ClockThứ Sáu, 21/04/2023 12:05

Bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng: Cần thêm nguồn lực - kỳ 2: Khi rừng được giao cho cộng đồng

TTH - Trong điều kiện muôn vàn khó khăn, giao rừng cho cộng đồng được xem là giải pháp hữu hiệu trong quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và các loài động vật hoang dã.

Bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng: Cần thêm nguồn lực - kỳ 1: Thách thức

leftcenterrightdel
Phút nghỉ ngơi trong rừng sâu 

Gần 32 ngàn ha được giao cho cộng đồng

Chủ trương xã hội hóa QLBVR đã hình thành thêm nhiều thành phần khác (ngoài các tổ chức Nhà nước) tham gia vào hoạt động QLBVR tự nhiên. Một số địa phương được sự hỗ trợ của các dự án đã tổ chức giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn bản, nhóm hộ và hộ gia đình. Từ hoạt động giao rừng thử nghiệm, ban đầu chỉ 404,5ha rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy (Phú Lộc), đến năm 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 430/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án giao rừng tỉnh giai đoạn 2010-2014. Đến nay, tổng diện tích rừng tự nhiên được giao mới và hoàn thiện hồ sơ giao rừng trước đây khoảng 32 ngàn ha. Trong đó, giao cho 88 cộng đồng với diện tích hơn 16 ngàn ha, 225 nhóm hộ với diện tích hơn 13 ngàn ha, 157 hộ gia đình với diện tích hơn 1.000ha và các đồn biên phòng với diện tích 1.357ha...

Sau khi được giao rừng, các cộng đồng, nhóm hộ thành lập các tổ BVR, tổ chức tuần tra định kỳ, hoặc đột xuất với sự hỗ trợ của kiểm lâm địa bàn và cán bộ phụ trách lâm nghiệp địa phương. Hầu hết các cộng đồng đã xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước QLBVR, xây dựng quỹ bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng để hỗ trợ tuần tra, BVR. Một số cộng đồng được hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực từ các dự án trong việc thực hiện công tác QLBVR và phát triển nguồn tài nguyên rừng. Điển hình như cộng đồng thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy (Phú Lộc), các cộng đồng thôn tại hai xã Thượng Lộ, Thượng Nhật (Nam Đông), xã A Roàng (A Lưới...). Một số cộng đồng khác được các dự án hỗ trợ mô hình làm giàu rừng như trồng mây dưới tán rừng, trồng cây bản địa... bước đầu đã tạo nguồn thu nhập, giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.

Việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình yên tâm sử dụng đất, tham gia tích cực vào công tác QLBVR, trồng rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó phát huy tốt hiệu quả bảo vệ môi trường, phục vụ tốt hơn cho đời sống cộng đồng dân cư. Trong số gần 32 ngàn ha rừng tự nhiên giao cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình có hơn 23 ngàn ha được nhận hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng (chiếm 73,85% diện tích được giao). Từ năm 2014-2022, dịch vụ môi trường rừng chi trả hơn 60 tỷ đồng, góp phần đáng kể cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình tham gia BVR tốt hơn.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn đánh giá, rừng tự nhiên sau khi giao cho các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên giảm đáng kể, một số nơi trữ lượng rừng tăng lên rõ rệt. Điển hình như diện tích rừng giao cho thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn (Phong Điền) giao năm 2003 có trữ lượng 46m3/ha; đến năm 2012 sau khi đánh giá đặc điểm khu rừng trữ lượng tăng lên 67m3/ha. Cộng đồng, hộ gia đình chủ động ngăn chặn, hoặc báo cho chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để ngăn chặn kịp thời nhiều vụ phá rừng.

Hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ

Ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ là chủ trương hợp lý và tất yếu trước xu thế bảo vệ tài nguyên rừng hiện nay. Tuy nhiên, một số cộng đồng, hộ gia đình nhận rừng không nằm trong lưu vực nên không được hưởng dịch vụ môi trường rừng, hoặc rừng nghèo nên việc hưởng lợi từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ chưa có. Tuy cộng đồng, hộ gia đình xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ và quy ước nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện, làm hạn chế tính chủ động trong công tác tuần tra, BVR.

Phần lớn các chủ rừng đã xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ và quy ước BVR nhưng thiếu tính thực tiễn, thiếu chủ động trong công tác tuần tra, BVR. Một số chủ rừng được giao chưa hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Các nguồn tài trợ từ các dự án, tổ chức phi Chính phủ cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được giao rừng chưa có sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến một số chủ rừng được hỗ trợ nhiều dự án cùng một lúc, cùng một nội dung đầu tư, trong khi nhiều chủ rừng lại không nhận được nguồn tài trợ nào. Hiệu quả đầu tư cho các chủ rừng không được đánh giá, hoặc bị giảm sút sau khi các dự án kết thúc...

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, để chủ trương giao rừng cho cộng đồng quản lý hiệu quả hơn, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng theo quy định cần tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng, huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình có nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng ít hơn, hoặc dịch vụ này chưa có thì Nhà nước cần phải có chính sách, chương trình hỗ trợ thêm.

Trước xu thế hiện nay, ngoài nguồn nhân lực còn phải ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát tài nguyên rừng. Các lực lượng BVR ứng dụng công nghệ nhằm quản lý tài nguyên rừng, đánh giá quản lý đa dạng sinh học bằng công nghệ tin học, sử dụng bản đồ, ảnh viễn thám và các phần mềm khác trong theo dõi biến động rừng. Các đơn vị chủ rừng, cộng đồng tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án trong nước và quốc tế để tăng cường nguồn lực kỹ thuật và tài chính cho công tác QLBVR tự nhiên.

 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 62/2019/QĐ-UBND ngày 7/10/2019 về Quy chế Quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhiều cộng đồng tiếp cận và triển khai tốt quy chế, hỗ trợ cho công tác quản lý rừng cộng đồng tốt hơn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 267 ban quản lý rừng cộng đồng thành lập mới, hoặc kiện toàn, thành lập 72 ban giám sát rừng cộng đồng, 315 tổ (đội) BVR nòng cốt. Đến nay, ngành kiểm lâm đã xây dựng và thông qua nhiều phương án về quản lý rừng bền vững, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hằng năm, quy ước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng; xây dựng 10 mô hình sinh kế và tập huấn nâng cao năng lực cho 44 cộng đồng.

 

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Kết nối cộng đồng thông qua phong trào Chủ nhật xanh

Hưởng ứng phong trào Chủ nhật xanh, Chủ nhật vì cộng đồng, ngày 17/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố phối hợp với Ngân hàng Seabank chi nhánh Huế tổ chức hoạt động Kết nối cộng đồng năm 2024.

Kết nối cộng đồng thông qua phong trào Chủ nhật xanh
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao

Làm việc trên cao luôn là một công việc nguy hiểm và đòi hỏi sự tập trung, kỹ năng và trang bị an toàn tuyệt đối. Hình ảnh những công nhân xây dựng, thợ sơn, hay nhân viên bảo trì mất thăng bằng, ngã từ độ cao có thể khiến nhiều người rùng mình. Những vụ tai nạn lao động đáng tiếc này không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề cho nạn nhân và gia đình, mà còn gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, với một thiết bị bảo hộ lao động quan trọng như dây đai an toàn, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro tai nạn đáng tiếc.

Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao

TIN MỚI

Return to top