ClockThứ Ba, 28/11/2023 06:45

Chấp nhận đơn hàng xuất khẩu khó & nhỏ, lẻ

TTH - Thời điểm cuối năm, thị trường xuất khẩu vẫn chưa có nhiều tín hiệu “sáng”, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiếp tục thích ứng với đơn hàng khó, nhỏ, lẻ tận dụng hết các cơ hội thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt...

Cần nâng tính…khó tính của thị trườngCùng doanh nghiệp vượt khóKhôi phục đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp

 Công nhân lao động sản xuất tại Công ty CP Dệt may Huế

Liên hệ với các DN xuất khẩu tìm hiểu về tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2023, đa phần các DN đều cho biết thị trường và khách hàng chưa có nhiều điểm sáng. Đơn hàng chưa có dấu hiệu tăng, hầu hết các đơn vị đều ở tình trạng non tải trong ba tháng cuối năm, thậm chí có đơn vị phải “ăn đong” đơn hàng từng tháng. Các DN buộc phải thích nghi quy mô đơn hàng nhỏ, lẻ, yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe và thời gian giao hàng ngắn lại. Trong khi đó, giá gia công vẫn ở mức thấp hơn khoảng 30% so với trước đây. Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 23 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may. Trong 10 tháng, xuất khẩu sản phẩm dệt may ước đạt hơn 615 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ.

Ước đạt kế hoạch năm 2023, Công ty CP Dệt may Huế được xem là điểm sáng trong thời điểm hiện nay. Song ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho biết, kết quả đó đạt được do công ty thích ứng nhanh với đơn hàng khó, nhỏ, lẻ. Nêu ra hàng loạt khó khăn gần đây, ông Nguyễn Văn Phong nói rằng, chưa bao giờ DN may quy mô hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng 500-700 chiếc áo, nhưng bây giờ cũng phải làm, vì nếu không làm thì không có đơn hàng.

 Công ty CP Dệt may Phú Hòa An đã đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường

Ngoài ra, gần đây xuất hiện tình trạng đối tác chậm nhận hàng, gây khó khăn về dòng tiền, kho bãi lưu trữ hàng của DN. “Không chỉ đơn hàng giảm mà đơn giá cũng giảm rất mạnh, nhiều đơn hàng gia công có giá giảm tới 50%”, ông Nguyễn Văn Phong cho biết thêm.

Công ty CP Dệt may Huế có lợi thế về bề dày kinh nghiệm, đầu tư nhiều công nghệ cao, đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng hiện đại. Từ lâu DN luôn đặt tiêu chí xem khách hàng là ưu tiên số một, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng khi khó khăn, nên tạo được nền tảng uy tín lâu dài. Có nhiều khách hàng đã đồng hành cùng công ty hàng chục năm nay. Vì vậy, khi đứng trước sự lựa chọn, họ vẫn ưu tiên nhập sản phẩm của công ty. Đây cũng là lợi thế để công ty cạnh tranh thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thị trường lớn, truyền thống, Công ty CP Dệt may Huế tìm thêm khách hàng phụ, tiếp cận thị trường ngách. Điều này đòi hỏi bộ phận làm công tác thị trường phải chịu khó vất vả, thay vì chốt một đơn hàng cho nhiều tháng, thì nay chấp nhận chốt đơn hàng cho từng tháng, thậm chí ngắn hơn. “Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ đơn hàng vào các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc của Công ty CP Dệt may Huế tăng rõ rệt, có thời điểm tăng đến hơn 22%, con số này chưa từng có trước đó”, ông Phong nói.

Theo ông Lê Hồng Long, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Hòa An, trước đây đơn hàng sở trường là dệt may của công ty chiếm đến 80%, nay giảm xuống còn 40%, buộc công ty phải nhận thêm 60% đơn hàng dệt thoi; đồng thời thay đổi, sản xuất thêm những mặt hàng mới.

Đây cũng là giải pháp được Công ty Scavi Huế áp dụng, ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế thông tin, trong bối cảnh hiện nay, DN chỉ tập trung vào một đối tượng khách hàng cố định, để hạn chế phải đáp ứng một lúc nhiều yêu cầu khác nhau trong sản xuất là sai lầm. Ngược lại, càng nhiều khách hàng càng tốt. Để đáp ứng điều đó, đòi hỏi nguồn nhân lực phải chất lượng. Hiện nguồn lao động của công ty chúng tôi được đào tạo liên tục, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành không bị giảm sâu trong bối cảnh sức cầu các thị trường giảm mạnh.

Theo ông Trần Văn Mỹ, năm 2024 sẽ là năm cạnh tranh rất khốc liệt về giá. Hơn nữa, khách hàng sẽ yêu cầu giao hàng nhanh và rất nhanh, đơn hàng thì ít, độ phức tạp của sản phẩm cũng cao, mẫu mã đa dạng, chất lượng yêu cầu rất khắt khe. Khách hàng đặc biệt quan tâm tới chất lượng sản phẩm và lựa chọn doanh nghiệp để ký kết hợp tác lâu dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm tới năng suất lao động để giải quyết được yêu cầu của khách hàng.

Trước những biến động khó lường của thị trường hiện nay, ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia chiến lược phát triển kinh tế đưa ra lời khuyên, DN cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, tổ chức sản xuất tốt nhất để tăng năng suất lao động, đáp ứng đơn hàng nhỏ, lẻ, yêu cầu chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt và bố trí nguồn nhân lực  phù hợp để tối ưu hóa chi phí lao động.  

Các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, đáp ứng nhu cầu và chất lượng cao của các đối tác. Đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động đa dạng hóa đơn đặt hàng, tận dụng thị trường ngách để công nhân có việc làm quanh năm với mức thu nhập ổn định cũng như tạo doanh thu bền vững cho chính doanh nghiệp.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Return to top