|
Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hương |
Những “vùng đệm” xanh mát
Nằm cạnh hay xung quanh các thành phố, thị trấn của Huế là những “vùng đệm xanh” với hệ động, thực vật phong phú. Giá trị tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH), sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng, góp phần giảm những tác động từ phát thải cho các đô thị ở xứ Kinh kỳ này.
Ở đô thị Lăng Cô (Phú Lộc) dù đang nhỏ nhưng đã tạo thương hiệu đô thị biển mang đẳng cấp quốc tế, thu hút du khách gần xa 20 năm nay nhờ vào “hệ đa dạng” của thiên nhiên; trong đó có đầm Lập An. Khác các đầm hồ khác, đầm Lập An có dạng một túi nước ăn sâu vào đất liền với diện tích mặt nước khoảng 1.655ha và biệt lập trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tại bãi triều khoảng 300ha ở phía Tây và Đông của đầm ngoài nguồn lợi thủy sản tôm cá, nơi đây có thảm thực vật ngập mặn phát triển khá tốt. Những năm qua, các cấp ngành, địa phương đã có nhiều chương trình, dự án chỉnh trang, đầu tư cơ sở hạ tầng, phục hồi, bảo vệ nguồn nước, môi trường sạch đẹp. Chính quyền sở tại cũng phối hợp với nhiều hội, đoàn, tổ chức trong, ngoài địa phương trồng thêm rừng ngập mặn không chỉ góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ vùng đất, tích lũy phù sa, tạo điều kiện phát triển kinh tế; cũng như nâng cao ý thức cho người dân bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Những ngày này, TP. Huế đang rộn ràng cho các sự kiện trong khuôn khổ Festival Huế 2024. Nhắc đến đô thị Huế chắc hẳn không ai quên dòng Hương thơ mộng đã ăn sâu vào tiềm thức người Huế. Nhiều người đã nói, với đô thị Huế, sông Hương được xem là một nhân tố quyết định bản sắc, văn hóa, hồn cốt cho thành phố. Với con sông này, ngoài thuận lợi cho các loài thủy sản phát triển, cảnh quan đôi bờ đã làm tăng giá trị thẩm mỹ vùng đất, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Sông Hương được nhận diện là “lá phổi” xanh cho người dân Huế. Các chuyên gia đã kiến nghị cần sớm hoàn thiện hồ sơ tái đề cử sông Hương vào danh mục công nhận di sản cảnh quan văn hóa của UNESCO.
Cùng với sông Hương, hiện nay lãnh đạo TP. Huế đã tính tới việc mở rộng không gian xanh ở các khu vực đồi núi, bảo vệ hệ thống sông, hồ nằm trên địa bàn và các cồn, rú nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang khi thành phố đã mở rộng về hướng biển “ôm thêm” nhiều địa bàn mới, như Thuận An, Hải Dương, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh…
Khơi dậy ý thức bảo vệ thiên nhiên
Theo Ủy ban Bảo tồn thiên nhiên chung (JNCC), các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp diện tích, xuống cấp về chất lượng, đặc biệt là các hệ sinh thái đất ngập nước, bãi bồi cửa sông, ven biển... làm mất nguồn cung cấp nước ngầm, nơi sinh sản, phát triển, cư trú của các loài sinh vật. Nhiều loài động, thực vật đang đối mặt với những nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.
Ổn định môi trường trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh là một thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Liên hiệp quốc có nhận xét, tốc độ phát triển nhanh kéo theo tốc độ chuyển đổi đất và mở rộng các đô thị. Hơn nữa, sự hình thành hệ thống giao thông, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế làm gia tăng khả năng cách ly giữa các khu bảo tồn, “vùng đệm” xanh...
|
Thông tin từ JNCC, ảnh hưởng ĐDSH của Việt Nam chủ yếu đến từ ô nhiễm môi trường. Trong đó, các mối đe dọa hàng đầu đến từ nguồn thải nông nghiệp và lâm nghiệp (ảnh hưởng tới 298 loài); nước thải sinh hoạt và đô thị (tác động đến 258 loài); nguồn thải công nghiệp và quân sự (ảnh hưởng đến 245 loài). Ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí, rác thải, biến đổi khí hậu... đang đe dọa 236 loài.
|
Dự kiến hơn 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050. Do vậy, sự suy giảm ĐDSH sẽ là vấn đề toàn cầu. Liên hiệp quốc cũng đưa ra lời kêu gọi mỗi quốc gia “trở thành một phần của giải pháp”, bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh như công viên, vành đai xanh, rừng đô thị...
Giải pháp tốt nhất để sự suy giảm đa dạng sinh học ở đô thị không đi đến mức báo động, theo các chuyên gia môi trường, chính là ý thức về bảo vệ thiên nhiên thông qua các cam kết và nỗ lực từ chính quyền lẫn người dân. Trong mô hình phát triển đô thị bền vững, nhất thiết phải có các tiêu chí về bảo tồn ĐDSH và chống BĐKH.
Trong lần trao đổi gần đây với KTS. Đặng Minh Nam, Phó Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh cho rằng, kiến trúc có thể góp phần thúc đẩy đa dạng sinh học bằng cách tạo ra các môi trường sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Theo ông Nam, những công trình được thế giới ghi nhận đều theo xu hướng kiến trúc bền vững, phát huy yếu tố văn hóa bản địa, đổi mới không gian, cách tân phương thức sử dụng vật liệu địa phương.
Không phải là điều quá xa xôi, ĐDSH trong phố, bắt đầu bằng chuyển đổi sang cơ sở “hạ tầng xanh”, trồng thêm cây xanh ở sân nhà, khu phố; dạy con cái biết yêu quý thiên nhiên…