ClockThứ Năm, 20/02/2020 14:51

Bàn giải pháp khôi phục và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh

TTH.VN - Sáng 20/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong và sau dịch COVID-19.

Khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển KTXH phù hợp diễn biến dịch Covid-19Giám sát lộ trình xe khách từ các vùng dịch đến HuếNhiều quốc gia hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 do COVID-19Nhật Bản, Singapore đối mặt nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của COVID-19Cần lập vành đai đảm bảo an toàn trong lẫn ngoàiPhố Tây vẫn nhộn nhịp giữa “cơn bão” Covid-1963 tỉnh/thành tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ để phòng dịch Covid- 19Tỷ lệ tử vong do Covid-19 khoảng 2%

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (bìa trái) kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh tại Công ty CP Dệt may Huế

Nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng

Báo cáo đánh giá ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, trên địa bàn tỉnh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, đáng chú ý là các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu...

Đối với hoạt động du lịch, ảnh hưởng trực tiếp là tình trạng hủy tour, hủy phòng. Trong tháng 2/2020, lượng khách lưu trú ước đạt 171.000 lượt, giảm 5,7% (chủ yếu do khách nội địa, khách mice đến dự hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện,… hầu như hủy 100%). Các thị trường khách quốc tế có biến động lớn trong tháng 2/2020, trong đó, thị trường Hàn Quốc giảm 72,5%; Mỹ giảm 6,4%; Úc giảm 6,2%; Trung Quốc giảm 87,2%; Malaysia giảm 48,5%.

Trong tình hình dịch COVID-19, một số cửa khẩu tạm thời ngừng hoạt động dẫn đến việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất bị ảnh hưởng. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2020 là 22,99 triệu USD, giảm 39,2% so với thực hiện tháng 1/2020, giảm 12,89% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực giao thông vận tải ghi nhận sự sụt giảm do lượng khách là học sinh, sinh viên được nghỉ học để phòng chống lây lan dịch COVID-19, người dân e ngại khi di chuyển đến các địa phương khác, khách quốc tế đến giảm.

Về các dự án đầu tư, trong đó một số dự án có sử dụng công nghệ máy móc thiết bị, chuyên gia và nhà đầu tư của Trung Quốc bị ảnh hưởng đến tình hình và tiến độ triển khai như: Dự án đầu tư mở rộng nhà máy sợi của Công ty CP Dệt may Huế; dự án sản xuất găng tay và sợi polyethylen của Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ KANGLONGDA; các dự án sản xuất ô tô của Công ty CP Kim Long Motors Huế, Công ty CP công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt,…

Tóm lại, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chưa có biến động lớn. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng kép từ Nghị định 100/NĐ-CP do bia là sản phẩm chủ lực của địa phương, thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu ngành dệt may ảnh hưởng lớn nếu dịch kéo dài và các chi phí phòng dịch phát sinh… ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế của tỉnh. Dự báo trường hợp bia giảm 25-30%, khách du lịch giảm 20-30%, tốc độ tăng trưởng GRDP còn khoảng 6,8 - 7,2% (Kế hoạch 2020 là 7,5% - 8%).

Có kịch bản đón đầu khi công bố hết dịch

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kết luận tại cuộc họp

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, ngăn chặn dịch phát triển cũng như hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. "Với phương châm chống dịch như chống giặc, nên chúng ta cũng phải có kịch bản phát triển kinh tế như "thời chiến", kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực để chủ động trên mọi "mặt trận" trong và sau khi dịch được kiểm soát"- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trước mắt phải thực hiện theo phương châm của Chính phủ đó là “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”. Thực hiện các giải pháp, quyết liệt, nhanh, hiệu quả, dự liệu sớm để đi trước một bước diễn biến của dịch. Hạn chế tối đa ảnh hưởng kép từ cộng hưởng của dịch COVID-19 và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, tác động của thiên nhiên. Các ngành cũng cần cơ cấu lại, kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra, duy trì sản xuất và tiêu dùng; khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch kết thúc.

"Chúng ta phải chủ động trong mọi tình huống, phát huy tinh thần chính quyền phục vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phải tìm đến doanh nghiệp để tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn chứ không chờ doanh nghiệp báo cáo, kêu gọi hỗ trợ. Có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất trong thời gian xảy ra dịch để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và ổn địch phát triển sản xuất kinh doanh"- Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị.

Song song với đó, cần tiếp tục có kích cầu liên ngành, trong đó chủ động kích cầu du lịch, quảng bá “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện" để thu hút du khách. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, cân đối thu chi ngân sách. Rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất; cơ cấu lại phương thức làm việc. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để có thể sớm khởi công, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đẩy mạnh kích cầu đầu tư công lành mạnh thời kỳ “hậu dịch”... là những định hướng và giải pháp mà Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch hiệu quả.

Tin, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top