phát triển.
Đâu sẽ là những cơ hội mở ra cho các sản phẩm được cấp chứng nhận CDĐL?
Khi nói đến CDĐL, tất cả đều hiểu đây là sản phẩm đặc sản riêng có của một địa phương, một khu vực với nguồn gốc rõ ràng, chất lượng khác biệt và theo đó có giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại của nơi khác. Điều này có được là do hầu hết các nước trên thế giới đều có khái niệm chung về CDĐL. Đồng thời, CDĐL là đối tượng duy nhất thường nằm trong các thỏa thuận hoặc ghi nhớ song phương giữa các nước để công nhận lẫn nhau mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký thông thường khi đã được bảo hộ tại quốc gia xuất xứ.
Với lợi thế đó, sản phẩm được bảo hộ là CDĐL sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thương mại, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Chẳng hạn như với Hoàng mai Huế, bên cạnh những lợi thế chung của CDĐL, Hoàng mai Huế còn là sản phẩm nằm trong Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở của mai vàng Việt Nam” và kế hoạch “Mai vàng trước ngõ” của tỉnh. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho Hoàng mai Huế phát triển.
Ông có nghĩ đến những thách thức sẽ gặp phải để khai thác tốt các “chỉ dẫn địa lý” này?
Là sản phẩm mang tính vùng miền, CDĐL bao giờ cũng chứa trong nó một cộng đồng đông đảo các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang CDĐL. Vì vậy, CDĐL thường được gọi là “thương hiệu cộng đồng”.
Để phát triển CDĐL thành “thương hiệu cộng đồng mạnh” là một thách thức không thể ngày một ngày hai. Hơn nữa, tại Việt Nam, vấn đề quản lý và phát triển CDĐL vẫn được coi là vấn đề mới, chưa có tiền lệ tham khảo, nên cần thời gian để thực hiện và rút kinh nghiệm.
Nhận thức rõ những thách thức đó, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hiệu quả CDĐL, các Hội: Hội Thanh trà Huế, Hội Hoàng mai Huế, Hội Nón lá Huế, Hội Dầu tràm Huế đã được thành lập ngay từ khi thiết lập dự án. Với mục tiêu hội là tổ chức đại diện cho cộng đồng những nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm sẽ tiếp cận, tiếp nhận và từng bước trực tiếp quản lý và khai thác CDĐL.
Ông có thể nói rõ hơn cách thức để chủ thể sản xuất/kinh doanh sản phẩm được tiếp cận và “hưởng lợi” sau khi được bảo hộ “chỉ dẫn địa lý”?
Như tôi đã chia sẻ, CDĐL là đối tượng đặc biệt. Một trong những điểm đặc biệt đó là đối tượng duy nhất chủ sở hữu là “Nhà nước”, các chủ thể sản xuất/kinh doanh sản phẩm mang CDĐL chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu.
Theo quy định của Luật SHTT, các chủ thể muốn sử dụng CDĐL đều phải đáp ứng các tiêu chí như: Sản phẩm phải đạt các tiêu chí về tính chất, chất lượng đặc thù theo bản mô tả; sản phẩm phải được sản xuất trong khu vực địa lý theo bản đồ khu vực địa lý được công nhận theo hồ sơ đăng ký CDĐL.
Cũng theo quy định, tất cả các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang CDĐL đều được tiếp cận và đăng ký sử dụng CDĐL một cách công bằng, công khai. Rất linh hoạt về thủ tục để tiếp cận, sử dụng CDĐL, Sở KH&CN đã ban hành các quy chế quản lý cho từng CDĐL “Huế” đã được bảo hộ theo hướng tạo các điều kiện thuận lợi cho tất cả các nhà vườn, các tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất, kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!