ClockThứ Bảy, 28/05/2022 13:08

Bảo vệ ngôi nhà tự nhiên: Cần thiết lập lối sống xanh, phát triển sạch

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để bảo vệ “ngôi nhà tự nhiên,” việc cấp thiết hiện nay là cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh,” xây dựng lối sống xanh trong toàn xã hội.

Xây dựng Huế trở thành đô thị xanhGiảm thiểu lượng rác thải và các chi phí liên quan tại các trường họcNgày hội đổi rác lấy quà

Các đại biểu trồng cây tại Rừng ngập mặn Đồng Rui tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khẳng định hệ sinh thái đa dạng sinh học - “ngôi nhà tự nhiên” tại Việt Nam đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng, sáng 28/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng cùng xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống bằng việc: đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” cũng như đầu tư cho “vốn” tự nhiên.

“Mệnh lệnh” khẩn cấp từ thiên nhiên

Tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2022, diễn ra sáng 28/5, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học; top 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu.

Tuy nhiên, “ngôi nhà tự nhiên” của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng, cùng với thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, nguồn nước, suy thoái đất, rác thải nhựa đại dương và tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu…

“Thực tế trên đòi hỏi chúng ta cần có những nỗ lực phối hợp để chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo hướng xanh và bao trùm hơn, kết nối nhiều hơn với thiên nhiên. Chúng ta phải ngừng các hành động gây hại và thực hiện nhiều hơn nữa các hành động để chữa lành cho Trái Đất,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đề cập tới thông điệp “chỉ một Trái Đất” cùng với chủ đề “xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là mệnh lệnh khẩn cấp để toàn thể xã hội cũng như mỗi người dân không được quên rằng chỉ có duy nhất một “ngôi nhà tự nhiên” chung cho muôn loài trong cả vũ trụ với hàng tỷ ngân hà và hàng tỷ hành tinh.

Do vậy, mỗi người dân cần thay đổi ngay thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân.

Có chung quan điểm, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết Trái Đất đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp với ba vấn đề lớn là: khí hậu nóng lên nhanh hơn dự đoán; nhiều loài hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng; và tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước.

Bà Caitlin Wiesen cũng lưu ý với các cam kết về khí hậu đưa ra tại COP26, Việt Nam hiện đang ở một thời điểm mang tính quyết định trong việc chuyển đổi phương thức phát triển để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và môi trường. Điều này bao gồm các phương thức tiếp cận xanh, thích ứng với khí hậu về công nghệ...

Đặc biệt, trong thời gian tới, Việt Nam cần một “công cuộc đổi mới” về môi trường và khí hậu, để có được sự phục hồi kinh tế xanh và bao trùm sau đại dịch COVID-19 trong tiến trình nỗ lực để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045 đồng thời vẫn bảo vệ được các nguồn tài nguyên và môi trường cho thế hệ tương lai.

Thiết lập lối sống “xanh,” phát triển sạch

Để chuyển hóa được những thách thức và nội dung thông điệp trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và tập trung chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện; sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị xanh.

Hoạt động thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh,” từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cácbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.

Tiếp theo là thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

Đặc biệt, các địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp chất thải; tăng cường các hoạt động phòng chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ tin tưởng với sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý chí và quyết tâm của tất cả chúng ta cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tích trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng như thực hiện thành công các cam kết quốc tế.

"Tôi mong rằng, mỗi chúng ta sẽ có những đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai ngôi nhà chung - Trái Đất, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của loài người," ông Hà nhấn mạnh.

Ngay sau lễ phát động, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đại diện UNDP tại Việt Nam và lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tỉnh Quảng Ninh đã tham gia thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; trồng cây tại Rừng ngập mặn Đồng Rui tại huyện Tiên Yên - nơi được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao của cả nước.

Theo vietnamplus.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao

Làm việc trên cao luôn là một công việc nguy hiểm và đòi hỏi sự tập trung, kỹ năng và trang bị an toàn tuyệt đối. Hình ảnh những công nhân xây dựng, thợ sơn, hay nhân viên bảo trì mất thăng bằng, ngã từ độ cao có thể khiến nhiều người rùng mình. Những vụ tai nạn lao động đáng tiếc này không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề cho nạn nhân và gia đình, mà còn gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, với một thiết bị bảo hộ lao động quan trọng như dây đai an toàn, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro tai nạn đáng tiếc.

Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao

TIN MỚI

Return to top