ClockChủ Nhật, 12/06/2022 09:08
THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG:

Bắt tay “gỡ” từng dự án

TTH - Đã đầu tháng 6, nhưng giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) mới chỉ chạm ngưỡng đạt 25,44% kế hoạch (KH). Đây là khó khăn lớn của tỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nói chung và mục tiêu giải ngân vốn ĐTC đến hết quý II đạt 50% nói riêng.

Không giải ngân được vốn đầu tư công sẽ không phát huy được hiệu quả đồng vốnRà soát, phân bổ 95.000 tỷ đồng thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc giaNỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Thúc đẩy các dự án đầu tư công nhằm tạo cú hích trong tăng trưởng kinh tế

Thi công chậm ảnh hưởng tiến độ giải ngân

Dự án (DA) đường Phú Mỹ - Thuận An được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư vào năm 2016 và điều chỉnh qua các năm với tổng mức đầu tư hơn 344 tỷ đồng, do Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Đến nay, DA đã bố trí vốn gần 254 tỷ đồng. Trong năm 2022 sẽ bố trí vốn 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư DA hiện không thể cam kết giải ngân 40 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (NSTW) trong năm 2022, do công trình đang chờ lún kỹ thuật.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nếu điều chuyển phần vốn 40 tỷ đồng này cho DA khác thì phải bố trí kế hoạch 2023 cho DA. Trong khi, công trình này thuộc diện phải hoàn thành trong năm 2022 và đã kết thúc thời gian bố trí vốn đối với DA nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc kéo dài thời gian bố trí vốn cho DA phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Sở KH&ĐT đề nghị chủ đầu tư phải có giải pháp kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn DA trong năm 2022.

Thi công dự án đường Phú Mỹ - Thuận An

Một DA khác có tiến độ giải ngân kéo dài là DA cải thiện môi trường nước thành phố Huế. DA có kế hoạch vốn năm 2022 là 162.413 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách địa phương (NSĐP) 10.000 triệu đồng, vốn nước ngoài cấp phát từ NSTW 152.413 triệu đồng.

Hiện, DA chậm giải ngân giá trị còn lại của các gói thầu cũ do nhà thầu gói H/ICB/1B yêu cầu không áp dụng tỷ lệ giảm giá cho phần khối lượng điều chỉnh thiết kế, nên không xác nhận hồ sơ nghiệm thu, do đó chưa giải ngân được giá trị còn lại của hợp đồng. DA vẫn chưa hoàn thành các thủ tục điều chỉnh DA khiến tiến độ giải ngân chậm và kéo dài.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều DA ĐTC được triển khai, nhưng gặp nhiều vướng mắc trong thi công cũng như giải ngân vốn, kéo theo tỷ lệ giải ngân vốn chưa cao. Theo Sở KH&ĐT, kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022, Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn là 4.266 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 20/5 mới giải ngân được số vốn 1.067 tỷ đồng, đạt 25,44% KH vốn. Dù còn chưa đầy 1 tháng là hết quý II song tỷ lệ này so với mục tiêu giải ngân 50% vốn hết quý II còn khá xa.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC chưa cao, đại diện Sở KH&ĐT cho biết, tiến độ thi công các DA chậm kéo theo tỷ lệ giải ngân chưa cao. Các DA gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), giá nguyên, vật liệu tăng. Một số DA không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung DA, thiết kế cho phù hợp với thực tế dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Với các DA chuyển tiếp khởi công cuối năm 2021 đang thi công khối lượng tạm ứng, nên chưa có khối lượng thanh toán kế hoạch năm 2022.

Gắn trách nhiệm trong công tác giải ngân

Được xem là nguồn “vốn mồi” để dẫn dắt tăng trưởng, vì thế giải ngân kế hoạch vốn ĐTC là mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo nhận định, nếu “kích” được các DA trọng điểm, vốn lớn thuộc DA ODA và DA sử dụng vốn NSTW sẽ có khả năng tác động đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Vì thế, ngay từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành quyết liệt công tác thực hiện và giải ngân, thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, UBND tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện công tác giải ngân gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành liên quan và chủ đầu tư các DA. Cụ thể trong thời gian này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các DA chuyển tiếp đến ngày 30/6/2022 phải giải ngân trên 50% KH, đến 15/12/2022 phải giải ngân 100% KH. Đối với các DA khởi công mới đến ngày 30/6/2022 phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp, đến ngày 30/9/2022 phải giải ngân trên 60% KH, đến 31/12/2022 phải giải ngân 100% KH.

Chủ đầu tư các DA sử dụng vốn NSTW thuộc diện phải hoàn thành trong năm 2022 và đã kết thúc thời gian bố trí vốn đối với DA nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công, không bố trí kế hoạch năm 2023 (đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường phía Đông đầm Lập An) phải phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, GPMB và giải ngân hết nguồn vốn NSTW thuộc kế hoạch ĐTC năm 2022.

Các ban chỉ đạo công tác GPMB cấp huyện ưu tiên, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khẩn trương những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư. UBND cấp huyện tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác GPMB, đảm bảo bàn giao mặt bằng để thực hiện các DA, đặc biệt là các DA có vướng mắc GPMB kéo dài, DA ODA, DA vốn NSTW...

Các chủ đầu tư và chính quyền địa phương theo thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt phương án, kế hoạch GPMB và tái định cư cũng tăng cường công tác phối hợp, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, củng cố bộ máy, tăng cường năng lực đơn vị chức năng để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

“Cùng với nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, các cơ quan, ban, ngành liên quan, Sở cũng phối hợp thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các DA, từ DA giải ngân chậm sang các DA có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định”, ông Sơn chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Là địa phương nằm ở vùng ven thành phố, số hộ nghèo trên địa bàn phường Hương Vinh (TP. Huế) khá đông. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), bằng nhiều cách làm và đa dạng các giải pháp giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn phường chỉ còn 10 hộ nghèo, vượt 400% so với chỉ tiêu thành phố giao.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trước thềm cuộc đối thoại thường niên giữa các thành viên Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) với các nhà lãnh đạo APEC sẽ diễn ra ở Peru vào cuối tuần này, giới lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC có hành động quyết đoán hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện giữa những thách thức xuyên biên giới hiện nay.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang “để mắt” đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top