Những ngày này, chị Nhạn và nhiều người bán rong bạ phải ngủ lại qua đêm tại tuyến đường Chương Dương để giữ chỗ
Ngủ lại... chấm chỗ
Từ trước tết khoảng một tuần, đêm nào sau khi vãn khách, chị Nhạn ở đường Phùng Khắc Khoan, TP. Huế cũng phải ngủ lại qua đêm trên đoạn đường Chương Dương, gần múi cầu Trường Tiền để giữ chỗ. Chị Nhạn trò chuyện: "Mấy ngày ni chỉ cần dọn hàng về nhà ngủ là ngày mai xem như mất chỗ. Hàng bông ba hoa quả của mình ngày thường còn gánh đi đây đó rao bán, mời mọc, chứ ba ngày tết, hàng nhập về nhiều, khách tập trung tại đây rất đông nên phải tận dụng cơ hội".
Bình thường, hoạt động mua bán ở khu vực đường Chương Dương gần cầu Trường Tiền được đội trật tự đô thị thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh. Tuy nhiên, thông cảm cho bà con mua bán trong mấy ngày tết và một phần cũng vì nhu cầu của khách hàng, các "mối" nhỏ đến đây nhận hàng để tỏa đi khắp các chợ dân sinh lớn, nhỏ nên các mặt hàng hoa, quả, lagim... nườm nượp khách đến tận hơn 11 giờ đêm và khoảng 3, 4 giờ sáng hôm sau đã đông trở lại, không khác gì chợ đầu mối Phú Hậu trong những ngày thường.
Chị Thuý, ở phường Phú Hiệp, TP. Huế bán hàng rong mấy chục năm trời nhưng trong mấy ngày tết, chị cũng cố kiếm một chỗ "kê đòn" ở chợ Xép, trên đoạn đường Ngô Đức Kế để yên ổn buôn bán trong mấy ngày tết. Chị Thuý vui vẻ: "Chợ ni được cái rất đông khách, dễ buôn dễ bán. Cũng may chủ các ki-ốt thương tình cho mình ngồi ké tạm một bên nên không phải tốn tiền thuê mặt bằng. Nhờ rứa mà mình có thể bán rẻ hơn một chút so với hàng quán khác, bù lại không còn hàng tồn, hàng bầm dập".
Trong những ngày cận tết, hầu hết ở các chợ truyền thống, số người bán hàng rong, bạ tăng lên và sức người đi mua sắm cũng tăng cao, nhất là trong ngày 27, 28 tết. Ngược lại, bên trong các chợ, nhất là ở những quầy hàng áo quần, đồ gia dụng... thì khá buồn tẻ bởi lượng khách không bằng so với những năm trước. Một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần khác do tâm lý tết năm nay "ít đi" hoặc do những mặt hàng này được người dân mua sắm "lai rai" trong năm, hoặc có thể được đặt mua qua mạng...
Sức mua giảm, hàng không nhiều
Theo báo cáo của ngành công thương, những ngày trước tết năm nay, sức mua ở các chợ truyền thống giảm hơn 30% và tại các siêu thị giảm hơn 15%. Điều này tác động không nhỏ đến thị trường hàng hóa cũng như người bán và người mua.
Chị Hòa cùng em gái bán hàng tết ngay tại xe tải được chở từ miền Nam ra
Chị Thanh Phước, ở Bàu Vá, TP. Huế cho biết: "Mình ra chợ hoa để muốn tìm mua nhiều lẵng hoa đẹp về treo và thay các lẵng hoa cũ nhưng không hề có. Nghe bảo ở phía Nam không ai dám chở hàng ra bán vì sợ lỡ bị nhiễm F0 COVID-19 là không có ai đứng bán. Hơn nữa, do giá đầu vào cao nên sợ bán ra khó".
Vẫn biết trải qua một năm lao đao với dịch COVID-19, song tâm lý ai ai cũng muốn gia đình có những đều mới mẻ, có không khí tết với ngập tràn hương hoa, sắc vị tết. Nhưng năm nay, do đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao nên nhiều sản vật ở miền Nam, miền Bắc ít hội tụ về Huế để thỏa mãn nhu cầu mua sắm tết của bà con.
Chị Hoà, ở Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế mấy ngày nay cũng phụ bán với vợ chồng người em tại hai điểm ở đường Lê Ngô Cát và đường Bùi Thị Xuân các mặt hàng trái cây như bưởi da xanh, chuối, thơm, thanh long... được chở từ miền Nam ra. Tính toán còn một ngày nữa là đón giao thừa, chị Hoà đon đả mời khách mua hàng với mức giá "bán đổ bán tháo". Chị Hoà nói: "Vợ chồng người em ở Bình Dương đánh xe tải ra thăm quê, tiện thể chở hàng ra bán, nên giá mềm hơn so với mấy chỗ khác là cái chắc". Đúng như lời chị Hoà quảng cáo, bưởi da xanh ở hàng chị giờ chỉ bán với giá 20 ngàn đồng/kg, trong khi những hàng quán khác có giá 38 ngàn/kg loại trái to.
Tết năm nay, chỉ riêng hàng hoa là giá khá cao, tăng khoảng 30% so với tết năm ngoái. Còn lại các mặt hàng trái cây vẫn ổn định, chỉ riêng đến ngày 28 tết, do sức mua tăng, hàng ít nên giá có nhích nhẹ.
Một điểm khác so với mọi năm là các mặt hàng thực phẩm khô, đóng gói, thực phẩm trữ tủ lạnh như nem chả, bánh chưng, bánh tét, mứt bánh... có sức mua yếu. Vì vậy, riêng những cơ sở, hộ gia đình nhận làm theo đơn đặt trước đó thì yên tâm "chạy hàng", còn những người tự làm mang ra chợ bán thì hàng khó chạy hơn. Tuy nhiên, theo lời chị Tâm, tiểu thương ở chợ Bến Ngự: "Đắt rẻ chi chưa biết, chứ đến trưa 29 tết cũng phải tổng kết. Trừ thứ chi còn để bán mở chợ đầu năm mới thì mình mới để lại".
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG