|
Khi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện sẽ thu hút doanh nghiệp đến Huế đầu tư |
Thu ngân sách 8 tháng mới đạt 66,4% dự toán
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, sản xuất công nghiệp đối mặt với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, dẫn đến hoạt động xuất khẩu giảm khá sâu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 8 đầu năm ước đạt 680,2 triệu USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng dệt may và các sản phẩm gỗ…, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này vẫn giảm mạnh.
Tăng trưởng trong khu vực công nghiệp chủ yếu dựa vào một số ít ngành chủ lực như: sản xuất bia, chế biến thủy hải sản, gạch ốp lát, vỏ lon nhôm... Nhiều ngành công nghiệp cấp 4 có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như bột làm bánh, sản xuất xi măng, sản xuất tủ, bàn ghế… do nhu cầu trong nước giảm và chịu sự cạnh tranh gay gắt; đơn hàng sản xuất bị cắt giảm; lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp tăng cao.
Thách thức từ thị trường khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ngày một tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới lại có xu hướng ngày càng giảm. Hiện, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động đã đến con số 444 doanh nghiệp và 82 doanh nghiệp giải thể trong mấy tháng qua. Trong khi đó, số doanh nghiệp hoạt động trở lại chỉ có 260 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm 16,6% về lượng và giảm 50% về vốn so với cùng kỳ. Điều này được cho là rào cản trong hoạt động thu ngân sách nói riêng và phát triển kinh tế địa phương nói chung.
Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.588,1 tỷ đồng, chỉ bằng 66,4% dự toán được Bộ Tài chính giao. Trong đó, số thu nội địa ước đạt 6.169,5 tỷ đồng, bằng 65,9% dự toán; thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 405 tỷ đồng, bằng 73,0% dự toán.
Lãnh đạo Cục Thuế nhận định, tình hình kinh doanh một số doanh nghiệp lớn có nguồn thu chủ đạo của tỉnh vẫn đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng, tốc độ tăng trưởng đạt thấp hoặc giảm so với cùng kỳ. Trong năm, Thừa Thiên Huế chưa có sự phát triển mới trong hoạt động đầu tư để tạo ra bước đột phá về thu ngân sách. Mặt khác, thị trường bất động sản trên địa bàn đang có xu hướng chững lại, dẫn đến nguồn thu từ đất, thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ nhà đất giảm mạnh.
Tăng cường các giải pháp thu
Mặc dù ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã có những phân tích, đánh giá cũng như tìm giải pháp cụ thể rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu chưa khai thác hết để tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách theo tinh thần của Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, phấn đấu đến hết quý III/2023 thu ngân sách Nhà nước đạt từ 11.050 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng (tương ứng 85% chỉ tiêu phấn đấu) và đến hết tháng 11/2023 cơ bản hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 13.000 tỷ đồng. Song với con số thu 8 tháng đầu năm mới chỉ đạt 6.588,1 tỷ đồng thì mục tiêu thu ngân sách năm nay sẽ khó hoàn thành theo chỉ tiêu phấn đấu. Vì thế, ngoài những giải pháp tăng thu ngân sách, việc tính toán lại các khoản thu theo cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn cần được quan tâm hơn.
Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế chia sẻ, trong 4 tháng cuối năm 2023, Cục Thuế tiếp tục tập trung các biện pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng thuế, tăng cường chống thất thu thuế, khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Theo dõi, nắm chắc các nguồn thu trên địa bàn và dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Đồng thời, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu để kịp thời triển khai hoặc tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh các biện pháp quản lý thu. Tăng cường công tác quản lý, khai thác tốt các nguồn thu, tham mưu với UBND các cấp thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách Nhà nước và thu hồi nợ đọng thuế. Ngành Thuế cũng triển khai các biện pháp quản lý, khai thác tăng thu đối với một số lĩnh vực có dư địa lớn, chống thất thu ngân sách đối với một số lĩnh vực còn rủi ro về thuế.
Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp; tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắt nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hồi phục và phát triển ổn định.
Cùng với các giải pháp thu và chống thất thu thuế, để đảm bảo được thu ngân sách đạt như kỳ vọng, nhất là trong dài hơi, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm có lợi thế của tỉnh nhất là những lĩnh vực đóng góp lớn cho nguồn thu của tỉnh; mời gọi được các nhà đầu tư có thương hiệu, kinh nghiệm, tiềm lực và tâm huyết đến Huế đầu tư cũng như hỗ trợ thúc đẩy các dự án đang đầu tư tại Huế. Có như vậy mới tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách Nhà nước.