Bộ Tài chính cho rằng, cần nghiên cứu thực hiện chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô, không áp dụng chính sách cho xuất khẩu khoáng sản cá biệt (Ảnh minh hoạ)
Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị hàng loạt giải pháp để thúc đẩy khoáng sản xuất khẩu cũng như quản lý nhà nước hiệu quả.
Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần tiến hành rà soát, đánh giá, hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản xuất khẩu, kiểm soát khai thác khoáng sản.
Đồng thời, nghiên cứu thực hiện chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô, không áp dụng chính sách cho xuất khẩu khoáng sản cá biệt. Đối với các loại khoáng sản không cấm thì áp dụng giấy phép xuất khẩu.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị cần có đánh giá tổng thể về chính sách và tác động đối với khai thác khoáng sản, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ xem xét sự cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách thuế liên quan.
Liên quan tới khai thác khoáng sản, trước đó, trong một quyết định chỉ đạo, Thủ tướng cũng yêu cầu hạn chế các dự án khai thác, tuyển và chế biến một số loại quặng như vàng,đồng, niken, molipden ở quy mô manh mún, công nghệ lạc hậu, tổn thất tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Ngành này phải nhanh chóng hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo yêu cầu về môi trường và sở hữu công nghệ chế biến sâu mỏ và các loại quặng.
Thời gian gần đây, hiện tượng xuất khẩu các loại quặng và khoáng sản của Việt Nam ra nước ngoài tăng khá mạnh. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7, cả nước xuất hơn 2 triệu tấn quặng, đạt kim ngạch 101 triệu USD. Trong số quặng và khoáng sản xuất đi, có 1,5 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 75%).
Trong khi trung bình giá quặng xuất khẩu của Việt Nam ra các nước khoảng 1,16 triệu đồng/tấn thì giá xuất sang Trung Quốc 6 tháng qua chỉ đạt hơn 613.000 đồng/tấn, mức giá rẻ chỉ bằng một nửa. Điều này là do các loại quặng xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tiền chế, thô và là quặng nguyên khai, chưa qua chế biến nên giá rẻ mạt.
Theo Dân trí