ClockThứ Năm, 10/02/2022 06:45

Cầu nối giúp thanh niên lập nghiệp

TTH - Nhờ thực hiện tốt việc triển khai nguồn vốn ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các cấp bộ đoàn huyện Nam Đông đã hỗ trợ thanh niên trên địa bàn có thêm điều kiện để lập thân, lập nghiệp.

Vườn cây trái xanh mướt của anh A Mi

Nhiều thanh niên đã mạnh dạn vay vốn để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Ảnh: Huyện đoàn Nam Đông cung cấp

Hai lần vay vốn từ tổ tiết kiệm vay vốn thuộc Đoàn thị trấn Khe Tre, đến nay cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cho anh Phạm Rép đã dần ổn định và thu hút một lượng lớn khách hàng địa phương.

Anh Rép kể, bản thân bôn ba học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi và quyết định trở về địa phương lập nghiệp cách đây vài năm. Thời điểm đó, chi phí mở quán khoảng 100 triệu đồng, đây là một khoản tiền lớn đối với bản thân nên đã quyết định vay 30 triệu đồng từ tổ tiết kiệm vay vốn.

“May mắn kinh doanh được một thời gian có lãi, tôi đã trả được số nợ đã vay và quyết định tiếp tục vay vốn để mở rộng quán. Nhờ sự trợ lực của mô hình vay vốn thuộc Đoàn Thanh niên mà gia đình tôi đã khởi nghiệp thành công ở quê hương”, anh Rép chia sẻ.

Trước thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi ngày quán ăn của anh Rép có doanh thu từ 5 - 6 triệu đồng, trừ chi phí mỗi tháng thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng. Thời điểm này, anh đã phát triển thêm dịch vụ ship đồ ăn về tận nhà để đáp ứng nhu cầu khách hàng và duy trì doanh thu trong mùa dịch.

Không riêng anh Rép, tại Nam Đông, nhiều đoàn viên thanh niên cũng “lập chí” phát huy các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hay dịch vụ với sự hỗ trợ từ thêm nguồn vốn uỷ thác cho vay từ NHCSXH. Tại hai xã Hương Xuân và Hương Phú, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ủy thác, đã có nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư các mô hình trang trại, vườn cây ăn quả...

Theo thông tin từ Huyện đoàn Nam Đông, những năm qua, đơn vị đã nhận thêm nguồn vốn ủy thác cho vay từ NHCSXH, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và lập nghiệp. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều trường hợp đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, làm ăn có hiệu quả vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Bà Hồ Thị Hằng, Bí thư Huyện đoàn Nam Đông cho biết, đến nay, Huyện đoàn đã nhận vốn ủy thác đến 5/10 xã, thị trấn trên toàn huyện. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt  trên 17,9 tỷ đồng, với 14 chương trình vay vốn, 11 tổ tiết kiệm vay vốn và 386 lượt hộ vay.

Với nguồn vốn cho vay ủy thác qua Đoàn Thanh niên, người vay đã thực hiện trả nợ, trả lãi đúng hạn, không có nợ quá hạn hoặc lãi tồn, phong trào thanh niên tại các xã có nhận vốn ủy thác hoạt động sôi nổi và có hiệu quả cao, được chính quyền địa phương các cấp và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đánh giá cao. Nhờ đó, các hội, đoàn thể khác đã bàn giao lại các tổ tiết kiệm vay vốn cho Đoàn Thanh niên quản lý tại 2 xã Hương Phú, Hương Xuân giúp đoàn viên thanh niên địa phương được tiếp cận thêm nguồn vốn của NHCSXH, có vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập để ổn định cuộc sống, yên tâm xây dựng gia đình trên quê hương chính mình.

Để đảm bảo quản lý nguồn vốn ủy thác có hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích, Huyện đoàn thường xuyên phối hợp với NHCSXH chỉ đạo xã đoàn, ban quản tổ tiết kiệm vay vốn thực hiện chặt chẽ khâu bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, mục đích sử dụng vốn vay, công khai, công bằng và dân chủ.

Việc nhận nguồn vốn ủy thác đã đáp ứng một phần nhu cầu vốn của nhiều đoàn viên thanh niên giúp có vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Đồng thời, thông qua hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn của NHCSXH, cán bộ đoàn cũng nắm bắt sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ làm hồ sơ kịp thời. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức Đoàn với thanh niên trên địa bàn. Nhờ vậy, hầu hết những trường hợp được vay vốn ủy thác qua Đoàn Thanh niên đã xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Theo Bí thư Huyện đoàn Nam Đông, thời gian tới, nhiều đoàn viên thanh niên trở về từ các tỉnh do ảnh hưởng dịch bệnh, cần nguồn vốn vay để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống tại địa phương. Huyện đoàn Nam Đông tiếp tục phối hợp NHCSXH nhận thêm nguồn ủy thác tại các xã chưa có vốn ủy thác của Đoàn. Phấn đấu 100% đoàn viên thanh niên tại các xã, thị trấn có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp thanh niên phát triển các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy sức trẻ thực hiện tốt chương trình “Tình nguyện mùa Đông”

Sáng 21/12, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ ra quân chương trình “Tình nguyện mùa Đông” năm 2024, chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Phát huy sức trẻ thực hiện tốt chương trình “Tình nguyện mùa Đông”
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Return to top